Dịch vụ tổng hợp
Tôi tìm đến thôn Ngọc Cục, xã Thúc Kháng, Bình Giang, Hải Dương vào 1 ngày mưa tầm tã. Câu trả lời thường thấy của những người dân trong thôn khi hỏi đến địa chỉ nhà đồng Sinh là: “Cậu rẽ vào ngõ, cứ thấy nhà nào to nhất thôn mà đông người nhất, chính là nhà bà ấy”.
Không khó để nhận ra những dòng chữ “cho nghỉ trưa”, “nhà trọ” rải rác trong con ngõ nhỏ. Ở ngôi nhà diện tích khá rộng rãi gần đầu thôn, phía bên trong là một đám đông nhốn nháo, nhìn vào đó có thể thấy, dịch vụ này đang khá phát triển ở đây.
Đó là nhà bà Nguyễn Thị Đương, mẹ đẻ cô đồng Nguyễn Thị Sinh. Hiện tại, bà đang đảm nhận việc nấu cơm và cho thuê phòng nghỉ. Theo đó, mỗi suất cơm trưa hoặc tối có giá 25.000 đ, nghỉ qua đêm là 15.000 đ.
Một người hàng xóm cho biết, không một ai đến đều có thể “áp vong” được ngay, phải chầu chực mất rất nhiều thời gian. Có nhiều gia đình phải chờ cả tuần lễ, cả tháng, nên dịch vụ “nghỉ trưa”, “nhà trọ” trong thôn chưa bao giờ vắng khách, lúc nào cũng đông nghin ngít.
Bà Đương chia sẻ, phục vụ ăn trưa, ăn tối, trung bình mỗi bữa bà phải nấu 6 mâm cơm, mỗi mâm 6 người. Vào những ngày nghỉ cuối tuần thì số lượng lớn hơn nhiều, có khi ngót nghét 30 mâm.
Bên cạnh đó, những dịch vụ khác cũng đang nở rộ, dễ dàng bắt gặp ở trong ngõ. Mẹ chồng cô đồng mở một cửa hàng bán đồ lễ to tướng. Chồng thì trông giữ xe máy và bán nước chè ngay tại nhà.
“Tất cả chỉ để tạo điều kiện tốt nhất cho những người đến gọi hồn”, cô đồng Sinh với cái bụng bầu lùm lùm, đang mang thai đứa con thứ 4, tự tin khẳng định.
Được biết, mỗi ngày “cô” chỉ làm việc 4 tiếng đồng hồ, buổi sáng từ 9h – 11h, buổi chiều từ 3h- 5h.
Tận mắt buổi “áp vong”
Sau khi đã bịa ra cho mình một lý do chính đáng để tìm đến “áp vong”, 3h kém, tôi theo chân một đoàn người vào nhà cô đồng Sinh. Trong sân đã chật ních người ngồi la liệt. Một khung cảnh nhộn nhạo, không thể phân biệt đâu là người đến gọi hồn, đâu là người đến xem chỉ vì tò mò, đâu là “chân gỗ”.
Chen chân mãi tôi mới tìm được một chỗ ngồi ở góc khuất cạnh bàn thờ. Phải đến 3h15 cô đồng Sinh mới xuất hiện. “Cô” mặc áo nâu sồng, hí hoáy thắp hương khấn vái lia lịa, rồi ngồi xuống, bỗng giật mình 1 cái, quay lại khề khà gọi “thằng Hà đâu?”.
Một người đàn ông trung niên rẽ đám đông chen vào ngồi xuống chiếu. Tôi choáng khi nghe được những câu đầu tiên được phát ra từ miệng “cô”: “Đ.m, tao là ông nội của mày đây”, “mày ngu như chó, ăn cơm hay ăn (...) mà ngu thế, tao cho ăn lộc không biết hưởng”...
Xếp hàng chờ đến lượt gọi hồn ở nhà cô đồng Sinh.
Huyên thuyên một hồi, “ông nội” túm lấy cổ áo của “cháu”, tát bôm bốp, kêu bảo đánh cho bớt ngu đi nhé. Người đàn ông tên Hà lủi thủi ra ngoài trong tiếng cười của đám đông, sau khi đã nhét vào túi “cô” tờ 100 nghìn, gọi là biếu cụ.
Khách thứ 2 là một cặp vợ chồng mới ngoài 30, đám đông lại ồ lên khi đồng Sinh chỉ thẳng vào mặt anh con trai chửi bới: “Đ.m, mày ăn cái máu (...) gì mà lại đi ăn nằm với con đĩ ấy hả...”. Anh chàng gân cổ lên cãi rằng đã tu tỉnh làm ăn nghiêm chỉnh được mấy năm. Tức thì “cô” chồm lên đánh lấy đánh để “mày dám nói dối tao à? ”.
Quay sang cô vợ đang há hốc mồm ngồi bên cạnh, “cô” phán: “Tao mà như mày, đêm tao chờ thằng chồng nó ngủ say rồi tao cắt (...) ngâm giấm. Còn con đĩ kia à, mày gọi thêm mấy người nữa, rồi cầm dao kéo chặn đường nó cho tao, đâm nát mặt ra, rồi tao xẻo (...) về cho chó nó ăn”.
“Nhưng con sợ đi tù ạ”, cô vợ khẩn khoản
“Mày không phải lo, tao đảm bảo rằng sẽ chẳng có tù tội gì hết, cứ yên tâm”, lời từ miệng đồng Sinh.
Cặp vợ chồng sau một hồi nghe phán, cũng rút ra ngoài sau khi đã nhét 100 nghìn vào túi của “cô”.
Chứng kiến buổi gọi hồn, điều tôi dễ nhận thấy là “cô” thường xuyên chửi bới và văng tục, 10 lần gọi thì 8 lần đánh người. Khi được hỏi, một người hàng xóm cho biết “bình thường cô hiền lắm, chắc là do vong nhập vào thôi”.
Anh Tuấn Anh (Văn Giang, Hưng Yên), một người đến xem gọi hồn lại bức xúc: “Đành rằng là vong nhập nhưng chẳng lẽ vong nào cũng như vong nào, chửi như chém chả và tục không thể tả?”.
Liệu cô đồng Sinh có “linh”?
Mang những điều nghi vấn khi được chứng kiến một buổi áp vong đi hỏi, nhiều người dân đều bảo rằng “cô” nói đúng lắm. Tuy nhiên khi tôi hỏi đúng như thế nào thì họ bảo cũng chỉ nghe tin đồn, chứ không kể ra được một câu chuyện cụ thể nào khác.
Tôi thấy, thái độ của họ khá dửng dưng, có lẽ “bụt chùa nhà không thiêng”.
Lần theo những thông tin có được, PV tìm đến gia đình anh Trần Ngọc Kiên, xã Thiện Phiến, Tiên Lữ, Hưng Yên. Anh cùng gia đình đã từng có thời gian ăn chực nằm chờ suốt 15 ngày ở thôn Ngọc Cục.
Ông nội của anh Kiên mất vào những năm 60 thế kỷ trước, vẫn chưa tìm được mộ. Bản thân anh không tin vào những việc đó, nhưng chiều lòng bố nên đã đưa cả gia đình đi, coi như giải tỏa tinh thần.
“Mà có lẽ tôi làm nghề xã hội, thôn Ngọc Cúc nhiều người biết và sợ, nên chúng nó không dám dây dưa chăng? Nên chờ mãi mà cũng không được áp vong, đành thất thểu ra về”, anh Kiên cho biết.
“Tôi chắc chắn đó là lừa đảo, vì muốn gọi hồn, gia đình phải ghi tên, tuổi, địa chỉ, nguyện vọng... lên mâm lễ. Mà chả có ai mới đến lại được gọi lên ngay, thường phải chờ 5,7 ngày sau. Đủ thời gian cho đám “chân gỗ” cà kê hỏi thăm tung tích, cho nên nói trúng lắm...” anh Kiên khẳng định.
Hàng ngàn người vẫn mê muội tin vào cô đồng Sinh.
Lật lại những vụ việc cũ, tôi giật mình khi xem lại hồ sơ của gã sát nhân khát máu Bùi Đức Lợi ở thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh. Hắn đã giết hại dã man 3 mẹ con trên đồi. Án đã tuyên, kẻ thủ ác đã nhận tội và đền tội trước pháp luật, ai cũng hả dạ.
Vì quá thương con, mẹ đẻ Lợi đã tìm đến cô đồng Sinh để gọi hồn con trai lên nói chuyện, thì “con trai” kể chuyện kêu rằng mình bị oan. Một lát sau, linh hồn bà nội Lợi cũng nhập về, “kể” rành mạch những “oan khuất” của Lợi.
Niềm tin con mình bị oan trong lòng bà mẹ tử tù càng thêm lớn, bà quyết tâm theo kiện, gửi đơn khắp nơi. Tuy nhiên, cũng không có một ai tin vào những chứng cứ của bà.
Trao đổi về vụ án Vũ Đức Lợi, ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc liên hiệp UIA cho biết: “Bản thân Liên hiệp UIA đã phối hợp với Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an giải mã nhiều vụ án có yếu tố tâm linh thế này. Các nhà ngoại cảm cũng đã có một số đóng góp trong công tác điều tra, phá án, tuy nhiên, đó phải là những nhà ngoại cảm thực sự.
Bà Nguyễn Thị Sinh ở Hải Dương chỉ là một cô đồng bình thường, không thể được coi là nhà ngoại cảm. Việc cô đồng Sinh gọi hồn lung tung bừa bãi, phán này nọ là đáng lên án. Hành động đó làm rối loạn thêm cho vụ án đã khép lại, và đặc biệt là gây hoang mang, hiểu lầm thêm cho gia đình nạn nhân, gia đình tử tội".