Bệnh nhân là anh Nguyễn Đình T. (38 tuổi, ngụ huyện Anh Sơn, Nghệ An).
Sau nhiều ngày dùng cà độc dược thái mỏng, phơi khô rồi đốt đem ngửi để chữa bệnh viêm xoang nhưng không khỏi, trưa 3.11, anh T. hái vài quả cà độc dược đem về nấu lấy nước uống. Sau đó ít phút, anh T. bị ngộ độc.
Theo bác sĩ Lân, bệnh nhân T. nhập viện vào tối 3.11 trong tình trạng nguy kịch, bị kích thích mạnh, vật vã, mắc hội chứng cường giao cảm, da toàn thân nóng và đỏ, đồng tử giãn và mất ý thức hoàn toàn.
Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được truyền nước, dùng các loại thuốc giải độc, bơm than hoạt tính vào dạ dày để xông và hấp thụ các chất độc, thải ra ngoài.
Sau hơn 4 giờ cấp cứu, nạn nhân bắt đầu tỉnh dần và qua cơn nguy kịch.
“Nếu bị ngộ độc cà độc dược mà không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Trong quả cà độc dược có chứa atropine, scopolamine và hyoscyamine - là những chất có khả năng gây ảo giác và làm liệt cơ. Các chất này làm gián đoạn hoạt động của hệ thần kinh đối giao cảm”, bác sĩ Lân cho biết.