Sự thật đằng sau số tài sản khổng lồ của tập đoàn Lý Nhã Kỳ

Để tồn tại trong giới showbiz Việt, các sao nổi, sao xẹt luôn có nhiều chiêu trò khác người để có thể trở thành tâm bão dư luận.

Và với Lý Nhã Kỳ - một biểu tượng của làng giải trí Việt lại hay được nhắc đến cùng những bộ cánh xa hoa lộng lẫy, món đồ trang sức vô giá tại các sự kiện.

Công ty Đầu tư Thương mại Dịch vụ LYNK (tên viết tắt của Lý Nhã Kỳ) được thành lập ở Việt Nam và Hồng Kông từ cuối năm 2007, cho đến nay, Lynk Group không ngừng mở rộng, phát triển trong các lĩnh vực kinh doanh, tư vấn đầu tư, giải trí và từ thiện.

Mỗi lần LYNK mở rộng hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau, cô Kỳ lại được dịp ra mắt với báo giới sự chịu chi của cô nàng, ban đầu là ngưỡng mộ, nể phục, sau đó người ta lại hồ nghi về khối tài sản khổng lồ mà Lý Nhã Kỳ đang sở hữu. Khi mới thành lập, LYNK Group hoạt động chủ yếu về mảng cố vấn tài chính và tư vấn đầu tư cho các tập đoàn nước ngoài như Tập đoàn BC&A của Hồng Kông, công ty cổ phần Forever Fame của Hồng Kông, Tập đoàn giáo dục Raffles của Singapore, chủ yếu nhờ mối quan hệ của Lý Nhã Kỳ.

Sau đó, đến tháng 11/2011, sự ra đời của Lynk High Jewelry Diamond Boutique đánh dấu việc lấn sân vào lĩnh vực kim hoàn của Lý Nhã Kỳ. LYNK Group trở thành tập đoàn đầu tiên đưa các thương hiệu kim hoàn nổi tiếng thế giới vào thị trường Việt Nam như de Grisogono, Paolo Piovan, Crivelli Gioielli, Graziella và Staurino.

Đầu năm 2013, Lý Nhã Kỳ làm nhiều người phải "ngả mũ" khi chính thức khai trương trung tâm thương mại sang trọng, đẳng cấp Lynk Luxury Gallery với diện tích 600m2, tọa lạc tại con đường đắt đỏ của TP.Hồ Chí Minh. Với việc mở rộng sản xuất kinh doanh chỉ phục vụ cho giới thượng lưu, LYNK Group đã khẳng định được tiềm lực tài chính vững mạnh, xây dựng thương hiệu trên thương trường Việt Nam và quốc tế. Người ta bị choáng ngợp bởi những hình ảnh long lanh về showroom đẳng cấp, xuýt xoa trước những bộ váy áo được trưng bày có giá lên đến hàng chục nghìn USD. Nhưng những con số về kết quả kinh doanh của cựu đại sứ du lịch Việt đa tài mới là điều đáng bàn.

Tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên, khác với quy mô kinh doanh các mặt hàng xa xỉ, tình hình kinh doanh của tập đoàn này đang hết sức bết bát, thua lỗ ròng vài năm nay. Năm 2012, tập đoàn này lỗ 1,766 tỉ đồng, sang đến năm 2013, một năm sau khi Lynk Luxury Gallery đi vào hoạt động thì tập đoàn lỗ 8,135 tỉ đồng. Nhưng dường như số lỗ này chẳng thấm vào đâu so với số tài sản mà cô Kỳ đang sở hữu, thậm chí công ty còn gánh số lỗ ít hơn cả giá trị váy áo Lý Nhã Kỳ cõng trên người khi dự sự kiện.

Với quy mô hoạt động của 2 showroom mang thương hiệu Lý Nhã Kỳ, các chi phí để duy trì đẳng cấp mà cô gây dựng lên chắc chắn không phải là con số nhỏ. Trên thực tế, khoản chi phí không được phép trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (khoản vượt định mức cho phép của pháp luật) rất lớn, năm 2012 là 1,385 tỉ đồng, năm 2013 là 1,536 tỉ đồng, khoản này càng làm giảm lợi nhuận của tập đoàn. Có thể định hướng phát triển của LYNK lâu dài để tạo thương hiệu là con đường đúng đắn, nhưng việc kiểm soát những chi phí phát sinh đối với một doanh nghiệp không hiệu quả cho thấy sự yếu kém trong việc quản lý.

Doanh số bán ra cả quý II năm 2014 của LYNK là 1,476 tỉ đồng, số thuế giá trị gia tăng (GTGT) mà doanh nghiệp còn được khấu trừ (chưa phải nộp thuế) là 835,5 triệu đồng. Các sản phẩm bày bán tại showroom được Lý Nhã Kỳ tiết lộ giá thấp nhất của chiếc váy tại Lynk khoảng 2.000 USD, cao nhất có chiếc lên đến 45.000 USD (gần 1 tỉ đồng) hay những sản phẩm kim cương vô giá được trưng bày mang thương hiệu riêng được chế tác hoàn toàn thủ công bởi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân hàng đầu thế giới như De Grisogono, Paolo Piovan...

Như vậy, gần như hoạt động của LYNK chỉ là vẻ ngoài hào nhoáng trong ngày đầu khai trương để bà chủ đánh bóng tên tuổi của mình, còn doanh thu hay lợi nhuận hoạt động là điều không cần bàn tới.