Tác động khủng khiếp của đại dịch COVID-19 với trẻ em: Chuyên gia nói đây là ‘tình trạng khẩn cấp toàn cầu’
Thứ hai, 26/07/2021 12:53

So với người lớn, trẻ em ít có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng và tử vong vì căn bệnh này hơn. Nhưng nguy cơ thấp này đã che khuất tác động khủng khiếp mà đại dịch gây ra đối với trẻ em.

Một nghiên cứu mới ước tính rằng 1,5 triệu trẻ em trên toàn thế giới đã có cha mẹ, ông bà hoặc người chăm sóc chính tử vong do COVID-19, Daily Mail đưa tin.

Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, Đại học Hoàng gia London (Anh) và các cơ quan tổ chức khác đã xem xét dữ liệu tử vong và thống kê tỷ lệ sinh của 21 quốc gia từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 4 năm 2021.

Họ phát hiện ra rằng hơn 1 triệu trẻ em đã mất cha hoặc mẹ, mất cả cha lẫn mẹ; 0,5 triệu trẻ em khác mất ông bà, người chăm sóc chính.

Tiến sĩ Susan Hills, một nhà nghiên cứu của CDC và là một trong những tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Cứ hai người tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới thì có một trẻ em bị bỏ lại, đối mặt với cái chết của cha mẹ hoặc người chăm sóc.

"Đến ngày 30 tháng 4 năm 2021, 1,5 triệu trẻ em này đã trở thành hậu quả bi thảm của 3 triệu ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới, và con số này sẽ chỉ tăng lên khi đại dịch tiến triển".

Trong số 21 quốc gia trong nghiên cứu, 8 quốc gia có tỷ lệ trẻ em mồ côi đặc biệt cao.

Peru có tỷ lệ cao nhất, cứ 1.000 trẻ em thì có 10 em mất người chăm sóc chính. Nam Phi và Mexico cũng có tỷ lệ cao, lần lượt là 5/1.000 và 3/1.000.

Tác động khủng khiếp của đại dịch COVID-19 với trẻ em: Chuyên gia nói đây là ‘tình trạng khẩn cấp toàn cầu’ - Ảnh 1.

Nhân viên y tế vận chuyển một bệnh nhân COVID-19 ở Arequipa, Peru

Tại Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu ước tính cứ 1.000 trẻ em thì có khoảng 1,5 trẻ em bị mất người chăm sóc chính - tổng số khoảng 114.000 em.

Mặc dù Ấn Độ không phải là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao nhất, nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy số ca tử vong tăng mạnh vào mùa xuân năm 2021. Số trẻ em mồ côi khi mới sinh ra đã tăng 8,5 lần trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2021 khi biến thể Delta hoành hành Ấn Độ.

Hỗ trợ khẩn cấp

Các nhà nghiên cứu nói rằng thế giới cần hỗ trợ khẩn cấp cho những trẻ mồ côi này vì các em phải đối mặt với rủi ro cao hơn về sức khỏe, sự an toàn và phúc lợi.

So với người lớn, trẻ em ít có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng và tử vong vì căn bệnh này hơn. Nhưng nguy cơ thấp này đã che khuất tác động khủng khiếp mà đại dịch gây ra đối với trẻ em.

Tình trạng mồ côi - được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc định nghĩa là việc mất đi một hoặc cả hai cha mẹ - có thể khiến trẻ gặp rủi ro lớn.

Tác động khủng khiếp của đại dịch COVID-19 với trẻ em: Chuyên gia nói đây là ‘tình trạng khẩn cấp toàn cầu’ - Ảnh 2.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho một em nhỏ ở Shah Alam, ngoại ô Kuala Lumpur,
 Malaysia vào ngày 27 tháng 5 năm 2021. (Ảnh: AFP / Mohd Rasfan)

Trẻ em mồ côi có nhiều khả năng phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần, nghèo đói và bạo lực về thể chất, tình cảm và tình dục. Các em cũng có thể phát triển bệnh mãn tính và có nguy cơ mắc HIV/AIDS và các bệnh khác cao hơn.

Trẻ em mất người chăm sóc chính mà không phải là cha mẹ của chúng - chẳng hạn như ông bà hoặc người thân khác - cũng có nguy cơ tương tự.

Nhóm nghiên cứu có sự tham gia của các nhà khoa học từ CDC Mỹ, Đại học Hoàng gia London, Đại học Oxford và các tổ chức khác. Phát hiện của họ được công bố hôm nay 26/7 trên tạp chí The Lancet.

Dữ liệu có thể hữu ích trong việc xây dựng phương án viện trợ toàn cầu – điều mà các nhà nghiên cứu cho rằng là cấp thiết và quan trọng đối với 1,5 triệu trẻ em dễ bị tổn thương này.

Một trong những tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Lucie Cluver, giáo sư tại Đại học Oxford và Đại học Cape Town, cho biết: "Chúng ta cần hỗ trợ các gia đình nhận nuôi trẻ mồ côi, với các biện pháp như hỗ trợ kinh tế, tổ chức các chương trình nuôi dạy con cái, hỗ trợ giáo dục.

"Chúng ta cần tiêm vaccine COVID-19 cho những người chăm sóc trẻ em - đặc biệt là ông bà. Và chúng ta cần phản ứng nhanh vì cứ 12 giây lại có một đứa trẻ mất người chăm sóc vì COVID-19".

Tiến sĩ Seth Flaxman, một trong những nhà tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Hoàng gia London, đã gọi số lượng trẻ mồ côi là một ‘tình trạng khẩn cấp toàn cầu’.

Ông Flaxman nói: "Dịch COVID-19 ngoài tầm kiểm soát đã làm thay đổi đột ngột và vĩnh viễn cuộc sống của những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau.

"Ngày mai là quá muộn đối với đứa trẻ được nuôi dưỡng trong trại trẻ mồ côi, đứa trẻ sẽ lớn lên bị tổn thương sâu sắc bởi trải nghiệm mất người thân.

"Chúng ta cần nhanh chóng xác định những đứa trẻ được nhắc đến trong nghiên cứu này và tăng cường hệ thống giám sát để mọi trẻ em đều có thể được hỗ trợ để phát triển".

Doanhnghieptiepthi.vn

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/tac-dong-khung-khiep-cua-dai-dich-covid-19-voi-tre-em-chuyen-gia-noi-d.. Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/tac-dong-khung-khiep-cua-dai-dich-covid-19-voi-tre-em-chuyen-gia-noi-day-la-tinh-trang-khan-cap-toan-cau-161212607125000551.htm

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Trẻ em , covid-19