Sự thực về tài xử án của Bao Thanh Thiên ở phủ Khai Phong

Trong hơn một năm nhậm chức Tri phủ Khai Phong, Bao Công trên thực tế không xét xử nhiều vụ án, cũng không có Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ phò tá.

Bao Công được xếp vào hạng “sao” trong hàng ngũ các nhân vật lịch sử của Trung Quốc. Đó cũng là lý do khiến những bộ phim truyền hình khai thác cuộc đời, sự nghiệp của ông thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, trong đó có cả khán giả Việt Nam.

Cũng chính nhờ những bộ phim, mà một bộ phận lớn thế hệ khán giả truyền hình trở nên am hiểu hơn về nhân vật lịch sử sống cách đây cả ngàn năm này.

Trong nhiều bộ phim làm về Bao Công, các nhà làm phim, nhà biên kịch Trung Quốc đã dựng lên hình ảnh vị quan thanh liêm mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được chị dâu nuôi dưỡng trưởng thành.

Tuy nhiên, theo trang tin tiexue.net, điều này chưa đúng. Bao Công sinh năm 999 trong một gia đình có cha làm quan trong triều đình Bắc Tống. Song thân ông đều sống khá thọ, sau khi Bao Công đỗ tiến sĩ vào năm 29 tuổi, họ vẫn khỏe mạnh.

Ông cũng có hai người anh trai, song cả hai đều mất từ nhỏ, nên không có chuyện Bao Chửng được chị dâu nuôi dưỡng thành người.

Trong bộ phim "Bao Thanh Thiên", Bao Công có nhiều trợ thủ đắc lực như Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ... nhưng các nhân vật này không tồn tại ngoài đời thực.

Cuộc đời làm quan của Bao Công bắt đầu từ năm 30 tuổi, với chức quan Tri huyện Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Giang Tây), sau đó là Huyện lệnh Thiên Trường (nay thuộc tỉnh Giang Tô), Tri châu châu Đoan (nay thuộc Quảng Đông).

Năm 44 tuổi, ông về kinh, 1 năm sau đó nhậm chức Giám sát ngự sử.

Trong thời gian này, Bao Công phá một số án lớn, để lại danh tiếng về sau như vụ dân thường Lãnh Thanh giả mạo Hoàng tử, giáng chức Trương Nghiêu Tá, bố đẻ của Trương quý phi, ái phi của Hoàng để Tống Nhân Tông.

Sau đó, ông nhậm chức chuyển vận sử ở Hà Bắc, Tri châu của các châu: Doanh Châu (nay thuộc Hà Bắc), Lô Châu ( nay là Hợp Phì, An Huy), Trì Châu ( nay là Trì Châu, An Huy).

Năm Gia Hữu 1056, Bao Công được đề bạt làm Tri phủ Giang Ninh, 4 tháng sau nhậm chức Phủ doãn phủ Khai Phong.

Trên thực tế, Bao Công làm quan tại phủ Khai Phong chỉ vỏn vẹn 1 năm 3 tháng, và cũng không có nhiều vụ án quá đặc sắc. Ông cũng không có các trợ thủ đắc lực như Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ.

Ngược lại, những viên quan nhậm chức tại phủ Khai Phong khi đó đều muốn gây rắc rồi cho vị quan họ Bao khi đó đã nổi tiếng khắp triều đình, đến Hoàng đế Tống Nhân Tông cũng phải kính nể vài phần.

Cuốn “Khước tảo biên” ghi lại, sau khi Bao Công nhậm chức, các quan trong phủ đều muốn “chơi” ông, nên nghĩ ra cách để mỗi người ôm một đống văn thư hỗn tạp cả cũ lần mới đến “trình báo” quan Tri phủ.

Mục đích của họ là làm cho Bao Chửng hoa mày chóng mặt, lo lắng mà bỏ việc, để quyền lực lại trở về tay họ.

Vai trò to lớn của Bao Công khi nhậm chức Tri phủ Khai Phong là trừng phạt nghiêm những viên quan vô nại, đả kích cường quyền.

Bao Công trong lòng hiểu rõ âm mưu của đám quan lại trong phủ, liền lệnh cho người đóng cửa phủ, lần lượt nghe tấu đủ chuyện trên trời dưới đất. Với kinh nghiệm làm quan lâu năm, những viên quan tiểu tốt này không thể làm khó ông.

Sau một ngày, Bao đại nhân đã khiến mấy chục viên quan gian xảo “ngã ngựa”, giữ lại toàn bộ những người thật thà.

Sau này, hiệu quả xử lý công việc trong phủ được nâng cao thấy rõ, “quan viên trong phủ không dám hành động tùy tiện” như trước đây.

Từ những tình tiết trên, có thể thấy công lao của Bao Thanh Thiên khi nhậm chức Tri phủ Khai Phong không xuất phát từ việc thụ lý, xử án như trong phim phản ánh.

Thay vào đó, người đời sau biết đến ông, là bởi ông có công nghiêm trị một bộ phận quan lại bất tài vô dụng và đả kích cường quyền.