Vụ việc cháu bé 8 tuổi ở Bắc Ninh bị bố và mẹ ghẻ đánh ngất lịm phải nhập viện và tử vong sau đó 3 ngày đã khiến dư luận không khỏi phẫn nộ.
Theo lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra của Đỗ Văn Lợi – đối tượng dùng điếu cày đánh tử vong con đẻ của mình, ngày 15/3, vợ “hờ” của Lợi là Bùi Thị Hà (SN 1984, trú tại phường Võ Cường, TP Bắc Ninh) kêu mất 20.000 đồng.
Kêu xong, Hà nhào vào đánh cháu Lộc vì cho rằng cháu là thủ phạm. Để tìm số tiền của mình, Hà đã túm tóc tát và đánh bé Lộc khiến bé bị ngã xuống đất. Thấy vậy, không những không can ngăn cô vợ “hờ”, Lợi gạt Hà sang, tuyên bố: “Con tôi để đấy tôi dạy”.
Sau đó, Lợi lấy thang giường vụt tới tấp vào người đứa trẻ tội nghiệp. Thanh thang giường bị gãy làm nhiều khúc do những cú đánh mạnh. Đau đớn và sợ hãi vì bị 2 người lớn dồn đánh, bé Lộc vừa khóc vừa van xin, chạy nép vào một góc tủ. Vẫn theo lời khai của kẻ mất nhân tính Đỗ Văn Lợi, cùng lúc ấy, cô vợ “hờ” của anh ta tung cú đá khiến bé Lộc ngã ngửa đập đầu xuống đất. Cú đòn này đã khiến bé Lộc lên cơn co giật rồi lịm đi. Nhận thấy bé Lộc không còn phản ứng, Lợi và Hà mới hốt hoảng và gọi điện báo người nhà tới đưa bé đi cấp cứu.
Tuy nhiên kể từ lúc ấy, cháu Lộc đã không thể tỉnh lại được nữa. 9h sáng 17/3, Đỗ Văn Lợi đã bị công an Bắc Ninh bắt giữ khi đang trốn ở nhà người quen. Theo một nguồn tin, hiện cơ quan công an đã bắt được Bùi Thị Hà. Lời khai của người phụ nữ này sẽ làm rõ thêm hành vi phạm tội của Lợi, và của chính cô ta.
Cháu Nguyễn Thị H. bị bố và mẹ kế đánh thương tích đầy mình.
Những ngày cuối tháng 10/2013, tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương xôn xao về chuyện cháu bé Nguyễn Thị Hương (6 tuổi, trú tại xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) bị bố đẻ và mẹ kế hành hạ đa chấn thương tới gãy xương sườn.
Cháu Nguyễn Thị H. với khuôn mặt vẫn chưa vơi bớt được nỗi sợ hãi kể lại: “Mỗi lần dì ấy (mẹ kế – PV) bực tức chuyện gì là lại đánh con. Hôm thì dì ấy bóp chặt cổ, hai tay cào chảy máu cổ. Hôm thì do con giặt quần áo và quét nhà chậm nên dì Huệ đẩy con ngã xuống đất rồi đạp vào mặt con. Khi con đau quá nằm úp mặt xuống đất thì dì ấy dẫm lên lưng và hông con.
Bố lấy cây tre đánh vào mông và chân con. Có hôm bố và dì Huệ nhét con vào cái bao lớn ấy xong dìm con xuống nước. Con bị nhấc lên đặt xuống nước mấy lần. Con sợ lắm. Lúc ấy con không thở được”.
Bác sĩ khoa ngoại Nguyễn Văn Hiếu (Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn) – người trực tiếp khám và chụp chiếu cho cháu H. cho biết, cháu H. được bà nội đưa đến nhập viện trong tình trạng bầm tím vùng mặt, trên người có nhiều vết bầm dập, tụ máu, vùng cổ trầy xước như kiểu bị bóp cỏ. Sau khi chụp X – Quang và xét nghiệm chúng tôi phát hiện thấy cháy bị gẫy sương sườn thứ 6.
Cháu Nguyễn Anh Toàn đã 10 tuổi nhưng còi dí, suy dinh dưỡng, chưa được đi học.
Cũng chung số phận với hai bé trên, bố mẹ chia tay nhau, Nguyễn Anh Toàn sinh năm 2002 sống với cha và mẹ kế ở TP Quy Nhơn. 10 tuổi nhưng bé không được đến trường, trông còi dí, hàng ngày làm mọi việc trong nhà và thường bị ba với mẹ kế đánh, thậm chí bỏ đói. Cháu Toàn bị bạo hành liên tiếp trong suốt 3 năm, tới tháng 8/2012, vụ việc mới được báo chí phanh phui, chính quyền vào cuộc.
Cháu Toàn là con trai của anh Nguyễn Thành Được 31 tuổi ngụ tỉnh Cà Mau. Khi gia đình đổ vỡ, anh Được đưa Toàn từ Cà Mau ra sống cùng vợ bé tên là Phan Thị Kiều Diễm, 22 tuổi ở tổ 43, khu vực 6, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, Bình Định.
Sống chung với ba ruột và mẹ kế, Toàn luôn phải hứng chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết. Ông Nguyễn Thanh Trung 76 tuổi, một người hàng xóm, bức xúc: “Không hiểu lý do vì sao mà thằng bé luôn bị đánh đòn. Mỗi khi nghe cháu khóc là tôi cùng mấy người gần nhà chạy sang hỏi và can ngăn. Thấy chúng tôi, mẹ của cháu đóng chặt cửa rồi tiếp tục đánh mặc cho cháu van la”.
Cậu bé luôn phải sống trong cảnh đòn roi và dọa nạt suốt hơn 3 năm qua. Theo người dân địa phương phản ánh, cháu Toàn thường xuyên bị mẹ kế và ba dùng roi tre to bằng hai ngón tay đánh vào đầu, chân, tay, lưng, mặt khiến cháu bị thâm tím. “Sau mỗi trận đòn, ba mẹ bắt cháu không được nói với ai. Nếu nói ra sẽ bị đánh đòn đau hơn”, một người hàng xóm cho biết.
Do không chịu nổi những trận đòn tàn nhẫn của ba mẹ nên có lần Toàn phải sang nhà hàng xóm gần nhà để lánh nạn. Người hàng xóm cũng thừa nhận và bức xúc: “Hết ba rồi đến mẹ đánh, trên người của cháu không bao giờ hết vết thương. Vết cũ chưa lành thì lại bị vết mới”. Cô cũng cho biết thêm, khoảng 3 tháng trước, cháu Toàn phải đến bệnh viện khâu vết thương ở trán vì bị ba đập đầu vào tường. Sau đó một thời gian thì cháu lại phải vào bệnh viện khâu vết thương mới trên đỉnh đầu do bị mẹ kế dùng đòn tre đánh.
Giải mã tâm lý mẹ kế bạo hành con chồng
Theo chuyên gia tâm lý Bùi Nhài, Trung tâm tư vấn Thành Đạt (Hà Nội), việc mẹ kế đối xử không tốt với con riêng của chồng là một hiện tượng thường thấy, nhất là ở các nước phương Đông. Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến chuyện này, như con riêng của chồng họ không đẻ ra nhưng họ vẫn phải nuôi, phải phục vụ, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn sẽ càng làm họ uất ức; sợ người chồng quan tâm đến con riêng mà quên mất vợ mới, con của mình; tính ích kỷ đàn bà… Tuy nhiên, dù là do nguyên nhân gì thì việc mẹ kế đánh đập, bạo hành các cháu cũng đều đáng lên án và bị pháp luật trừng trị.
Mối quan hệ mẹ kế con chồng là một mối quan hệ rất nhạy cảm, chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ có thể làm cho tình cảm 2 bên ngày càng xa dần và dẫn đến một hậu quả lớn. Nếu người bố, người có vai trò trung gian, nhưng cũng là vai trò rất quan trọng kết nối giữa người vợ mới với những đứa con riêng của mình không biết cách dung hòa mối quan hệ mẹ kế con chồng, không tỏ rõ quan điểm của mình ngay từ đầu cho các bên biết, thì sẽ làm cho mâu thuẫn mẹ kế con chồng ngày càng bị đẩy lên cao. Và người chồng có một phần trách nhiệm không nhỏ trong các vụ việc mẹ kế bạo hành con chồng. Thực tế, ở những vụ mẹ ghẻ đánh đập con chồng tàn ác nêu trên, chúng ta có thể thấy không riêng gì người mẹ mà chính những ông bố đẻ của các cháu cũng đối xử rất tàn nhẫn với các cháu. Khi các ông bố còn không biết thương yêu chính con đẻ của mình, đánh đập chúng tàn bạo thì việc mẹ kế bạo hành các cháu là điều không thể tránh khỏi.