Giá than đẩy giá điện
Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoán sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, từ ngày 20/4/2013, Thủ tướng đã cho phép giá than bán cho điện tăng bằng 100% giá thành sản xuất than năm 2011 và tương đương với 84% giá thành sản xuất than năm 2013.
Với việc giá bán than cho điện tăng lên bằng 100% giá năm 2011, Vinacomin vẫn tiếp tục phải bù lỗ nhưng giảm đi rất nhiều. "Ước tính, với giá bán mới, trong năm 2013, Vinacomin sẽ thu thêm khoảng 2.000 tỷ đồng từ việc bán than cho điện", ông Biên cho biết.
Trong khi đó, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), than chiếm khoảng 70% giá thành nhiệt điện than. Hiện, nguồn huy động nhiệt điện than xấp xỉ hơn 100 triệu kWh/ngày. Tỷ lệ nhiệt điện than chiếm khoảng 1/4 tổng cơ cấu nguồn điện phát nên nếu giá than tăng lên sẽ tác động đến giá điện.
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, EVN vẫn chưa tính toán cụ thể việc điều chỉnh giá điện sau khi giá than tăng.
Theo ông Tri, giá điện không chỉ căn cứ vào giá than mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: giá nhiên liệu đầu vào khác, cơ cấu sản lượng điện, chênh lệch tỷ giá... cũng như định kỳ tính hàng tháng theo Quyết định 24 của Thủ tướng và Thông tư 31 của Bộ Công Thương.
"Sau khi EVN tính toán, nếu thấy cần điều chỉnh sẽ báo cáo cụ thể với Bộ, còn thời điểm này, EVN chưa có kế hoạch gì về giá", ông Tri nói.
Trong khi đó, theo ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), hiện, Bộ Công Thương đang yêu cầu EVN tính toán, cân đối lại chi phí phát sinh sau khi giá than bán cho điện tăng. Căn cứ vào mức độ ảnh hưởng của giá than đối với giá thành sản xuất điện cũng như thực tế vận hành tháng vừa qua lúc đó mới có lộ trình, kế hoạch điều chỉnh giá điện.
"Hiện, Bộ đang đợi báo cáo từ EVN. Khi có báo cáo, Bộ sẽ xem xét cụ thể về việc tăng giá điện", ông Cường nói.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tuyên bố trên đây của Evn và nhà quản lý để trấn an dư luận đồng thời cũng đánh động thử phản ứng tăng giá điện. Bởi ai cũng biết, nếu căn cứ theo quy định, các yếu tố đầu vào và nhu cầu điện đang tăng ắt giá sẽ tăng... Đó là tất yếu, không trước thì sau. Giá cả, lạm phát đang ổn thì giá điện càng dễ tăng
Doanh nghiệp tiếp tục bị dồn ép
Một số chuyên gia kinh tế cho biết, việc điện tăng giá không chỉ tác động đến đời sống người dân mà càng khiến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vốn đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.
Tổng giám đốc một Cty thép tại phía Bắc cho biết, ngành thép hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi giá dầu Madut (FO) dùng để sản xuất thép tăng lên 807 đồng/kg nhưng chưa được giảm, nên nếu điện tiếp tục tăng giá sẽ khiến các doanh nghiệp thép làm vào tình cảnh "sống dở chết dở".
Theo vị tổng giám đốc này, hiện, giá điện chiếm khoảng 6% cơ cấu giá thành phôi thép, còn các thép thành phẩm khác chiếm gần 1%. "Trung bình 1 tấn thép cần khoảng 600 kWh điện. Do đó, giá điện tăng bao nhiêu giá thành thép sẽ tăng bấy nhiêu. Chỉ cần giá điện tăng thêm 2% là doanh nghiệp đã chết chắc", vị tổng giám đốc nói.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, điện cho sản xuất xi măng có giá bình quân 2.300 đồng/kWh. Một tấn xi măng dùng khoảng 100 kWh điện nên tính ra hết khoảng 230 nghìn đồng/tấn. Nếu điện tăng thêm 5%, một tấn xi măng tăng thêm chi phí khoảng 13-15 nghìn đồng/tấn. Do vậy, việc tăng giá điện sẽ gây thêm áp lực lên các doanh nghiệp xi măng bởi nhu cầu xi măng đang giảm nên không thể tăng giá bán.
Hơn nữa, với việc than tăng giá bán cho điện thêm khoảng 2.000 tỷ đồng, sẽ là cớ để EVN có lý do tăng giá điện. Trên thực tế, nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng cơ cấu nguồn điện nên việc tăng giá than không thể là lý do chính để dẫn tới điện tăng giá.
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, EVN đã tuyên bố nhiều yếu tố bất lợi cho giá điện (tình hình khô hạn diễn biến phức tạp, dự kiến sản lượng thủy điện thiếu hụt khoảng 1,2 tỷ kWh so với năm 2012; nguy cơ phải bù lại bằng điện chạy dầu và tăng tỷ lệ huy động nhiệt điện than...) nên EVN sẽ phải điều chỉnh tăng giá.
Ngoài ra, trong trường hợp tình hình khô hạn ở miền Trung kéo dài và khả năng thiếu khí, có thể EVN sẽ phải huy động 1,8-2,4 tỷ kWh điện chạy dầu để đảm bảo nhu cầu điện cho miền Nam. Nếu điều này xảy ra, theo tính toán, EVN sẽ phải bù khoảng 10.000 tỷ đồng và khoản lỗ này sẽ được phân bổ vào giá thành điện trong những lần tăng tiếp theo. Đó là chưa kể EVN vẫn còn khoản lỗ treo hơn 8.000 tỷ đồng của năm 2010 cộng với 26.000 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá, đã được cho chủ trương bù đắp dần vào giá điện cho tới năm 2015.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, với quy định hiện hành, khi có biến động giá đến 5%, EVN sẽ được phép điều chỉnh giá điện. Nếu các yếu tố như tỷ lệ huy động nhiệt điện than, điện chạy dầu cao diễn ra cùng thời điểm với việc điều chỉnh giá than bán cho ngành điện, yếu tố đầu vào chắc chắn sẽ vượt trên 5%, lúc đó EVN hoàn toàn được phép tăng giá điện.