Chính quyền địa phương đã can thiệp kịp thời nhưng dường như vẫn không ngăn được hoàn toàn cũng như xoá bỏ được suy nghĩ về sự thật có con ma lai, thuốc thư trong tập quán suy nghĩ của người dân buôn, làng nơi đây. Vậy, nguồn cơn sâu xa do đâu, phải chăng đó là do một số bộ phận người dân “ác mồm, độc miệng” khiến bao người u mê, mù quáng?
Ma lai, thuốc thư có thật không?
Đa phần những vụ án đau lòng xảy ra liên quan đến ma lai, thuốc thư đã để lại cho người dân nơi đây không chỉ là những nỗi đau về thể xác mà còn để lại bao hậu quả nặng nề ở các bản, làng. Tuy nhiên, không khó để đưa ra lời giải thích hợp lý cho những nỗi đau này, đó chính là vì dân làng quá mê tín và thiếu hiểu biết khiến xảy ra những bi kịch. Cho đến nay, khi nói đến chuyện tình trai gái ở các buôn, làng muốn được đáp lại tình cảm người ta hay dùng bùa yêu… Và, cũng chính vì thứ bùa yêu đó đã khiến cho Hiên (tên còn gọi: Bã Thảo, SN 1991, trú tại làng Ktu, xã Chư Á, TP Pleiku) nhận lấy một kết cục đau lòng. Chẳng là Hiên đem lòng yêu Nheng (trú tại làng Ngol, phường Trà Bá, TP Pleiku) nhưng tình cảm không được đáp lại. Trong một lần đi làm thuê, Hiên gặp Blân (trú làng Kláh, xã BarMaih, H. Chư Sê), Hiên đã tâm sự chuyện tình cảm của mình, Blân đã cho Hiên một viên thuộc gọi là bùa yêu để Hiên đổi lấy một chiếc ĐTDĐ trị giá 300.000 đồng. Nhưng dùng bùa mãi mà Nheng cũng không thèm để ý đến mình, biết bị lừa nên Hiên đã trả viên thuốc lại cho Blân. Vậy là thông tin Hiên có thuốc, tức bùa yêu đã làm người dân ở đây hoang mang. Tuy nhiên, chính Hiên là người hoang mang không kém nên đã tìm đến cái chết để minh oan cho chính mình trước dân làng.
Có thể thấy rằng, cũng vì nhận thức của một số bộ phận người dân nơi đây còn hạn chế nên những gì đã thuộc về hủ tục thì luôn hằn sâu trong nếp nghĩ của họ. Vì vậy, nó cứ như mồi lửa âm ỉ, chỉ cần có điều kiện là bùng lên dữ dội, mặt khác câu chuyện ma lai, thuốc thư cũng được xem như câu chuyện làm quà “hồi môn” mà thế hệ này để lại cho thế hệ kia. Cũng có những câu chuyện mà khởi đầu từ sự buột miệng, hoặc muốn trêu tức người khác mà vô tình làm cho mình trở thành nạn nhân đau lòng.
Trong một lần đi rẫy, thấy không có ai nói chuyện với mình nên AYin (SN 1987, trú làng Wâu, xã Cư Á) buông lời: Mọi người thấy tôi có thuốc thư hay sao mà không ai nói chuyện với tôi hết vậy? Rồi một lần khác trong cơn tức giận với Huh nên AYin tuyên bố: Tao có thuốc thư đấy, tao đã thư chết người Kinh ở Phú Thọ và nhiều người dân tộc Jrai, Bahnar khác. Mày coi chừng tao! Rồi sự việc đau lòng cũng chẳng chừa AYin ra, trong lúc nhậu, cậu của Ayin là Mlưm bị nôn ra máu, cho rằng AYin bỏ thuốc cho cậu nên AYin đã bị đánh tới tấp, đòi AYin phải đưa thuốc giải. Mọi người đều nghi hoặc, chỉ mình AYin hiểu được thuốc thư là không có thật thì biết lấy đâu ra thuốc giải. Sau khi đi khám, Mlưm mới biết mình bị xuất huyết dạ dày vì… nhậu quá nhiều. Riêng AYin sau khi bị đánh một trận nhừ tử đã ngậm ngùi nhận ra rằng, nhiều lúc lời nói đùa, lộng ngôn của bản thân đã tự hại mình. Bây giờ thì AYin đã hiểu và cũng mong cho những người như mình và những người dân nơi buôn, làng của anh hiểu được ma lai hay thuốc thư chỉ là những thứ không có thật, nhưng nếu cứ tin vào đó thì sẽ có những nỗi đau thật hiện hữu tại buôn, làng.
Đi tìm lời giải
Để tìm lời giải về thực hư chuyện ma lai, thuốc thư, chúng tôi đã tìm đến nhà những thầy mo, thầy cúng của buôn, làng và câu trả lời thật đáng buồn vì thầy mo luôn “phán đại”. Chỉ cần một vài thứ như mảnh sành, cục sỏi, miếng cao su hay mẩu xương cá, các thầy mo đều có thể tìm và chữa được bách bệnh, trong đó có bệnh thuốc thư. Tuy nhiên, số phận của các thầy mo cuối cùng cũng trở về con số... “mo”, bởi lực lượng chức năng đã sớm vào cuộc, lật tẩy bộ mặt thật của các thầy mo này.
Làng Wet, xã Chư Jô, huyện Chư Păh vẫn còn nhớ như in việc thầy mo Alem lừa người dân để trục lợi. Trước đó, AYam (SN 1990), Siu Tuân (SN 1989) và 6 người khác cùng trú tại xã Chư Jô ngồi uống rượu. Tối đó, Tuân về nhà và bị đau bụng dữ dội nên bà Siu Hnhơr (mẹ của Tuân) cho rằng, Ayam đã bỏ thuốc thư con bà. Bà HNhơr đã huy động một số người trong làng kéo đến đập nhà và ép buộc gia đình Ayam phải thừa nhận mình bỏ thuốc thư Siu Tuân, bắt Ayam phải viết cam kết bồi thường 12 triệu đồng. Để chứng minh rằng con mình đã bị bỏ thuốc thư, bà HNhơr đã đưa Tuân đến thầy mo Alem. Sau này Tuân kể lại: “Bà Alem thấy mình đau bụng nên bảo mình bị bỏ thuốc thư rồi. Sau một hồi sờ mó, bà Alem lấy ống trúc hút vào bụng mình rồi lấy ra một viên sỏi và bảo đây là thuốc thư đó!”. Dù đã mất một khoản tiền cho thầy mo và đã được lấy thuốc thư ra khỏi người nhưng Tuân vẫn không hết đau.
Sau khi nhận được tin báo của người dân, Công an huyện Chư Păh đã đến vận động gia đình đưa Siu Tuân đến bệnh viện khám, siêu âm và được bác sỹ kết luận Tuân bị phù nề dạ dày, sự việc nhanh chóng được làm sáng tỏ. Khi biết mình đã sai, đứng trước dân làng, thầy mo Alem nói: “Tôi biết việc tôi làm là sai trái, lừa phỉnh bà con, tôi mong bà con dân làng tha thứ cho tôi, tôi hứa từ nay không làm những việc sai trái, lừa phỉnh mọi người như thế nữa".
Cần loại bỏ những hủ tục
Người dân vùng cao sống và rất tin vào già làng, trưởng bản, đặc biệt cuộc sống của họ luôn gắn chặt với sự hiện hữu của thầy mo. Đau ốm… thầy mo, cất nhà xây cửa, mở ruộng phát nương… cũng thầy mo. Vai trò của thầy mo vì thế càng quan trọng đối với người dân nơi đây nhưng ít ai hiểu được, thầy mo hiện nay đa phần là… nói mò!
Lợi dụng lòng tin của người dân làng Đăk Yă, thầy mo đã phán Duân chính là người bỏ thuốc giết chết già làng nên đã khiến ba mạng người bỏ phí. Giờ đây, người dân đã thấy được phần nào trò bịp của thầy mo và sự cả tin đến mù quáng của mình. Ngày nay, đám thanh niên ngày nào sau khi chấp hành án phạt nay hoàn lương và cả những người già trong làng mỗi khi đi qua ngôi nhà bỏ hoang 4 năm nay của Kel cùng cha ruột là ông Hnhiêu không ai dám ngẩng mặt lên nhìn vào. Không phải vì sợ con ma lai, thuốc thư tiếp tục làm hại họ mà bởi sự xấu hổ, sự ăn năn khi đám thanh niên đã đánh chết Kel, ông Hnhiêu tại khu rẫy Đăk Ram. Anh H’Lây, Trưởng Công an xã Đăk Yă nhớ lại: “Đó một phần từ mấy ông thầy bói, thầy cúng và sự cả tin của người dân làng. Cứ bị đau là thầy mo phán là bị thư và sau một hồi rờ mó họ lấy trong người bệnh ra mảnh chai, rồi sỏi, rồi linh tinh thứ. Nhưng làm gì có, họ chỉ lừa mình thôi, dân mình kém hiểu biết thì mới tin thôi...”.
Trao đổi với Đại tá Trần Văn Thọ, Trưởng Công an huyện Mang Yang về hủ tục ma lai, thuốc thư, chúng tôi mới hiểu được những khó khăn trong việc phá bỏ hủ tục này. Ma lai, thuốc thư chỉ là thứ truyền miệng, dù không ai biết nó hình thù, đặc điểm như thế nào nhưng nó như ăn sâu vào tâm trí của những người dân tộc thiểu số Bahnar, J’rai. “Để bài trừ dứt điểm hủ tục ma lai, thuốc thư này không phải việc có thể giải quyết trong một sớm, một chiều mà chúng ta cần phải có sự bền bỉ, kiên trì, không ngừng nâng cao nhận thức cho bà con. Ngoài sự vào cuộc của lực lượng Công an, cần có sự ngăn chặn và giải quyết kịp thời các vụ việc từ chính quyền địa phương, các cấp và đoàn thể khác. Nếu cùng làm tốt công tác tuyên truyền, làm cho bà con mình hiểu ma lai, thuốc thư chỉ là trò lừa bịp của một số đối tượng thì mới sớm loại bỏ được hủ tục này”, Đại tá Trần Văn Thọ chia sẻ.