“Mặc dù đã dừng không hung táng từ ngày 13/3/2015 nhưng theo số liệu quan trắc, vẫn còn chỉ tiêu có thể ảnh hưởng đến môi trường khu vực xung quanh nghĩa trang Thanh Tước…”
Đó là một trong số những thông tin được Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hà Huy Quang cho biết tại tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 9/6.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, nghĩa trang Thanh Tước do Ban phục vụ lễ tang Hà Nội thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội quản lý.
Nghĩa trang có từ năm 1962, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng xây dựng sân bay Đa Phúc, năm 1995 được bổ sung nhiệm vụ mai táng vĩnh viễn đối với cán bộ trung, cao cấp. Từ năm 2010 ngừng nhập mai táng vĩnh viễn, chỉ giải quyết nhập mộ những trường hợp đã đăng ký hợp đồng từ trước (hàng năm chỉ có 2 – 3 trường hợp nhập mộ).
Phó Chủ tịch huyện Mê Linh (Hà Nội) Hà Huy Quang cho hay: Nghĩa trang Thanh Tước
đã dừng hung táng từ ngày 13/3
Năm 2013, nhân dân xung quanh đã có nhiềuý kiếnphản ánh về môi trường tại khu vực nghĩa trang. UBND huyện đã báo cáo UBND Thành phố và UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban phục vụ lễ tang Hà Nội kiểm tra làm rõ. Theo kết quả quan trắc của Chi cục bảo vệ môi trường, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thì còn tồn tại yếu tố có thể ảnh hưởng đến môi trường (nước mặt, nước ngầm). Ngay sau đó, Ban phục vụ lễ tang Hà Nội đã lập Đề án bảo vệ môi trường tại Nghĩa trang Thanh Tước và được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Cuối năm 2014, nhân dân vẫn tiếp tục phản ánh nghi ngại có ô nhiễm môi trường do hoạt động của nghĩa trang, UBND huyện đã tổ chức kiểm tra và họp với các ban, ngành liên quan đề nghị kiểm tra, báo cáo UBND Thành phố.
Cụ thể, UBND huyện đã nhận được báo cáo của Ban phục vụ lễ tang Hà Nội, trong đó khẳng định: “Hoạt động của nghĩa trang Thanh Tước không gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh nghĩa trang”.
Đồng thời, huyện cũng nhận được báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường có nêu: Chất lượng không khí xung quanh đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn, chất lượng nước mặt tại hồ bán nguyệt nằm trong khuôn viên nghĩa trang các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép, ngoại trừ chỉ tiêu dầu mỡ cao hơn 0,1mg/l so với quy chuẩn; chất lượng nước ngầm có chỉ tiêu coliform vượt quy chuẩn 2,3 lần.
“Như vậy, theo số liệu quan trắc trên thì vẫn còn chỉ tiêu có thể ảnh hưởng đến môi trường khu vực xung quanh nghĩa trang Thanh Tước”, ông Quang nhấn mạnh.
Trước câu hỏi của báo chí đề nghị lãnh đạo huyện Mê Linh khẳng định nghĩa trang Thanh Tước có gây ô nhiễm hay không? Ông Quang cho rằng, bản thân UBND huyện cũng rất mong muốn làm rõ vấn đề này.
“Do đó, để đánh giá toàn diện, UBND Thành phố đã giao Sở Tài Nguyên Môi trường tiếp tục lấy mẫu quan trắc, với 10 mẫu nguồn nước giếng khoan ở các khoảng cách khác nhau để kiểm tra. Sau khi có kết quả sẽ thông tin chính thức đến các cơ quan”, ông Quang cho biết thêm.
Song, để thống nhất phương án giải quyết trước mắt và lâu dài, vị Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho hay, nhằm giảm thiểu các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, các cơ quan liên quan đã thống nhất phương án dừng không hung táng; tiếp tục xử lý nước mặt tại hồ bán nguyệt để đảm bảo tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường xung quanh; bổ sung thêm cây xanh, bê tông hóa bề mặt khu mộ để giảm nước mặt thấm xuống đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Ban Phục vụ lễ tang tổ chức đo quan trắc định kỳ hàng năm; chủ động tổ chức giám sát, đo quan trắc để kịp thời chấn chỉnh Ban phục vụ Lễ tang – Sở Lao động Thương binh và Xã hội đảm bảo công tác vệ sinh môi trường theo quy định. Đồng thời, kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – đơn vị chủ đầu tư dự án cấp nước sạch cho 3 xã Thanh Lâm, Tam Đồng, Đại Thịnh sớm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án đầu tư.
Ngoài ra, liên quan đến thông tin một số báo có phản ánh, người dân ở xã Thanh Lâm (Mê Linh) sau khi dùng nước ô nhiễm từ nghĩa trang Thanh Tước đã khiến nhiều người bị ung thư, từ năm 2005 đến nay ở khu đường 23 đã có 64 người chết vì ung thư, ông Quang cho hay thông tin đó là không có cơ sở bởi theo số liệu thống kê, theo dõi tại sổ giấy khai tử thuộc khu đường 23 do UBND xã Thanh Lâm quản lý từ năm 2005 đến ngày 31/12/2014 chỉ có 22 người chết, trong đó duy nhất chỉ có 1 trường hợp bị ung thư.