Nhưng chính xác thì họ là ai? BI Intelligence đã mổ xẻ giới tính, tuổi tác, thu nhập, học vấn cũng như những món đồ được mua nhiều nhất để cố gắng trả lời câu hỏi này.
"Các hãng bán lẻ rất muốn biết xem khách hàng tiềm năng của họ là ai để có thể tiếp thị sản phẩm đến người dùng một cách hiệu quả", BI cho biết. Thông thường, người ta tưởng rằng phụ nữ luôn quyết định các xu hướng mua sắm bởi họ kiểm soát tới 80% chi tiêu của gia đình. Thế nhưng riêng với thương mại điện tử, số người mua hai giới gần như ngang ngửa nhau.
Một điểm đáng chú ý là nam giới thường mua sắm qua thiết bị di động nhiều hơn. Năm 2013, 57% người dùng nữ từng mua sắm trực tuyến so với 52% người dùng nam giới. Nhưng có tới 22% nam giới từng mua hàng qua smartphone so với tỷ lệ chỉ 18% ở người dùng nữ.
Nhóm người dùng có độ tuổi từ 18 đến 34 vẫn là đối tượng chủ chốt của thương mại điện tử khi ngân sách chi cho việc mua sắm qua mạng cao hơn bất cứ nhóm tuổi nào khác. Họ chi trung bình mỗi năm khoảng 2000 USD, dù thu nhập thấp hơn so với nhóm tuổi trung niên.
Cần ghi nhận là những người có độ tuổi trên 40 ngày càng quen dần với ý niệm mua hàng qua di động. Cứ 4 từng mua sắm qua thiết bị di động tại Mỹ thì có 1 người trên 55 tuổi.
Báo cáo của BI cũng phát hiện thấy người mua online thường sống trong các hộ gia đình có thu nhập cao hơn trung bình một chút: khoảng 75.000 USD trở lên. Có tới 40% sở hữu thu nhập trên 100.000 USD. Thu nhập của một hộ gia đình trung bình của Mỹ vào khoảng 50.000 USD.
Trên cơ sở những sự thật này, BI cho rằng, đối với thương mại điện tử, nam giới có vai trò quan trọng hơn nhiều so với mua sắm truyền thống. Các hãng bán hàng qua di động cũng cần chú ý chăm sóc đối tượng khách hàng này hơn bởi mua sắm qua di động đòi hỏi sự sành sỏi về công nghệ hơn so với mua sắm online nên phái nữ vẫn còn ngần ngại đôi chút.