Theo dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) chuẩn bị trình Quốc hội vào tháng này, nhiều người sẽ phải nhận mức lương hưu thấp hơn, trong khi độ tuổi nghỉ hưu lại được nâng lên.
Theo dự thảo trên, từ năm sau trở đi, lương hưu của khu vực nhà nước sẽ lấy mức bình quân đóng bảo hiểm xã hội của cả quá trình đóng, thay vì 10 năm cuối cùng của quãng đời làm việc như hiện nay, như vậy nhiều người sẽ nhận lương hưu thấp hơn.
Thời gian áp dụng dự kiến là 1-1-2015, nghĩa là vào năm 2035 sẽ có những người nghỉ hưu đầu tiên hưởng lương hưu theo cách tính mới, vì theo quy định phải đóng đủ 20 năm mới được hưởng. Còn những người đã đóng BHXH trước thời diểm 1-1-2015 sẽ không phải theo quy định này.
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, tuổi hưởng lương hưu cũng sẽ được đưa ra lấy ý kiến quốc hội.
Cụ thể, từ năm 2016 trở đi, tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức, cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đủ 62 tuổi đối với cả nam và nữ; hoặc đủ 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ.
Từ năm 2020 trở đi, sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại với lộ trình như trên. Như vậy, nam giới sẽ phải làm việc thêm 2 năm và nữ sẽ phải làm thêm 5-7 năm so với quy định hiện hành.
Như vậy, có thể hiểu sắp tới, người lao động phải đi làm nhiều thời gian hơn, và hưởng lương hưu thấp hơn.
Những thông tin này đã tạo nên cuộc tranh luận sôi sục trên mạng ngay sau khi đăng tải, trong đó hầu hết ý kiến bạn đọc đều không tán thành với dự thảo này. Bạn đọc Nguyễn Hạnh cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu là không hợp lý, là vi phạm luật, là có lợi ích nhóm.
“Tại sao chúng ta không quan tâm đến hàng vạn sinh viên ra trương hiện nay đang thất nghiêp?”, bạn đọc này đặt câu hỏi.
Bạn đọc Thúy Vân thì lo rằng việc tăng tuổi hưu vừa ảnh hưởng đến lao động trẻ vừa làm giảm hiệu quả công việc vì khả năng lao động và sáng tạo của người già không thể bắt kịp với lớp trẻ.
Bạn đọc Vinh Nguyên cho rằng cần làm rõ mục tiêu của dự thảo này, nếu là để giảm áp lực cho quỹ BHXH thì cần giảm bớt biên chế, loại bỏ những người làm công ăn lương “vật vờ”.
Bạn đọc Trần Xuân Việt lại có góc nhìn khác, đáng chú ý khi đọc thông tin này: “Sao lại lo vỡ quỹ BHXH? Bộ máy quản lý của cơ quan BHXH quá cồng kềnh, chi phí cho bộ máy quản lý lớn, chi phí cho việc mau sắm tài sản phục vụ cho bộ máy nữa, .... Ta không nên đỗ lỗi cho người lao động "sống dai quá" nên vỡ quỹ. Đề nghị Quốc hội giữ lại độ tuổi nghỉ hưu như cũ, nếu lớn tuổi quá còn làm việc thì hiệu quả lao động kém, tỷ lệ thất nghiệp tăng, ....bao nhiêu vấn đề sẽ xảy ra vì thất nghiệp”.