Sốc: Các kình ngư Úc thừa nhận sử dụng chất cấm

Đó là nội dung quan trọng nhất của buổi họp báo vừa diễn ra ở Sydney, nơi James Magnussen và các đồng đội của anh ở đội bơi tiếp sức 4x100m tự do.

Stilnox là tên một loại thuốc an thần nằm trong danh mục các dược chất bị cấm sử dụng mà Ủy ban Olympic Úc (AOC) đã công bố và gửi đến các đội tuyển thể thao nước này trong thời gian chuẩn bị tham dự Thế vận hội 2012.

“Biết, nhưng vẫn sử dụng”, sáu kình ngư James Magnussen, Matt Targett, Eamon Sullivan, James Roberts, Cameron McEvoy và Tommaso D'Orsogna thừa nhận như vậy trong bản tường trình được đọc tại buổi họp báo và tập thể giành vị trí thứ tư nội dung này tại London đã ngỏ lời xin lỗi về hành vi mà theo họ, như một thói quen ở đội bơi tiếp sức quốc gia Úc.

Việc sử dụng chất Stilnox diễn ra trong thời gian đội bơi này tập huấn tại thành phố Manchester và cả sáu kình ngư này đều ý thức được rằng, họ sẽ phải đối mặt với bản án hết sức nghiêm khắc từ AOC do “vi phạm các điều khoản mà các thành viên đội tuyển Olympic quốc gia không được làm”.

Do tuổi đời còn rất trẻ, lại được nuông chiều trong những điều kiện tốt nhất, hầu hết các thành viên đội bơi này lý giải việc dùng thuốc ngỡ rất đơn giản như những hành động hết sức trẻ con như nửa đêm đi gõ cửa phòng các VĐV khác rồi ù té chạy! Chỉ Magnussen nhìn nhận một cách thực tế và sát với sự việc nhất: “Tôi cho rằng một trong những lý do cho việc sử dụng chất cấm là chúng tôi phải chịu áp lực không nhỏ từ gánh nặng thành tích. Hối tiếc bây giờ cũng đã quá muộn rồi nhưng chúng tôi phải nói ra…”

Việc lạm dụng các dược chất hoặc sử dụng sai so với chỉ định của bác sĩ như dùng thuốc trong trạng thái say sưa bên cạnh các hành vi khó chấp nhận khác đối với một VĐV thể thao, chưa nói đến tư cách một tuyển thủ Olympic, như đi chơi quá giờ, dối trá và ức hiếp lẫn nhau là những điều được đề cập đến trong một bản báo cáo được công bố gần đây tại Úc cho thấy sự bất lực trong việc quản lý đội ngũ VĐV đỉnh cao, dẫn đến tác hại lâu dài cho cả một thế hệ của nền thể thao.

Đội bơi tiếp sức này được giao chỉ tiêu giành HCV tại Thế vận hội London 2012 nhưng chung cuộc, họ chỉ giành vị trí thứ tư, gián tiếp góp phần vào bản thành tích kém cỏi nhất của bơi lội Úc trong vòng hai thập niên vừa qua.

Tuyển thủ Eamon Sullivan cho biết, nếu biết việc sử dụng chất cấm ảnh hưởng đến thành tích thi đấu như thế, có lẽ cả đội không ai dám liều mạng để thử, và anh kết luận “Tôi tin rằng, chẳng có điều gì mang lại kết quả tốt đẹp ngoại trừ nỗ lực trong tập luyện!”.