Ma quỷ hiện hồn ở chung cư triệu đô là… mèo, chuột
Tin đồn trung cư triệu đô Building President nằm ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo (quận 1, TP. HCM), cách chợ Bến Thành khoảng 1 km có ma khiến người ta không khỏi bàng hoàng, sợ hãi bởi đây vốn là cao ốc hoành tráng bậc nhất thành phố.
Building President còn có tên gọi là chung cư 727, được xây dựng theo kiểu kiến trúc khá đơn giản gồm 13 tầng, chia làm 6 tòa với tổng số 530 phòng. Vì được xây dựng vào những năm 60 của thế kỷ trước nên nó từng được xếp vào loại “chọc trời” ở Sài thành
Người ta truyền tai nhau rằng, hằng đêm có người trông thấy rất nhiều tốp lính đi tuần khua giầy, duyệt binh, giậm xuống nền nhà kêu “lộp cộp”, có cả bóng một đàn ông tóc vàng dắt tay một cô gái người Việt, mặc quần áo trắng toát, mặt tái nhợt như người chết đuối... đi lững thững ngoài hành lang rồi mất hút trong đêm tối. Đặc biệt, sau khi xuất hiện những tin đồn ma quái nêu trên, người ta còn thấy nhiều hộ dân bỗng dưng chuyển đi nơi khác sinh sống nên lập tức đi đến “kết luận”: Những hộ dân này đã hoảng hốt đến mức phải di chuyển chỗ ở.
Trung cư triệu đô giữa TP. HCM.
Cũng theo lời đồn, sở dĩ tòa nhà trên có ma là bởi trước đây do trong quá trình xây dựng đã có không ít công nhân tử vong vì bị ngã giàn dáo và gặp tai nạn lao động khác trở thành những cô hồn vất vưởng quanh khu nhà là điều khó tránh khỏi. Thậm chí, người ta còn còn cho rằng, khu nhà này được xây 13 tầng, con số đen đủi...
Tuy nhiên, sự thật về những bóng ma trong tòa cao ốc trên đã được phần nào lý giải qua ông ông Trần Văn Long (65 tuổi), là bảo vệ cho tòa nhà này từ năm 2000 tới nay. Ông khẳng định, 10 năm làm bảo vệ ở đây, nhiều đêm thức trắng không được ngủ rồi lúc xảy ra chuyện nọ, chuyện kia cũng phải chạy lên các tầng giải quyết nhưng ông chưa bao giớ thấy có “con ma” nào.
Sau ngày giải phóng, tòa cao ốc được dành làm chỗ ở cho cán bộ công nhân viên của nhiều ngành. Thời kỳ cao điểm, chung cư có tới hơn 530 căn hộ, với khoảng 2.500 cư dân sinh sống. Sau này, do chung cư bị xuống cấp trầm trọng, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có chủ trương di dời, tái định cư cho người dân chứ không phải là do chung cư có ma nên họ mới ồ ạt chuyển đi như lời đồn thổi.
Còn những tiếng động “kỳ lạ”, “bí ẩn” trong đêm thực ra là do căn nhà đã quá cũ nát, vào mùa mưa, ngày nào cũng có bê-tông từ các mảng tường, kèo rơi xuống, rồi tiếng nước chảy do đường ống thoát mục, bể nên bị thấm, rỉ ra, tiếng mèo hoang, chuột cống “to bằng bắp chân” chạy rầm rầm. Cộng thêm đây là nhà cao tầng nên tiếng gió rít quật vào các cửa số đập thình thình trong đêm đã tạo nên một thứ âm thanh “hỗn loạn”... và các đối tượng nghiện hút đêm đến thường lẻn vào đây để chích choác, nói chuyện. Chính vì thế khiến mọi người lầm tưởng là ma quỷ, thêu dệt ra những thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang trong dư luận.
Xôn xao thắp hương, vái lạy, xây miếu cho... tổ kiến
Sự việc ở xóm 1, xã Liên Minh, Đức Thọ bỗng xuất hiện một “con hươu” trên ngọn cây lòng đỏ trứng gà. Cây này lại mọc ngay bên một ngôi mộ vô chủ sát bờ sông La, cách cầu Thọ Tường 200m, về phía Tây Bắc khiến người dân xôn xao cho rằng đó chính là sự linh ứng, hiển linh của người nằm trong mộ.
Chỉ là tổ kiến, một số người mê tín xem đó là sự linh ứng của ngôi mộ.
Sự việc còn đi xa hơn khi người ta rỉ tai nhau, sau hai ngày kể từ khi trên ngọn cây xuất hiện "con hươu" thì có một người bị vong nhập vào và cho biết đây là mộ của cô Viên, mất vào ngày 24/4 âm lịch (không rõ năm) khi mới 16 tuổi. Ngôi mộ này đã có trên 200 năm nay. Và hình "con hươu" trên ngọn cây chính là hươu đang ăn lộc?
Cũng kể từ khi trên ngọn cây bên cạnh ngôi mộ này xuất hiện hình lạ, một số người trong xóm đã tự lập ra một "ban lâm thời" đứng ra việc tổ chức đón tiếp khách thập phương đến thắp hương. Trên bàn thờ được họ lập lên là những bó hương to đùng, khói hương nghi ngút; và ngay bên cạnh là một hòm công đức được gò bằng tôn rất cẩn thận. Ngoài ra để có chỗ cho cho người dân đến đứng xem, những người trong ban này đã thuê xe chở đất lấp ngay cái ao bên cạnh để san lấp mặt bằng.
Được biết, ngôi mộ này trước đây nằm ngay bên cạnh con đường nhỏ đi lên chợ Thượng. Vì là nằm ngay bên con đường đi lên ngôi chợ lớn nhất khu vực bên sông này nên mỗi khi qua đây người dân thường thắp hương cầu khấn với hy vọng sẽ được mua may bán đắt. Một số người còn bỏ lại những đồng tiền xu hay tiền lẻ.
Tuy nhiên, khi quan sát kỹ, có thể thấy " con hươu" này có rất nhiều ổ mạng nhện. Có những ổ do đã được hình thành từ lâu nên rất to bao bọc lấy những chiếc lá tạo thành hình quả bóng là những ổ mới được hình thành. Ngoài ra trên cây này còn có rất nhiều kiến vàng. Cho nên khi quan sát có rất nhiều người nhận định, hình ảnh "con hươu" đó chính là tổ kiến.
Đại diện chính quyền xã Liên Min cho biết, sự việc dân thắp hương cho ngôi mộ cô Viên là có từ lâu. Còn việc con hươu hay con ngựa trên ngọn cây chỉ là do nhện hay kiến vàng nó giăng tơ lại, dân tưởng tượng phong phú nên gán ghép thành như thế. Sau khi nắm bắt sự việc, Đảng ủy và Chính quyền xã đã mời một số người dân đến làm việc, tuyên truyền giải thích về hiện tượng tự nhiên thuần túy, hiện nay lượng khách đến xem và thắp hương đã giảm.
'Thánh mẫu xà tiên' chỉ là con rắn nước
Đầu tháng 5, hàng nghìn người dân đã đổ về bãi kho thôn Tân Quang, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh để xem một con rắn không lưỡi đẻ trứng và biến đổi màu sắc. Con rắn kỳ lạ đã nhanh chóng được người dân ở đây "suy tôn" là "xà linh" và được người dân canh phòng bảo vệ nghiêm ngặt.
Quang cảnh lễ khánh thành miếu thờ "Thánh mẫu xà tiên".
Sau gần 1 tháng xuất hiện, người ta đã đặt tên cho con rắn là... “ngài thánh mẫu xà tiên” và xây miếu thờ nó. Ngôi miếu mới xây xong khá hoành tráng, nằm sát bên trạm điện Tân Dân. “Rắn thần” được bỏ lên một chiếc khay nhựa, đặt sau bàn thờ nghi ngút khói hương và lễ vật, hòm công đức. Phía trước miếu, người ta dựng 2 chiếc rạp bằng khung sắt lớn đủ để chứa cả nghìn người. Một số người dân vẫn đang kể cho khách nghe những câu chuyện kỳ bí, thêu dệt.
Từ con rắn nước bình thường, một số người đã cố ý thêu dệt, gán ghép cho nó những câu chuyện kỳ bí để rồi nó trở thành “linh vật” của biết bao niềm tin mù quáng. Người ta đổ dồn về thắp hương, khấn vái và từ đó, nhiều hệ luỵ xấu đã bắt đầu nảy sinh.
Mãi cho đến khi lãnh đạo xã Tùng Lộc đã cử cán bộ đến yêu cầu những người tổ chức dỡ bỏ rạp che và những hình ảnh tuyên truyền về “sự tích rắn thần” thì những đồn đoán về rắn thần cũng như các hoạt động mê tín dị đoan mới tạm lắng xuống.
Chuông cổ quý hiếm chỉ là đồ lưu niệm?
Chiếc chuông được cho là “cổ và hiếm” ở Phú Yên.
Ngày 27/6, Cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên cho biết, ông Nguyễn Bông (SN 1964, trú tại H. Đông Hòa) đang sở hữu một chiếc chuông cổ thuộc hàng quý hiếm. Đó là chiếc chuông nhỏ bằng đồng, chiều cao khoảng 14-16cm, nặng gần 0,5kg, đường kính lòng chuông khoảng 10cm. Trên thân chuông là 3 vị phật ngồi khoan thai, nối giữa là những ký tự tượng hình theo tiếng Hán cũ, trên đầu chuông có hình một con rồng in nổi. Chuông có màu nâu đỏ trông rất đẹp mắt.
Ông Bông cho biết, năm 2005, khi đang đi trên đường, ông thấy một nam thanh niên (làm tại công trình Thủy điện Sơn La) đang rao bán một chiếc chuông lạ nên đã dừng lại hỏi mua với một mức giá khá rẻ. Về nhà ông đem chuông đến nhờ các nhà khảo cổ, trong và ngoài tỉnh xem nhằm xác định gốc tích, ký tự, niên đại và giá trị của chuông nhưng do trước đó không một ai thấy chiếc chuông này bao giờ nên không thể giải đáp những thắc mắc của ông.
Một số cao tăng qua nghiên cứu sách vở cho rằng, đây đích thị là chiếc “chuông rung thiên long tam cõi” là vật dùng để thờ phượng hoàng thuộc hàng đại quý hiếm. Nghe tin ông Bông có chuông quý, giới sưu tầm đồ cổ và những người dân hiếu kỳ liên tục kéo đến nhà để xem và tìm cách mua lại chiếc chuông với giá cao. Tuy nhiên do chưa muốn bán nên gia đình ông Bông phải ngày đêm canh giữ chuông quý vì sợ mất trộm.
Tuy nhiên, theo TS Vũ Thế Long (thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam), chưa giám định thì không có cơ sở để nói chiếc chuông trên là cổ vật. Ông Long cho rằng, chiếc chuông nói trên không có gì đặc biệt. Dấu tích của vết đúc khá thô, còn lộ đường chỉ ghép các bộ phận của chuông với nhau, hoa văn cũng bình thường. Ông cũng cho rằng, không có cơ để nói nó là vật dùng để thờ phượng hoàng thuộc hàng đại quý hiếm. “Trông đường chỉ đúc và màu sắc đồng tôi có cảm nhận đây chỉ là chiếc chuông bình thường, là đồ lưu niệm bán cho khách du lịch thôi. Chữ nghĩa khắc trên chuông cũng không rõ ràng, màu sắc lèm nhèm. Tôi cũng đã từng thấy bên Trung Quốc người ta bày bán những chiếc chuông dạng như thế này rất nhiều, chủ yếu làm quà lưu niệm cho khách du lịch”, ông Long kết luận?