Ngày 28/10, cộng đồng mạng xã hội Twitter trên thế giới bị sốc sau khi hình ảnh của một nữ chiến binh người Kurd bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) chặt đầu được tung lên mạng với tuyên bố rằng đây chính là Rehana, cô gái được mệnh danh là “thiên thần Kobani” đã tiêu diệt 100 chiến binh IS.
Cô gái trẻ mang tên Rehana trở thành một “hiện tượng” trên các phương tiện truyền thông phương Tây sau khi bức ảnh chụp cô giơ hai ngón tay thể hiện niềm tin chiến thắng tại chiến trường Kobani khốc liệt được lan truyền trên mạng.
Người ta truyền tai nhau rằng Rehana đã tự tay mình tiêu diệt 100 chiến binh IS trong các cuộc giao tranh dữ dội nổ ra ở thị trấn chiến lược Kobani, và hình ảnh của cô xuất hiện trên rất nhiều tờ báo lớn của phương Tây.
Đối với người Kurd ở Syria, Rehana tở thành biểu tượng cho sức kháng cự kiên cường của họ trước mối đe dọa đến từ IS đang bao vây thị trấn quê hương Kobani. Họ thi nhau chia sẻ hình ảnh của cô trên Twitter với dòng chú thích: “Hãy chia sẻ và giúp cô ấy nổi tiếng vì lòng dũng cảm”.
Bởi vậy, nhiều người đã bị sốc và đau buồn khi IS công bố hình ảnh một chiến binh đang giơ chiếc đầu của một cô gái với búi tóc dài ở phía sau, đồng thời tuyên bố đây chính là Rehana, “thiên thần của Kobani”.
Hình ảnh gây sốc do IS công bố để chứng minh rằng Rehana đã chết
Sau đó, một số phóng viên, nhà báo có mặt ở chiến trường Kobani đã bác bỏ thông tin này và cho rằng đó chỉ là một thủ đoạn tuyên truyền của IS nhằm bẻ gãy ý chí kháng cự của người Kurd. Họ cũng khẳng định rằng Rehana vẫn còn sống và đang tiếp tục săn lùng phiến quân IS.
Tuy nhiên, chúng ta dễ dàng nhận thấy một điểm chung trong các câu chuyện của báo chí phương Tây và cả IS trên, đó là những thông tin đưa ra gần như không thể kiểm chứng được, khiến nhiều chuyên gia cho rằng Rehana chỉ là sản phẩm của một “huyền thoại thời chiến” vốn rất phổ biến trong các cuộc xung đột.
Trong cuộc chiến năm 1914, người Anh cũng kể cho nhau nghe về những thiên thần xứ Mons đã bảo vệ cho binh lính của họ trước kẻ thù, và người Trung Quốc cũng vẽ ra hình ảnh đầy oai phong của người anh hùng Lôi Phong dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Sử gia Andy Robertshaw tin rằng những nhân vật anh hùng như Rehana có vai trò quan trọng trong thời chiến và tạo ra được những ảnh hưởng to lớn, mặc dù họ có thể không phải là “người thật việc thật”.
Đội nữ binh người Kurd ở Kobani trở thành biểu tượng của phong trào chống IS
Ông Robertshaw nói: “Khi tổ quốc lâm nguy, câu chuyện về những anh hùng này sẽ giúp người dân lạc quan hơn trước những gì đang diễn ra. Đó là một cách lấy một phần sự thật và biến hóa nó cho phù hợp với yêu cầu của tình hình”.
Theo vị sử gia này, câu chuyện về “thiên thần Rehana” được tô vẽ lên để động viên tinh thần của các chiến binh người Kurd, đồng thời khiến phiến quân IS cảm thấy lo sợ vì chúng không muốn tử trận trong tay một phụ nữ.
Một cô gái trẻ trung, xinh đẹp và dũng cảm như Rehana chính là hình ảnh hoàn toàn tương phản với sự tàn bạo mà IS đang gieo rắc ở Iraq và Syria, được nhân lên bằng các công cụ tuyên truyền trên mạng của chúng.
Trong đám sương mù mờ mịt của chiến tranh, Rehana hiện lên như một nữ anh hùng của người Kurd, và hình tượng của cô trái ngược với hình ảnh binh sĩ Iraq hoảng hốt tháo chạy trước các cuộc thảm sát đẫm máu do IS gây ra. Đó cũng có thể là lý do mà người ta truyền tai nhau rằng Rehana đã tự mình tiêu diệt 100 chiến binh IS, mặc dù không có bằng chứng nào thể hiện được điều này.
Cho đến nay, tất cả những gì mà chúng ta biết về Rehana đều đến từ các nguồn tin của người Kurd, và hầu như chưa có nhà báo phương Tây nào có thể tiếp cận và phỏng vấn được với người nữ anh hùng “nổi như cồn” này.
Chiến sự vẫn đang nổ ra dữ dội ở thị trấn chiến lược Kobani
Vấn đề là không ai có thể khẳng định được hình ảnh cô gái giơ hai ngón tay chiến thắng trong bức ảnh lan truyền trên mạng chính là Rehana, và cũng có nguồn tin đáng tin cậy khẳng định đó là bức ảnh chụp đội nữ binh vệ quốc chứ không phải là “thiên thần Kobani”.
Cũng không ai có thể khẳng định được con số 100 tay súng IS bị Rehana tiêu diệt là chính xác, và thậm chí cũng không ai có thể đứng ra xác nhận rằng Rehana còn sống hay đã chết.
Cho đến nay, chỉ có một phóng viên người Kurd lên tiếng bác bỏ thông tin Rehana bị IS sát hại và cho hay cô vừa mới nói chuyện với một đồng nghiệp của anh ta. Phóng viên này nói rằng Rehana vẫn còn sống, và khẳng định thông tin cô tiêu diệt 100 tay súng IS là không chính xác.
Người bạn của phóng viên này còn nói thêm rằng Rehana hiện nay đang sống trong một trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi rút khỏi thị trấn bị vây hãm Kobani. Tuy nhiên thông tin này vẫn chưa thể được kiểm chứng một cách độc lập.
Hiện tượng về huyền thoại Rehana đã phản ánh một thực tế trong thời chiến mà như nhà văn Mark Twain từng nói: “Một lời nói dối có thể đi được nửa vòng Trái đất trong khi sự thật vừa mới kịp xỏ giày”.