Đó là chia sẻ của ông Ngô Văn Cầu, nguyên phó giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị.
Hệ thống giao thông tĩnh gồm các bãi đỗ xe, trông giữ xe… của ta hiện nay quá kém. Đã mấy chục năm nay, nhiều đề án giao thông đưa ra những không thực hiện được. Người ta mới chỉ lo đến ăn và mặc, còn đi lại là vấn đề vớ vẩn không đáng lo.
Quan điểm của ông thế nào về việc thu phí bảo trì đường bộ để hạn chế phương tiện cá nhân?
Thành phố 6 triệu dân chỉ mới có 1000 xe buýt
Tôi thấy, tại sao người dân mình khổ thế!
Thu nhập thấp, đến khi có tiền mua xe thì phải mua với giá đắt gấp 3 lần ở Mỹ. Khi đưa xe vào sử dụng thì phải sử dụng các loại phí chồng phí. Tôi nghĩ đó không phải là giải pháp lâu dài đâu.
Trước đây, tôi có nghiên cứu về diện tích chiếm dụng (gọi là chiếm lĩnh giao thông động) khi tham gia giao thông của các phương tiện. Ví dụ như 1 chiếc xe buýt có chiều dài 10m, rộng 3m nhưng nó chở hàng trăm người, nghĩa là chiếm diện tích nhỏ. Người đi ô tô chiếm dụng diện tích lớn hơn, nên phải đóng phí đường là hợp lý. Tuy nhiên, nhiều hơn như thế nào ở mức hợp lý thì phải xem xét.
Mới đây, lãnh đạo Hà Nội bảo không thể tăng số xe được, để tự do thì sẽ đến lúc mua xe về để đấy. Nếu nói phí chồng thí thì hãy hỏi người dân lấy tiền đâu mua xe. Ông có bình luận gì không?
Tôi nghĩ rằng, hãy chọn cách nào nhận được nhiều sự đồng thuận nhất.
Chưa kịp cấp cứu có khi đã chết vì tắc đường
Theo ông thì tại sao đã có rất nhiều giải pháp, ý tưởng về giảm ùn tắc rồi, nhưng đến nay vẫn chưa thể có cách nào có thể áp dụng lâu dài?
Đó là câu chuyện dài. Từ năm 2003 tôi đã đề xuất 7 giải pháp để phát triển giao thông, tránh ùn tắc. Khi đó tôi đã dự báo, nếu không thực hiện ngay thì chỉ trong một vài năm nữa, ùn tắc sẽ làm cho giao thông Hà Nội không thể di chuyển được.
Vậy theo ông, vấn đề cốt lõi của thực trạng giao thông hiện nay là gì?
Nhiều lý do lắm. Đường của ta có quá nhiều giao cắt trên cùng một mặt phẳng. Liên kết liên thông các khu vực với nhau kém. Chất lượng đường xá thấp, chưa kịp đưa vào sử dụng đã hỏng. Quy hoạch không tốt. Bệnh viện trường học nằm sâu trong nội đô. Ý thức người tham gia giao thông cũng chưa được giáo dục triệt để. Có khi người bệnh đi cấp cứu chưa kịp vào đến bệnh viện thì đã chết trên đường mất rồi.
Vài năm nữa, sẽ không di chuyển được trên đường Hà Nội
Phải chăng hạn chế xe thời điểm này là cần thiết?
Nếu dân số tăng 1% thì nhu cầu giao thông sẽ tăng 1,1%. Nếu không có giải pháp, tiếp tục tình trạng này thì chỉ vài năm nữa thôi, sẽ không thể nào di chuyển được trên đường Hà Nội.
Vậy thì phải làm gì bây giờ thưa ông?
Cái đó phải hỏi lãnh đạo ngành giao thông. Tôi đi nhiều nước, họ không có xe máy đâu. Trên đường đa số là ô tô. Nhưng họ có hệ thống giao thông công cộng phát triển rất mạnh, giải quyết đến 30-40% nhu cầu đi lại của người dân.
Vậy sao mình không học họ?
Buồn cười. Làm tàu điện ngầm rất đắt tiền. Xây dựng hệ thống xe buýt để có thể liên kết tốt thì chưa làm được. Đơn vị có trách nhiệm thì năng lực chưa đủ để làm, đơn vị nghiên cứu thì mới chỉ nghiêng về lý thuyết. Vì thế mà khó. Theo tôi thì cần có sự trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ, với những chuyên gia hàng đầu để bắt tay vào thay đổi.
Cái đó phải hỏi các bác lãnh đạo
Chủ trương di dời các cơ quan, bệnh viện, đơn vị hành chính… đã có từ lâu nhưng vì sao lại chưa thực hiện được thưa ông?
Cái đó phải hỏi các bác lãnh đạo. Quan trọng không phải vì không có đất, không có tiền mà vì các bác lãnh đạo có hàng nghìn lý do abc để trì hoãn. Người lãnh đạo có muốn di dời hay không? Khi di dời như thế thì sinh hoạt trong gia đình của người đứng đầu sẽ bị xáo trộn. Đang ở phố mà bắt về vùng ven thì cũng ngại lắm!
Có phải ý ông là vì các vị ấy đặt lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích chung?
Không phải! Họ đặt lợi ích gia đình họ cao hơn đấy chứ. Mà gia đình là tế bào của xã hội mà (cười).
6 triệu dân chỉ có 1000 xe buýt
Nhiều người cho rằng, nếu giao thông công cộng phát triển thì họ sẵn sàng sử dụng, sao ta lại không tập trung vào mảng này?
Năm 1994 tôi sang Singapore để chuyển giao công nghệ điều hành xe buýt. Tôi quá ngạc nhiên bởi một đất nước chỉ có 3 triệu dân nhưng có tới 3000 xe buýt và 3 tuyến tàu điện ngầm. Trung bình, 1000 người dân có 1 chiếc xe buýt. Hệ thống giao thông đó có rất ít nút giao cắt và gần như không bao giờ xẩy ra tình trạng ùn tắc.
Trong khi đó, Hà Nội có tới 6 triệu dân mà chỉ có chưa đến 1000 chiếc xe buýt. Ách tắc giao thông là tất yếu. Vấn đề này chúng tôi cũng đã nói từ lâu, nhưng người ta mới chỉ quan tâm đến xây chung cư, siêu thị, văn phòng, mà bỏ quên việc này.
Phải chăng vì có quá ít xe buýt nên mới có tình trạng quá tải của loại hình giao thông này?
Không đâu. Mạng lưới xe buýt của ta quá rộng nhưng lại không phủ kín được hết các điểm cần thiết. Nó giống một chiếc áo rất rộng, rất nhiều vải, nhưng mặc lên người vẫn bị hở. Việc liên thông liên kết giữa các điểm dừng đỗ này cũng rất kém. Hệ số trùng tuyến quá cao. Có những điểm có đến 10 tuyến xe chạy qua, rồi có lúc 6-7 cái nối đuôi nhau dẫn đến ách tắc. Tại sao lại không giãn ra, đó là sự bảo thủ, trình độ kém của người lãnh đạo.
Và dù có mất thời gian, phiền, thì người ta vẫn đi vì suy cho cùng thì giá xe buýt hiện nay được coi là rẻ?
Đúng vậy. Giá rẻ đến mức phi lý. Ai đời lại chỉ có 4-5 ngàn đồng/lượt đi, mấy chục nghìn là có thể đi cả tháng. Chênh lệch với các phương tiện khác đến hàng trăm lần. Sao không đẩy giá lên ở mức hợp lý, lấy tiền đó tái đầu tư lại để nâng cao chất lượng?
Xin cảm ơn ông!