“Gần 20 năm, khi đã là một người đàn ông có tiếng tăm trong giới xã hội tại đất này, ông quay lại tìm tôi. Ông bảo rằng, dù đã có rất nhiều phụ nữ ở bên cạnh nhưng vẫn có một thứ tình cảm rất lạ dành cho tôi trong tim ông ấy. Ông ta còn khóc và quỳ gối xin tôi nghĩ lại...”, bà Ng. tâm sự về góc khuất của “ông trùm” trong chuyện tình với bà. Dù bà Ng. không nối lại tình cảm yêu thương, vợ chồng với Năm Cam nhưng cũng nhiều lần cảnh báo người đàn ông mà mình đã từng yêu thương về “cái đại hạn” trong cuộc đời. Nhưng, “ông trùm” đã bỏ qua tất cả...
Năm Cam (giữa) tại phiên toà.
Hận tình, thành lập “băng đảng” để thể hiện mình?
Bà Ng. nhớ lại từng thời điểm mà “ông trùm” hối hận chuyện tình cảm với bà. Lần đầu tiên, khoảng sau ba bốn năm chia tay nhau, Năm Cam hẹn gặp bà Ng. tại một quán cà phê và bảo: “Bây giờ, tôi cũng đã làm ăn tạm được rồi, bà quay về với tôi”. Đáp lại lời Năm Cam, bà Ng. dứt khoát: “Ông bỏ tôi đi chung đụng với bao nhiêu đàn bà rồi, ông còn có thể nói lời đó được sao? Tôi đã đau lòng. Nhưng không có nghĩa là tôi muốn quay lại, tôi có lòng tự trọng của mình. Không có ông, mẹ con tôi vẫn sống”.
Nghe bà Ng. nói vậy, Năm Cam liền quỳ sụp xuống xin tha thứ, nhưng bà Ng. không chấp nhận quay trở lại. Bà Ng. cho rằng, Năm Cam tham lam và ghen tuông vô lối. Bà kể: “Ông bỏ tôi, vậy mà tôi có ai, ông không chịu”. Chuyện bà ở vậy cho đến bây giờ cũng một phần vì Năm Cam “phá” và cũng một phần do bà chán cái thói trăng hoa của đàn ông.
Cuộc sống tạm ổn, hận chuyện tình cảm, bà Ng. tụ tập trên dưới mười thanh niên khu vực quận 4, cũng thành lập một băng chuyên đi “nhập nha” có khi còn đi cướp. Bà Ng. kể: “Ngày đó, dù là phụ nữ nhưng bản lĩnh của tui chẳng khác đàn ông. Thời đó, “dưới trướng” của tui có gần chục thanh niên, đa số là nam giới. Tối tối, nhóm của tui rình xem nhà ai sơ hở là vào chôm. Tôi luôn dặn đàn em rằng chúng ta đi ăn trộm, không được đâm chém. Cũng không được hiếp dâm đàn bà con gái, chị mà biết đứa nào “phạm” vào điều cấm đó, giết không tha. Mỗi lần sai đàn em “hành động” là tui lại đi theo, để lỡ có chuyện thì kịp thời giải quyết”.
Gia đình không ngăn cản khi bà thành lập băng đảng sao? Nó trái với cái sự gia giáo mà bà vẫn tự hào? Bà Ng. trầm ngâm bảo: “Tại lúc đó tôi buồn phiền ông Năm. Ba mẹ thấy có lỗi, bắt tôi lấy ông ấy để rồi tôi bất hạnh, nên sau này, tôi làm gì cũng không cản trở”. Vì gia đình “thả lỏng”, nên thời gian đó bà Ng. “coi trời bằng vung”. Và, cái giá phải trả là bị một tên giang hồ tranh giành địa bàn, chém một nhát trúng mũi. Sau đó, chuyện làm bà thay đổi bản tính là vào một ngày, bà và đệ tử đang đi xe trên đường để tìm người đeo theo của để cướp.
Khi thấy một phụ nữ đi xe máy mang túi xách, đệ tử của bà ép sát cho bà giật cái túi, khi bà giật xong, người phụ nữ này bị ngã mặt đập xuống đất, bà giật mình tỉnh cơn ác. Bà ân hận: “Từ hôm đó, tôi thấy mình là kẻ chẳng ra gì. Trước đây, đa số chúng tôi đi trộm, lấy của về thì thôi. Người phụ nữ vì tôi mà gặp nạn, nên tôi quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi, về làm lại cuộc đời”.
“Gác kiếm”, bà Ng. lại xin vào làm tiếp viên ở các vũ trường. Kể về thời còn xuân sắc của mình, bà Ng. không giấu vẻ tự hào: “Ngày tôi ngoài hai mươi, tôi đi đâu, bọn đàn ông mê đến đó. Mỗi lần các đệ tử bị bắt vào đồn, tôi vào xin gặp đồn trưởng rồi nói chuyện 10 phút là đệ tử được thả ra. Nên lúc đó tôi có uy lắm, chẳng có tên trưởng quận nào mà từ chối được tôi”. Bà cũng kể, bà có nhiều mối tình. Bà gắn bó thực sự với một người, sống cùng nhau mấy năm, người này với bà không hợp. Họ chia tay trong êm thấm. Bây giờ, người đàn ông này đang định cư ở Mỹ.
Chuyện tình với đệ tử của... chồng cũ
Đệ tử của “ông trùm” đã thầm thương trộm nhớ bà Ng.. Sau này, khi Năm Cam cứ suốt ngày đòi quay lại, bà Ng. bực quá nên lấy đệ tử của “ông trùm” cho ông ta “biết mặt”.
Bà Ng. nói: “Ngày đó, Năm Cam tức với cái ông chồng sau của tôi lắm, nhưng không biết làm gì. Tôi biết ngay là có ngày Năm Cam sẽ cho người dằn mặt. Bọn tôi có đề phòng, nhưng đâu có đề phòng mãi được. Một hôm, chồng tôi đi ra ngoài, bị mấy tên chém bể đầu. Chúng tôi đều biết đó là “tay chân” của Năm Cam. Chồng tôi cay cú, muốn trả thù. Tôi bảo, ông đâm chúng, ông đi tù, tôi cũng khổ. Ông ấy rất thương tôi, nên cũng cố gắng nhịn ông Năm”.
Sau cái vụ chồng mới bị đánh, bà Ng. gặp “ông trùm”, nói: “Sống một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng, không có duyên phận sống hết đời cùng nhau, hãy coi nhau là bạn, là hàng xóm tốt của nhau, đừng bao giờ phiền nhiễu đến cuộc sống của nhau nữa. Không còn tình, vẫn còn thằng H. là con chung, tôi với ông có xích mích gì nó buồn”.
Không biết có phải vì chút tình thương còn sót lại với vợ cũ không, mà sau đó Năm Cam mua nhà và chuyển đi khỏi quận 4 sinh sống. Bà Ng. thở phào nhẹ nhõm. Nhưng hạnh phúc của bà với người chồng sau cũng không trọn vẹn. Ông ta đã bỏ bà đi sau hai mươi năm chung sống. Lý do, ông này phạm tội rồi bỏ trốn. Nhớ về người chồng cuối cùng, bà Ng. tâm sự: “Tuy không có con, nhưng ông ấy là người gắn bó lâu dài nhất với tôi. Tôi có nhiều người đàn ông yêu, cũng có nhiều người muốn lấy làm vợ. Nhưng, để hợp thì chỉ có ông ấy. Ông biết nhường nhịn cái tính ương bướng của tôi”.
Bà Ng. đang trò chuyện với người xem bói bài Tây tại nhà.
Về tin đồn Năm Cam chưa chết
Bà Ng. tâm sự: “Khi bị bắt, ông Năm khai với công an có hai bà vợ, chẳng bao giờ công nhận tôi là vợ. Nhưng, tôi vẫn bị điều tra, bị hỏi, ông ấy có cho tôi cái gì không? Thực ra là tôi bị làm phiền rất nhiều sau khi ông Năm bị bắt. Thế nhưng, ngày đêm, tôi vẫn cầu mong ông Năm tai qua nạn khỏi. Trong tất cả các cuộc gặp sau này, ông Năm luôn coi tôi là mẹ của con ông chứ không coi tôi là vợ. Ông bảo, vì ông muốn quay lại, thế mà tôi từ chối nên đành thôi”.
Biết ngày Năm Cam thi hành án tử hình, bà Ng. lặn lội đến. Theo bà, hôm đó tuyệt nhiên không có bất cứ “bóng hồng” nào từng được ông ta yêu thương và sủng ái đến đưa tiễn ông. Sau khi Năm Cam chết đi, người ta đồn rằng, thực ra Năm Cam vẫn chưa chết, chúng tôi hỏi bà Ng. về chi tiết này, bà Ng. lắc đầu bảo: “Bọn giang hồ nó đồn đại vậy, chứ chính mắt tôi thấy ông bị xử bắn, bịpháp luật trừng trị rồi mà. Đất nước mình nghiêm minh, chứ đâu phải này kia mà làm được điều trái luân thường đạo lý. Ông ấy bây giờ đã ở dưới suối vàng rồi”.
Nhưng điều bà Ng. thấy đau lòng hơn cả là lúc Năm Cam chết, bà đã không thể làm gì để cái xác Năm Cam được mặc bộ quần áo bình thường. Nghẹn ngào, bà Ng. nói: “Dù thế nào, tôi cũng thương ông ấy đã phải mặc áo tù đến khi về với đất. Tôi chỉ muốn đào trộm cái mộ lên, thay cho ông ấy bộ quần áo thường. Nhưng tôi không thể làm được, nên đành để ông ấy vậy...”. Điều bà Ng. còn có thể làm được là việc bà đưa di ảnh Năm Cam về nhà thờ cúng. Đến ngày giỗ, bà vẫn mua hoa quả về thắp hương. Bà thường nói với con trai H. rằng: “Dù ba con có thế nào, con cũng phải yêu thương ông ấy. Con không được tranh giành tài sản của nhà ông ấy, không được cãi nhau với anh em, dù là anh em cùng cha khác mẹ. Bởi, ba con đã về suối vàng, cả đời vì tiền bạc mà chịu tội, các anh chị em, dù khác mẹ cũng là máu mủ ruột rà. Ba con đã chết nhưng tài sản vẫn còn, con không được đòi hỏi. Đừng vì tiền mà đổ máu, đó là điều chẳng bao giờ má muốn”.
Đó là lời của người đàn bà trải qua quá nhiều biến cố, dù thời tuổi trẻ bà cũng từng nông nổi, từng mắc sai lầm. Nhưng bà đã sớm tỉnh ngộ, sớm nhận ra những giá trị thực của cuộc sống không chỉ là tiền, mà còn nhiều thứ ân nghĩa khác như tấm lòng của những con người dành cho nhau, mà không phải tiền nào cũng mua được.
Có một bí mật mà bà Ng. chưa tiết lộ cùng ai, đó là việc khi bà sinh con trai Trương Văn H., vì muốn chia rẽ nên chị gái Năm Cam đã nói với “ông trùm” rằng: “Thằng H. nó không phải con của em đâu. Con Ng. (tức tui) nó “ăn ở” với ai đẻ ra thằng bé đó đấy”. Nhưng ông Năm khẳng định: “Là đàn ông em biết, Ng. vẫn còn trinh tiết khi làm vợ em. Cô ấy không thể “nằm” với ai được, em tin vào điều đó”. Sau này, nghe mọi người nhận xét, thì trong số các con của Năm Cam, Trương Văn H. là đứa giống Năm Cam nhất.
Nhiều lần cảnh báo chồng cũ về “đại hạn”
Bà Ng. biết bói bài tây từ năm 23 tuổi. Khi chúng tôi hỏi, bà xem được bói, sao số phận bà bi kịch đến vậy? “Tôi biết xem nên mới tránh được nhiều tai ương rồi đó, chứ cái số tôi còn khổ hơn nữa. Đã nhiều lần, tôi cảnh báo với ông Năm rằng, ông sẽ có đại họa nhưng ông ấy không nghe tôi. Tôi còn bảo thằng H., “sang bảo với ba mày, ba mày sắp gặp đại hạn”, nhưng ông ấy chỉ cười. Cuối cùng thì ông ấy đã bị bắt, đau đớn hơn còn nhận cả án tử, tôi nói ông đâu có nghe...”, bà Ng. nói.