Chiến dịch… “đổ bê-tông”
Hàng cây bị… bê-tông hóa nằm ở dãy ngoài cùng sát mặt đường, chỉ cách Quốc lộ 1 một hàng rào chắn và một đoạn vỉa hè có chiều rộng chừng hơn 1 mét, phân thành hai quãng cách nhau chừng hơn chục mét.
Dãy đầu tiên có khoảng hơn chục cây bị “nhét” trong ống cống dựng đứng. Cách đó một quãng chừng hai chục mét, hơn chục cây khác cũng chịu chung số phận.
Hàng sưa được “đổ bê-tông” để bảo vệ theo sáng kiến của đội bảo vệ vườn hoa Phủ Lý.
Mỗi khối bê-tông có hình dáng, kích cỡ như một ống cống được đặt theo chiều thẳng đứng: chiều cao hơn một mét, đường kính chừng gần 1 mét che kín từ gốc lên đến phần ngang thân cây. Trong mỗi ống cống, mỗi thân cây to chừng gần bắp chân người lớn nhô lên, trông khá hài hước vì hình ảnh kỳ lạ chưa mấy ai nhìn thấy.
Khi tìm hiểu, chúng tôi không khỏi kinh ngạc: tất cả những cây được… đổ bê-tông từ phần gốc lên đến ngang thân cây đều là những gốc sưa có tuổi đời gần chục năm tuổi được trồng từ khoảng đầu những năm 2000 trong Vườn hoa Phủ Lý (nay là vườn hoa Nam Cao).
Biện pháp bất đắc dĩ nói trên, cũng là cách phòng vệ của Đội bảo vệ Vườn hoa trước nạn “sưa tặc” hoành hoành.
Ông Tuấn, một người làm nghề xe ôm có thâm niên hàng chục năm tại vườn hoa Phủ Lý, điểm đón khách của ông Tuấn liền kề với 6, 7 gốc sưa bị bít bùng bởi ống cống lạ mắt. Với ông, những hình ảnh kỳ lạ đó đã rất đỗi quen thuộc.
Ông cho biết, hơn một năm qua, những gốc sưa này được bảo vệ bằng biện pháp kỳ lạ chưa từng thấy kể trên...
Anh Tuấn vạch những đọt non chỉ một gốc cây sưa bị kẻ xấu đốn hạ vào thời điểm tháng 7/2011.
Gốc sưa bị chặt có đường kính gần 40cm.
Vạch những cành cây đang nhú những đọt non to chừng ngón chân cái, cao hơn 1 mét, ông Tuấn tường tận chỉ cho tôi xem một gốc cây bị đốn hạ, có đường kính chừng 30cm. Đó là một cây sưa bị kẻ xấu đốn hạ hơn một năm trước trong một đêm mưa bão năm 2011.
“Cây sưa này, căn cứ vào đường kính gốc cũng có tuổi đời gần chục năm. Tôi làm nghề đón khách tại vườn hoa Phủ Lý, gần với dãy sưa hơn 20 cây sát mép đường 1A, tôi rành rẽ đến từng gốc, mỗi gốc có bao nhiêu thân, cành, tôi nắm được hết…” – ông Tuấn cho hay.
Thế nhưng, hàng sưa sát Quốc lộ 1A của vườn hoa Phủ Lý đã “lọt” vào tầm ngắm của bọn sưa tặc. Ngoài gốc cây bị đốn hạ sát mặt đất mà ông Tuấn vừa chỉ, có khoảng 4, 5 gốc cây khác cũng bị đốn hạ, chỉ còn trơ gốc. Những mầm non nhú lên từ gốc cây còn sót lại, nếu không để ý, tưởng như đó là bụi cây dại um tùm mọc lên.
Chỉ khi các phương tiện thông tin đại chúng nói về nạn “sưa tặc” hoành hành ở giữa Thủ đô, BQL Vườn hoa Nam Cao (TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) mới đưa ra giải pháp không ở đâu có: xây ống cống bao quanh gốc cây để bảo vệ cây, không cho bọn “sưa tặc” nhòm ngó!
Kể từ đó, những gốc sưa ở vườn hoa Phủ Lý bắt đầu sống trong vòng… cương tỏa. Đó cũng là lúc kẻ trộm đã rình mò đốn hạ bốn gốc sưa lớn nhất ở vườn hoa Phủ Lý!
“Đổ bê – tông” vẫn bị sưa tặc thăm viếng!
Ông Nguyễn Bá Đoàn, 52 tuổi, bảo vệ vườn hoa Nam Cao cho biết: cả vườn hoa có khoảng 25 cây sưa tuổi đời từ 7 – 8 năm. Tính đến thời điểm hiện tại, trong khuôn viên vườn hoa chỉ còn hơn 20 gốc sưa. Trong gần hai năm qua, 4 gốc sưa lớn nhất đã bị kẻ xấu đốn hạ.
Ông Nguyễn Bá Đoàn, bảo vệ vườn hoa Phủ Lý.
Những gốc sưa còn lại, mỗi cây cao chừng hơn 4 mét, đường kính thân to nhất chừng bắp đùi người lớn.
Cá biệt, có những gốc có 4, 5 thân nhỏ, mỗi thân to chừng bắp tay, cùng chung sống và cùng được “ngăn cách” với thế giới bên ngoài bằng một đường ống phi xây viền xung quanh.
Ông Đoàn thành thật: BQL Vườn hoa Phủ Lý quyết định phương án “kè cứng” bê-tông quanh gốc cây từ khoảng tháng 8/2011. Khi đó, vào khoảng tháng 7/2011, một đợt mưa lớn kéo dài vài ngày khiến Hà Nam bị ngập cục bộ, kẻ xấu lợi dụng hoàn cảnh ấy tiến hành cưa trộm những gốc sưa.
Bọn chúng cưa 3 gốc sưa lớn nhất cùng một lúc, nhưng bị phát hiện và đánh động, chúng đã bỏ của tháo chạy mà không kịp cắt khúc và mang gỗ sưa đi theo.
Sau vụ việc ấy, công ty CP Môi trường và công trình đô thị tỉnh Hà Nam – đơn vị chủ quản Vườn hoa Nam Cao đưa ra giải pháp: bịt kính quanh gốc cây ở chiều cao chừng hơn 1 mét, tính từ mặt đất trở lên. Mỗi “ống bi” có chiều dài, kích cỡ như nhau, và có khoảng trống trong ruột ống bi để “chờ” gốc sưa phình to, phát triển.
Tuy nhiên, giải pháp “đổ bê-tông” vẫn không ngăn được sức hấp dẫn của tiền bạc. Ông Đoàn buồn rầu: xây ống cống kiên cố hóa gốc cây mà vẫn không được. Bọn sưa tặc táo tợn nhè lúc đêm bênh cả ống cống lên, vì những ống cống này xây không có móng, để luồn cưa vào cưa gốc.
Một cây sưa đổ làm vỡ cả ống cống… May mà lực lượng bảo vệ phát hiện đánh động, bọn sưa tặc mới tháo chạy mà không kịp mang cây sưa vừa sát hạ ra khỏi hiện trường.
Hiện tại, những cây sưa bị chúng chặt trộm đang được giữ tại công ty môi trường đô thị Hà Nam.
Chính mắt ông Đoàn đã nhìn thấy những nhóm thanh niên táo tợn, cắt đầu trọc, xăm trổ đầy người mang theo đồ nóng, lúc thì nhảy xuống từ xe 7 chỗ màu trắng, lúc thì xe màu đen…
“Rành rành đấy là những đối tượng nghi vấn, nhưng phải bắt quả tang mới có đủ chứng cứ để bắt giữ chúng. Hơn nữa, nhóm người táo tợn nhường ấy, lực lượng bảo vệ mỏng, ban đêm chúng tôi chỉ có một bảo vệ Vườn hoa; ban đêm, quân số được tăng gấp đôi, hai người; mỗi người chỉ được trang bị một cái đèn pin, một cái dùi cui nhựa, một cái băng bảo vệ làm nhiệm vụ đeo ở ve áo. Anh bảo, làm sao mà chặn được bọn có vũ khí ấy?”.
Dù là biện pháp bảo vệ để giữ cây không bị chặt, nhưng những hình ảnh này chắc chắn không phải là những hình ảnh đẹp mắt!
Khi nhiều vùng trên khắp cả nước đang hoang mang vì nạn “sưa tặc” hoành hành, sáng kiến độc đáo này của đội bảo vệ Vườn hoa Nam Cao khiến nhiều người sửng sốt và… đồng tình.
“Cực chẳng đã mới phải làm thế. Cái cây nó cứ phát triển tự nhiên, không bị “hành” như thế mới đáng quý… Nó cũng là giải pháp tình thế để đối phó với sự vô ý thức của kẻ xấu, anh ạ…” – ông Đoàn thở dài.