Thực hư hiệu nghiệm của mộ Ngài này như thế nào thì chưa rõ, song mọi người tới đây đều khẳng định đi tìm kiếm vận may thử một lần cho biết…
Y học bó tay chạy xin "thần dược"
Hỏi đường về mộ Ngài, ai cũng biết. Đi bằng xe máy từ trung tâm TP. Đông Hà, Quảng Trị về mộ Ngài khoảng chừng 7 phút. Đường dẫn vào mộ Ngài được ai đó phát quang và làm sạch cỏ dại. Mộ Ngài tọa lạc giữa cánh đồng lúa bạt ngàn. Xung quanh mộ Ngài có mấy cây xà cừ, bạch đàn bao bọc. Ở cửa mộ có đôi câu đối bằng tiếng Hán lâu ngày bị bể, gãy không thể dịch được.
Để mục sở thị ngôi mộ Ngài, PV nhập vai là người đi tìm kiếm vận may xin Ngài nhận lễ ban cho "thần dược". 8h sáng ngày 5/7, có mặt tại miếu Ngài, PV thấy nhiều người đến dâng lễ. Họ đến từ Quảng Bình, Huế, thậm chí là ở Nghệ An, Hà Tĩnh… Sau khi đặt lễ vật lên bàn thờ mộ Ngài, mọi người đốt hương và chạy quanh ngôi mộ thắp hương đỏ rực, miệng lảm nhảm cầu xin.
Để biết được nhưng lời cầu nguyện ấy, PV đã thăm dò một vài người, song nhiều người tỏ ra không ưng ý, một số thì cho rằng nói ra mất thiêng. Loanh quanh một hồi, PV cũng "gặp" một chị tên Gái quê ở Thừa Thiên - Huế chị Gái cho biết: Năm nay chị 45 tuổi, có 2 người con, một gái một trai. Con gái năm học này vào lớp 10, cậu con trai năm nay lên lớp 6. Ngặt một nỗi, một mình chị nuôi hai con ăn học, còn bố chúng nó thì đang ở trong trại giam Cát Sơn (trại giam của Bộ Công an đóng tại Quảng Trị). Mấy năm trước, bố hai đứa con của chị là lái xe thuê cho mấy người buôn ở Lào, lúc về dại dột bỏ trong ba lô áo quần 8 bánh cần sa nên bị CA bắt và tòa tuyên án 8 năm tù. Đến nay, thời hạn thụ án của chồng chị đã được trên ba năm. Đợt vừa rồi, ra thăm chồng, chị thấy chồng ốm nên chị nghe mọi người nói về miếu Ngài nên ra làm lễ xin Ngài cho "thần dược". Chẳng giấu PV, chị Gái nói: "Lần này chị tới miếu Ngài với hai mục đích, mục đích thứ nhất là xin "thần dược" cho chống chị trong trại giam, cho cả đại gia đình. Mục đích thứ hai là để Ngài chỉ đường, cho chồng tu tỉnh cải tạo để được giảm án tù sớm về làm ăn lương thiện mà nuôi con cái ăn học. Chị Gái giải thích, người ta nói chồng tui trong trại cải tạo tốt lắm chú ạ. Tui hỏi mấy người thì người ta nói là tui có thể làm đơn để xin giảm án cải tạo cho chồng. Lần này tui ra miếu Ngài là quyết tâm làm chuyện đó.
Khác với chị Gái, anh Quỳnh quê ở mãi Thái Bình, nghe mấy người cùng quê kể về câu chuyện mộ Ngài ở Quảng Trị nên cả đại gia đình anh thuê một chiếc xe 14 chỗ đi trong đêm vào Quảng Trị để làm lễ. Anh Quỳnh cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tháng 5, tháng 6, là gia đình anh có nhiều người đau ốm, nhiều lúc lên cơn như động kinh mà đi khám ở các cơ sở y tế rồi các bác sĩ cho thuốc về uống mãi cũng không khỏi. Nhiều người cho rằng nhà tôi bị ma ám. Lần này gia đình tôi vào mộ Ngài làm lễ xin Ngài cho "thần dược" để giải bệnh?.
Không riêng gì các trường hợp trên, mấy người phụ nữ đến sau đang ngồi đợi đến lượt vào lễ mà đứng ngồi không yên. Bà Ngọc, quê ở Hà Tĩnh vừa làm lễ xong, bước ra ngoài với khuôn mặt tươi tỉnh. Mấy người phụ nữ ngồi quanh đó cũng như được tiếp thêm sức lực. Họ dồn đến hỏi bà Ngọc: "Làm lễ xong có thấy người khỏe lên không?". Mặc cho sự chờ đợi của mọi người, bà Ngọc mở nút chai nước đưa lên miệng uống ừng ực. Uống hết nửa chai nước, rồi bà lại lấy chai rượu nhỏ trong túi ra đưa lên trước mặt ngắm một hồi lâu. Bà nhẹ nhàng đổ rượu ra tay rồi xoa vào khắp người như người ta đánh gió. Sau khi đã xong tất cả những thủ tục rườm rà đó, bà mới quay ra nói với mọi người: "Tôi phải tung đồng tiền âm dương xin mãi Ngài mới đồng ý. Ngài đã ban phép vào chai nước và chai rượu này. Nước thì phải uống, rượu phải xoa bệnh mới khỏi"- bà Ngọc khẳng định.
Cứ như thế, hết người này đến người khác vào xin lễ khiến ngôi miếu này chẳng mấy khi vãn khách. Ai vào lễ cũng có 1 chai nước, 1 chai rượu để mang về, họ tin rằng ngài đã phù phép biến những thứ đó thành "thần dược". Một đồn mười, mười đồn trăm, chẳng thế mà người dân ở tứ xứ cũng đổ xô tìm ra Quảng Trị xin lộc.
Theo ông Lê Văn Đàm, Trưởng làng Phú Lễ, mỗi ngày có khoảng vài chục người đến miếu Ngài. Đặc biệt là những ngày rằm, mùng một họ còn kéo đến đông hơn. Đa số là người dân ở nơi khác kéo đến, chứ người dân địa phương ít ra miếu Ngài cầu cúng…
Chỉ nghe kể…
PV đã tìm gặp rất nhiều bậc cao niên của làng Phú Lễ để hỏi về sự tích mộ Ngài. Theo lời kể, ngôi miếu này có từ đầu thế kỉ thứ XVI. Cạnh ngôi miếu có 3 ngôi mộ, một ngôi nhô cao gọi là mộ Ngài còn 2 ngôi thấp hơn gọi là mộ cậu. Tương truyền rằng, ngôi mộ này là của 1 vị tướng rất giỏi thời Lê bị đày về đây. Vị tướng này tinh thông võ nghệ lại còn giỏi nghề thuốc. Khi về định cư tại thôn Phú Lễ, vị tướng này đã nhiệt tình bốc thuốc chữa bệnh, cứu người mà không đòi hỏi công cán. Khi danh tướng này mất, dân làng tỏ lòng thành kính xây 1 ngôi miếu nhỏ bên cạnh mộ và gọi là miếu Ngài. Hằng năm bà con trong thôn tổ chức cúng lễ để tưởng nhớ công ơn của ngài.Trong những năm chiến tranh ác liệt, bom đạn đã làm ngôi miếu bị hư hỏng hoàn toàn. Sau khi chiến tranh kết thúc, một số cán bộ và người dân trong thôn Phú Lễ tiến hành khai quật ngội mộ Ngài.
Kết quả, ngôi mộ này không còn gì và cũng không phát hiện ra bất cứ một vật gì liên quan đến vị tướng kia. Ngay cả tiểu sành cũng không có. Sau đó mọi người lấp lại hiện trạng. Do dân làng quá khó khăn nên không có đủ điều kiện để xây lại ngôi miếu. "Không hiểu tin đồn từ đâu, người dân ở khắp nơi mang nước đến đặt nơi mộ ngài khấn vái. Họ cho rằng, ngài hiển linh sẽ biến nước thành thần dược trị được bách bệnh. Từ đó cho đến nay, số người kéo đến ngày một đông", ông Đàm cho biết.
Cũng theo ông Đàm, có thể ngôi mộ của ngài không được chọn tại làng Phú Lễ mà ở được táng trên rừng. Ngôi mộ này chỉ là ngôi mộ gió, các cụ thời trước tạo nên để tưởng nhớ công ơn của người có công trạng với dân làng. Gần đây, do người dân ở các nơi đến đông, họ có nguyện vọng góp tiền xây lại ngôi miếu. Họ đã dựng lại ngôi miếu nhỏ ở trên bãi đất - nơi có mộ ngài yên nghỉ. Mộ ngài cũng mới được người dân đắp lại.
Giờ đây, phía sau miếu, thôn Phú Lễ còn để 1 cái hòm công đức, phía trên có ghi dòng chữ công đức để xây đường vào mộ ngài. Ngay bản thân ông và các thành viên trong gia đình chưa ra mộ ngài cầu chữa bệnh bao giờ. Việc người dân nơi khác đến cầu, có khỏi bệnh hay không, chưa ai kiểm chứng.
Việc tỏ lòng thành kính, tri ân những người có công trạng với nhân dân là điều rất nên làm. Tuy nhiên, với cách hiểu như việc đặt nước lên miếu Ngài với hy vọng uống thứ "thần dược" đó để chữa bệnh quả là chuyện khó tin và không tưởng.
Không riêng gì ông Đàm, bà Hoàng Thị Vân, một trong những nông dân làm nông cạnh miếu Ngài cho rằng: "Không biết mọi người lấy đâu ra tin là miếu Ngài chưa được bách bệnh và thường phù hộ người dân. Lấy bản thân tôi đây để minh chứng cho việc này cũng thấy là miếu Ngài không linh thiêng theo kiểu người ta đồn thổi. Mấy năm nay, tui cũng hay hương khói cho miếu Ngài, xong bệnh tật có bao giờ thuyên giảm đâu. Mỗi lần nhức xương, đau khớp ra trạm ý tế phường xin thuốc về uống là khỏi ngay. Còn chuyện miếu Ngài phù hộ làm ăn thuận lợi thì càng xa với thực tế. Như gia đình tui, có mấy sào đất cạnh miếu Ngài, năm nào cũng giống năm nào, thất bát, đói vẫn hoàn đói… Chứ chuyện thắp hương dâng lễ của dân làng là thể hiện lòng tôn kính của các bậc tiền nhân đi trước, có công lao trong việc khai khẩn vùng đất của làng, chứ làm gì có chuyện Ngài cho "thần dược" mà đổ về đây xin cho tốn kém.