Lực lượng phòng thủ phải tìm ra những điểm yếu của lực lượng tấn công dù mạnh, dù hiểm hóc đến đâu để giáng trả. Đó chính là tư tưởng tấn công trong đường lối, nghệ thuật quân sự.
Sự nguy hiểm khó lường của tác chiến đổ bộ hiện đại
Nghệ thuật tác chiến đổ bộ đánh chiếm, đột kích, hiện đại sử dụng 3 lực lượng: tàu đổ bộ lưỡng thê, tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn và máy bay trực thăng tiến hành đổ bộ thẳng đứng mà giới quân sự coi là phương thức tác chiến 3 chiều (lập thể) đã tạo nên một thế "chân kiềng" vững chắc.
Bộ 3 lực lượng này đã đáp ứng các tiêu chí rất cơ bản trong tác chiến đổ bộ, đó là: tập trung, mạnh và nhanh.
Tập trung, vì cả 3 lực lượng trên đều có thể cập bờ để triển khai tác chiến cùng một lúc.
Mạnh là vì hỏa lực của 3 lực lượng này đủ mạnh để đè bẹp mục tiêu từ cấp chiến dịch trở xuống mà không cần sự hỗ trợ của các lực lượng khác.
Nhanh là vì khả năng cơ động của chúng rất cao. Nếu đối phương có một sức mạnh vừa phải, một sự cảnh giác tối thiểu thì sẽ không có cơ hội trở tay.
Có thể nói, bằng sự xuất hiện tàu đổ bộ cỡ lớn (LPD) và tàu đệm khí cỡ lớn (LCAC)... đã làm cho lực lượng đổ bộ của các cường quốc biển trở thành một lực lượng có tính răn đe cao, uy hiếp mạnh, cứ như bị "dao găm kề cổ, súng gí vào mang tai" vào nạn nhân là những quốc gia nhỏ bé.
Rõ ràng, chính sự thay đổi công nghệ đã thay đổi lớn chiến thuật đổ bộ đường biển truyền thống.
Ngày nay, đương nhiên, chiến thuật đổ bộ luôn là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại nhưng theo mức độ, nhiệm vụ và do đó sẽ có những hình thức tác chiến khác nhau. Chẳng hạn (điều ta quân tâm nhất), đổ bộ đánh chiếm hay đột kích các khu vực ven biển, các khu vực bàn đạp đầu cầu, các căn cứ hải quân ven biển, các hải cảng lớn, các đảo đơn lẻ hoặc các cụm đảo, quần đảo và giữ chúng, thì hình thức tác chiến khác đi so với truyền thống.
Do mục tiêu chỉ có ý nghĩa về chiến dịch, chiến thuật nên thông thường được tiến hành bởi lực lượng của hải quân và lính thủy đánh bộ mà tác chiến độ bộ hiện đại như "siêu nhanh, siêu xa, ngoài đường chân trời"; phương thức tác chiến trực tiếp đoạt bến đổ bộ trước đây đã nhường chỗ cho sử dụng phương thức tác chiến ba chiều (lập thể).
Đây là hình thức tác chiến mà dù chưa được "thử lửa" khốc liệt với một đối thủ khó chịu nhưng đã tỏ ra rất nguy hiểm toát ra trên lý thuyết, từ diễn tập, nhưng đối với các mục tiêu là các căn cứ hải quân, quần đảo, đảo nhỏ đơn lẻ...thì rất dễ bị thất thủ.
Đặc biệt, trong tranh chấp biển đảo mà với lực lượng LPD, LCAC, ngày càng hiện đại thì hình thức tác chiến này càng tỏ ra ưu việt, khả thi, thách thức lớn cho các quốc gia nhỏ bé ven biển muốn bảo vệ chủ quyền.
Dù là thời bình hay thời chiến nhưng quốc gia nào thiếu cảnh giác, thiếu biện pháp đối phó khi tình huống này xảy ra thì sẽ bị đối phương chặn họng, điểm huyệt mà không bị trả giá.
Sở trường của dạng tàu chống đổ bộ TTP400-TP
Cứ nhìn vào phương tiện, vũ khí trang bị, các cuộc diễn tập... thì hình thức tác chiến đổ bổ ngày nay khiến cho không ít các quốc gia "mất tinh thần" khi bị hù dọa, uy hiếp.
Song, hình thức tác chiến đổ bộ hiện đại, kết hợp 3 lực lượng tàu đổ bộ lưỡng thê, tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn và máy bay trực thăng tiến hành đổ bộ thẳng đứng không phải là tuyệt chiêu, không phải có thế vững chắc như "kiềng 3 chân", bởi lẽ, trong thực tế, theo triết học và lý học, thì không có một hoạt động nào mà không tồn tại những mâu thuẫn, và đó chính là những điểm yếu không thể khắc phục mà lực lượng phòng thủ cần nắm bắt để khai thác, tạo lợi thế cho mình.
Một là: Theo dõi những cuộc tập trận đổ bộ gần đây của Mỹ, Nhật và đặc biệt là Trung Quốc ta thấy khi lực lượng đổ bộ xuất phát cũng là lúc pháo hạm, máy bay ném bom thi nhau trút bom, pháo vào mục tiêu và chỉ chuyển làn khi lực lượng đổ bộ đã tiếp cận bờ.
Nhưng, thông thường, đổ bộ để đánh chiếm hay đột kích thì mục tiêu rất xa với căn cứ nhưng lại gần với đối phương. Do đó, chắc chắn sẽ ít, thậm chí là không có sự hỗ trợ để dọn bãi và sự bảo vệ của không quân (nếu như không có tàu sân bay chẳng hạn) .
Vấn đề đặt ra ở đây là sự không chắc chắn về vùng trời khu vực xảy ra tác chiến và do vậy, PLD, LCAC sẽ không chắc chắn được bảo vệ bởi đòn tấn công của không quân đối phương.
Do yêu cầu tập trung lực lượng, vì khả năng tiếp cận mục tiêu với thời gian khác nhau nên PLD không thể đổ quân cùng một lúc. Chính vì vậy lực lượng hộ tống, bảo vệ cho LPD luôn duy trì đến phút chót để đối đầu với các tàu tấn công bằng tên lửa, ngư lôi. Và đương nhiên, các loại tàu chuyên chống đổ bộ dạng như TTP400-TP của Hải quân Việt Nam chẳng hạn, sẽ có cơ hội phát huy sở trường.
Hai là: Đổ bộ bằng trực thăng là một đòn hiểm nhất đối với lực lượng phòng thủ trên đảo.
Máy bay trực thăng rời khỏi PLD sau cùng nhưng đến cùng lúc với tàu đệm khí và xe lưỡng thê, nó mang theo những người lính năng động xuất hiện ở những nơi nhạy cảm. Nếu bẻ gãy được mũi tấn công này thì 2 mũi còn lại chỉ là vấn đề thời gian.
Vì thế, trực thăng đổ quân là mối quan tâm, ưu tiên hàng đầu của lực lượng phòng thủ.
Tiêu diệt trực thăng nói chung trên thế giới không thiếu gì loại vũ khí mang tính "sát thủ". Ngay loại cổ nhất là SA-7 (Việt Nam gọi là A-72) trong thời gian từ 1972-1975 xác suất tiêu diệt trực thăng của A-72 là 28,8%. Ngày nay SA-7 đã cải tiến đến đời SA-18, SA-24...đó là một trong những loại vũ khí "phi đối xứng" tuyệt diệu nhất dành cho những quốc gia nhỏ bé và ngay cả các nhóm khủng bố.
Hình thức tác chiến này, thông thường không có quá trình dọn bãi đổ bộ vì nếu thế sẽ mất tính bất ngờ, tiêu diệt không nhanh, gọn, mục tiêu, cho nên lực lượng đổ bộ đánh chiếm và lực lượng phòng thủ đảo đối đầu nhau từ loạt đạn đầu.
Nếu như với tinh thần "còn người còn đảo" theo kiểu của Việt Nam thì chỉ cần còn người lính trên đảo là loại tên lửa vác vai này vẫn luôn là cơn ác mộng kinh hoàng cho trực thăng.
Sở trường của loại tàu như TTP400-TP của Việt Nam là chống đổ bộ. Ngoài các loại pháo ra chúng còn được trang bị một hệ thống tên lửa đối không tầm thấp hiện đại. Và, không khó đoán khi nói rằng máy bay trực thăng là đối tượng tiêu diệt của nó.
Đến đây, nếu như hình thức tác chiến đổ bộ kiểu này nhằm vào mục tiêu nào đó của Việt Nam thì việc bố trí TTP400-TP ở đâu, xuất hiện lúc nào, hợp đồng tác chiến với lực lượng nào... đó là việc của Bộ tham mưu Hải quân Việt Nam.
Chắc chắn, lực lượng đổ bộ của địch không thể suôn sẻ như trong diễn tập, chúng nhất định phải trả giá.