Liên quan tới những vết nứt kéo dài, nước rỉ ra khiến tường mọc rêu và hoen ố ở hầm đường bộ Kim Liên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Văn Vĩnh - giảng viên bộ môn cầu hầm (Khoa Công trình – Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội).
Theo ông Vĩnh, nguyên nhân đầu tiên nên nghĩ đến khả năng bề mặt cầu móng của hầm bị lún không đều dẫn đến những vết nứt ở trong kết cấu.
Nguyên nhân thứ hai có thể là do: Tất cả các công trình cầu và hầm như thế thường sử dụng bê tông khối lớn. Mà bê tông khối lớn một khi không đều nhau sẽ xuất hiện sự co ngót không đều làm xuất hiện những vết nứt.
Ngay cả những cầu lớn như cầu Cần Thơ hay cầu Bãi Cháy cũng rơi vào tình trạng như thế.
Khi lượng cốt thép trong một chi tiết, một bộ phận nào đó bị bố trí quá dày thì khi bơm nhiều bê tông gồm cát và đá vào, đá sẽ không thể chui vào được hết các kẽ hở của bề mặt kết cấu, cũng sẽ xảy ra hiện tượng đó.
Người ta hay gọi là hiện tượng nứt bề mặt. Thông thường như thế người ta phải đầm rất kĩ, còn nếu đầm không kĩ thì bề mặt sẽ bị nứt. Đó là vài nguyên nhân chính có thể dẫn tới hiện tượng trên.
Với hầm Kim Liên, theo ông Vĩnh, nguyên nhân là do kết cấu lún không đều. Có thể họ xử lý móng chưa tốt.
Ông cho biết đã từng đi thăm cầu Cần Thơ cũng do Nhật Bản thi công. Dù còn trong thời hạn bảo hành, nhưng cầu đó vẫn xuất hiện những vết nứt. Thi công một công trình lớn như thế thì vệt nứt là điều khó tránh khỏi.
- Vậy thưa ông, nước rò rỉ ở vết nứt đó là từ đâu ra?
Khi vết nứt có nước xâm nhập vào là không tốt. Khi đó sẽ gây là hiện tượng ăn mòn bê tông. Bê tông sẽ bị vôi hóa. Còn nếu nước xâm nhập được vào cốt thép sẽ làm gỉ cốt thép.
Trong nước vốn có nhiều tạp chất có thể làm hư bề mặt lớp vỏ bảo vệ cốt thép khiến chúng bị gỉ. Một khi cốt thép đã bị gỉ, để lâu ngày chúng sẽ bị phồng rộp lên.
Nước đó không thể bị rò rỉ từ hệ thống cấp thoát nước được. Thông thường chủ yếu do nước ở xung quanh, tức là ở nền đường ngấm vào các mạch rồi xâm nhập vào vết nứt đó.
Hầm này chôn hẳn vào trong đất. Hệ thống nước ngầm có thể sẽ ngấm được vào cầu bê tông.
- Vết nứt đó có đáng lo sợ?
Xin khẳng định hầm đó không thể sập được. Hầm cũng chưa từng xảy ra sự cố lớn nói chung và đối với kết cấu bê tông nói riêng.
- Giải pháp để khắc phục tình trạng trên?
Thực ra khi bê tông đã nứt rồi thì nó sẽ không chịu lực nữa. Chúng ta chỉ có thể bịt/che vết nứt đó lại để người khác không nhìn thấy mà thôi. Cùng với đó là chống thấm cho tường hầm.
Theo tôi nên bơm keo epoxy vào vết nứt. Sau đó trát làm phẳng bề mặt rồi quét sơn để che đi bề mặt đó chứ không có cách nào để khôi phục lại thành hình khối như lúc đầu được.
- Vậy theo ông, kịch bản xấu nhất đối với hầm Kim Liên là gì?
Như tôi đã nói, khi bê tông bị ăn mòn, cường độ bê tông sẽ giảm đi tức là khả năng chịu lực yếu dần. Mặt khác, cốt thép bị gỉ sẽ trương nở làm phá vỡ kết cấu bê tông. Đương nhiên là những hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra và ai cũng có thể đoán được điều đó.
Tuy nhiên, theo tôi xác suất đó là rất thấp. Hầu hết các công trình giao thông đều được thiết kế rất an toàn nên nói là sập ngay thì không thể sập được.
Nếu mời được các chuyên gia Nhật Bản sang xem xét tình hình thì rất tốt bởi họ giàu kinh nghiệm về lĩnh vực này. Trên thế giới giờ họ làm theo hướng duy tu, bảo dưỡng công trình cũ chứ người ta ít xây mới lắm.
Người dân không nên lo lắng. Chẳng có gì đáng nghiêm trọng ở đó cả. Trông thì ai cũng sợ, nhưng chưa có vấn đề gì xảy ra cả.
Xin cảm ơn ông!