Vực thiêng “dìm” trai trẻ?
Nằm ven phố Vạn Hạnh, giữa khu đô thị Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội, Vực Kim Quan rộng khoảng 5 ha nước xanh rì, xung quanh vực được kè đá, một số đoạn được lắp đặt hàng rào lan can sắt tạo cho cảnh quan xung quanh Vực.
Theo phản ánh của một số người dân ở khu phố Kim Quan, Việt Hưng cho biết, Vực này đã “dìm” chết hàng chục người dân từ xưa đến nay, đa phần còn rất trẻ, thường ở độ tuổi từ 13 đến 25 tuổi.
Vực 'thiêng' không chỉ “dìm” chết người dân bản địa mà ngay cả những người ở khu vực khác khi tắm, bơi tại Vực này cũng từng bỏ xác tại đây.
Theo ông Nguyễn Văn Dược (59 tuổi), ở Lệ Mật, Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội, người hiện đang cai thầu nuôi cá tại Vực Kim Quan cho hay, Vực Kim Quan có từ rất lâu, khi ông Dược lớn lên đã có rồi, ông nghe các cụ kể lại rằng, Vực thiêng được hình thành sau một đợt vỡ đê, nước từ sông cuộn chảy xoáy vào đúng khu vực của thôn Kim Quan tạo thành hố rộng, sâu hoắm từ đó người dân nơi đây gọi là Vực Kim Quan.
Cũng theo ông Dược, trước đây Vực rộng khoảng 11 ha, nằm giữa khu vực đồng, ruộng của thôn Kim Quan. Chỗ sâu nhất của Vực khoảng 16 mét, từ trước đến nay chưa ai có khả năng lặn sâu xuống tận đáy Vực được.
“Ngay cả tôi, biết bơi từ nhỏ và gắn bó với nghề nuôi cá nhưng chưa lần nào tôi lặn được xuống đáy vực, thả lưới cá có chiều dài 12m mà vẫn chưa tới đáy Vực”, ông Dược nói.
Ông Dược cũng cho biết, từ nhỏ ông cũng được bố mẹ dặn là không được ra Vực Kim Quan để bơi vì ở đó rất thiêng, Vực thường “dìm” chết những người thanh niên còn rất trẻ, chưa lập gia đình.
Ông Dược kể, từ năm 1986 đến nay, khi ông thầu nuôi cá tại Vực Kim Quan đã có đến 8 người chết tại Vực này, đa phần có độ tuổi từ 13 đến 25 tuổi, chủ yếu là nam giới. Trong 8 người chết thì 6 người là ở thôn Kim Quan, còn 2 người là dân tứ xứ đến làm ăn gần khu vực này.
Những trường hợp chết đuối tại Vực là thường vào mùa hè, buổi trưa trời nắng nóng, khi ra vực bơi, lại chết đuối, trong số những người chết đuối tại Vực Kim Quan có nhiều người đã biết bơi. Thường thì những người chết đuối tại Vực rất khó khăn trong việc tìm xác do vực rất sâu, đáy lồi lõm.
“Ngay cả trường hợp cháu Đinh Bảo Ngọc (13 tuổi), con anh Đinh Anh Tuấn ở tổ 4, Kim Quan, Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội chết đuối cách đây hai năm, chính tôi cùng một số người ở Kim Quan cũng phải dùng lưới vét để tìm nhưng phải mất gần 1 ngày mới vớt được thi thể cháu bé”, ông Dược kể lại.
Không có chuyện Vực thiêng “dìm” người
Nằm đối diện Vực thiêng Kim Quan là đền Kim Quan, Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội, cứ vào ngày rằm, mùng một khách thập phương về với đền để thắp hương cầu khấn tài lộc rất đông.
Bà Nguyễn Thị Bổn (67 tuổi), ở Kim Quan, Việt Hưng, người phục vụ nhang khói của đền Kim Quan cho biết, ngày xưa đền Kim Quan nằm ngay sát mép Vực, từ khi khu đô thị Việt Hưng được xây dựng cùng các công trình cơ quan, trụ sở của quận Long Biên thì Vực Kim Quan được san lấp thu nhỏ lại. Và trước đền đã được nhà nước cho làm con đường, lát vỉa hè và đặt tên phố là Vạn Hạnh, hướng chính của đền vẫn nhìn thẳng ra Vực Kim Quan.
Bà Bổn cũng cho biết, từ trước đến nay, đã rất nhiều người dân bị chết đuối ở Vực Kim Quan, trong số hàng chục người chết đuối từ xưa đến nay chỉ duy nhất có một người là nữ đó là chị Âu Thị Bấm ở Kim Quan chết đuối cách đây đã gần 40 năm, khi đó chị Bấm mới 17 tuổi. Chính vì số người chết đuối ở Vực quá nhiều nên nhiều người mới gọi Vực Kim Quan là Vực thiêng.
“Cách đây 2 năm, cùng năm cháu Bảo N. 13 tuổi chết đuối cũng có một người công nhân xây dựng (quê ở Bắc Giang) đang thi công trong khu đô thị Việt Hưng ra bơi tại Vực Kim Quan cũng bị chết đuối. Chỉ duy nhất một điều là từ bé đến giờ tôi chưa thấy Vực thiêng cạn nước hay hút được hết nước ở Vực này. Do vực lồi lõm nên cứ hút được cạn ở khu vực này còn ở khu vực khác thì rất nhiều nước, thấy người ta bảo do Vực có mạch ngầm nên không thể hút cạn được”, Bà Bổn kể.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Văn hóa thông tin quận Long Biên cho biết, tin đồn về Vực Kim Quan “dìm” trai trẻ chỉ là đồn thổi, bởi do Vực rất sâu nên nước khá lạnh cho dù buổi trưa trời nắng nóng, vì vậy người tắm dễ bị cảm hoặc chuột rút dẫn đến dễ chết đuối.
Còn đền Kim Quan có từ rất lâu, được người dân lập nên để thờ thần Hà bá. Trước kia đền được người dân gọi là Miếu thờ sau này được tu bổ lại khang trang và được đổi tên là đền Kim Quan để nơi người dân quanh khu vực đến thắp nhang, cầu khấn chứ tuyệt nhiên không phải là Vực “nuốt” hay “dìm” trai làng như một số người đã đồn thổi.
“Ngay cả việc thắp hương, cúng lễ tại đền Kim Quan cũng được tổ chức rất nghiêm, lại được chính các cụ trong Hội người cao tuổi của khu phố Kim Quan, phường Việt Hưng phụ trách hương khói nên không có chuyện mê tín dị đoan xảy ra ở đây”, ông Hùng nhấn mạnh.