Họ đã ôm nhau khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc vậy, rồi họ thức trắng đêm để ở bên nhau cho thỏa nỗi nhớ, để kể những câu chuyện đã 18 năm qua họ chưa có dịp kể cho nhau nghe... Đó là hôm cô gái Bùi Thị Lập ở thôn Chanh, xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) bỗng trở về sau 18 năm biệt tích.
Nhà chị Lập cách nhà tôi không xa, hồi đó tôi còn rất bé, nhưng đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in, buổi chiều hôm đó, khi tôi đuổi trâu đến đầu làng thì nghe tin dữ: “Chị Lập bị bọn buôn người lừa bán sang Trung Quốc (TQ) rồi”.
Ngôi nhà nhỏ chật kín người lớn, trẻ em đến thăm hỏi, động viên chị Lập
Rồi năm này qua năm khác chẳng thấy tin tức gì về chị, nên bản thân tôi và mọi người trong làng ai cũng nghĩ là chị không còn nữa. 5 năm, 10 năm, rồi 15 năm quãng thời gian không dài, nhưng cũng không ngắn cho một hy vọng có ngày chị sẽ trở lại. Chỉ riêng bà Bùi Thị Sen, mẹ chị là hay nhắc và khóc, nhất là mỗi lần gặp bạn bè của con. Ấy thế mà, khi bà đã ngả bóng xế chiều thì chị bỗng trở về, bằng xương bằng thịt.
Khi có người đến báo tin bà Sen vẫn còn bán tín bán nghi: “Chúng mày chớ trêu bà. Mà không hiểu sao mấy hôm nay bà toàn mơ thấy nó suốt, nó bảo ở xa lắm không về được. Hay nó “báo mộng” về thật sao?” – bà Sen nói. Về đến nhà, đứa con gái ngày ra đi mới mười tám đôi mươi, giờ đã luống tuổi đứng sờ sờ trước mặt, mà bà cứ ngỡ như trong mơ. “Lập phải không con, cha mẹ mày sao mày bỏ tao đi biệt tích vậy?”. Rồi hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở. Bà con lối xóm biết tin, kéo đến chật kín ngôi nhà nhỏ chưa đầy 20m2.
Buổi chiều định mệnh
Mãi hôm sau, tôi mới có dịp hỏi về nguyên do mất tích và cuộc sống của chị suốt 18 năm nơi đất khách quê người. Chị Lập bảo, chị còn nhớ rất rõ hôm đó là ngày 26 tháng 8 âm lịch, khi chị vừa đi làm đồng về thì được một người bạn tên Mười ở xã bên rủ xuống thành phố làm thuê cho một quán ăn, nghe nói công việc nhàn mà lương cũng khá. “Ngày đó gia đình khó khăn lắm, phải ăn đong từng bữa, nên tôi cũng muốn đi làm kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Vừa dứt bữa cơm trưa, tôi gấp được 2 bộ quần áo gọi là lành lành một chút đựng vào cái túi cói xách đi, không ngờ chiều hôm đó trở thành buổi chiều định mệnh của đời mình” – chị Lập bồi hồi nhớ lại.
Chị kể tiếp: Thực tình từ bé đến lúc đó tôi cũng chưa hề biết thành phố Thanh Hóa như thế nào, ngồi lên xe ca tôi lại say xe nên cứ thế nó chở đi, đến lúc mở mắt ra trời đã tối mịt. Mười đưa tôi vào một nhà trọ bình dân, hai đứa ăn cơm xong, vừa lên giường chợp mắt thì Mười gọi dậy bảo ra bến xe đi không muộn. Sáng hôm sau, khi xe dừng lại tôi nhìn xung quanh thì biết mình đang ở của khẩu Móng Cái (Quảng Ninh).
Tôi hỏi Mười sao lại đi ra Quảng Ninh, thì Mười bảo, ở đây có người quen, họ bảo ra bán hàng lương cao hơn. Đến lúc này, tôi vẫn không mảy may nghĩ rằng Mười định bán tôi sang TQ. Mười dẫn tôi vào một quán nhỏ ven đường, rồi bảo tôi ngồi đó uống nước chờ ả ra cây điện thoại công cộng (hồi đó điện thoại di động chưa phổ biến như bây giờ - PV) điện cho người quen đến đón. Tôi uống hết nửa cốc nước chanh đường, thì bỗng thấy hoa mắt, chóng mặt, rồi không biết gì nữa. Khi mở mắt ra, trước mắt tôi là một căn phòng sang trọng và toàn những người hạ hoắc, đến lúc này tôi mới biết mình đã bị lừa sang TQ.
Đến đây bỗng mắt chị rớm lệ, giọng nghẹn đắng, chị thút thít kể: Ngày hôm sau, chúng đưa tôi vào “động quỷ”, bắt đi khách, biết khó thoát khỏi vòng vây của chúng, tôi đành cắn răng chịu đựng, chờ cơ hội thoát thân. Nhưng tất cả không đơn giản như tôi nghĩ, chúng canh gác rất chặt chẽ, nhiều vòng, suốt hơn một tháng trời tôi chỉ ở quanh quẩn trong khu “động quỷ” không được bén mảng ra khỏi cửa. Bất lực, tôi nhiều lần định tìm đến cái chết, nhưng nghĩ thương mẹ già, tôi lại gồng mình lên để chờ cơ hội khác.
Gần 3 tháng trong “động quỷ”, tôi không nhớ nổi mình đã gặp bao nhiêu người đàn ông lạ. Nhưng rồi đến một hôm, có một gã đàn ông vào gặp tôi, khác hẳn với những gã đàn ông khác, gã chỉ nhìn tôi và nói luyến thoắng gì đó tôi không hiểu, nhưng khi gã dùng cử chỉ tay chân thì tôi hiểu, gã có ý định muốn cứu tôi. Tôi như người chết đuối vớ được cọc, tôi gật đầu theo ý gã. Hình như gã xuống quầy lễ tân, giao dịch gì đó với bà chủ, sau đó tôi được gã đưa đến một thị trấn nhỏ ở tỉnh Quảng Đông ngay trong đêm đó…
May mắn hơn vạn người
Chị kể tiếp, gã đàn ông cứu chị ra khỏi “động quỷ” tên là Chao Dong. Gã có vợ con, vẫn định “mua” chị về làm giúp việc. Nhưng chị ở được độ 1 tháng thì hai vợ chồng xảy ra chuyện, hình như vợ gã ghen. “Buổi chiều hôm đó, gã mua cho tôi một bộ quần áo mới, rồi dẫn tôi ra một chiếc xe khách, gã nói gì tôi không hiểu, nhưng trông vẻ mặt hơi buồn. Bỗng có một gã đàn ông lạ trông rất nông dân đến, Chao Dong cầm tay tôi đặt vào tay gã đàn ông kia, rồi quay xe ra về” – chị Lập kể.
Hóa ra gã đàn ông cứu chị ra khỏi “động quỷ” đã “bán” chị cho một người đàn ông khác để gỡ lại một khoản tiền gã đã mua chị. Dù sao chị cũng rất cảm ơn Chao Dong đã cứu chị ra khỏi “động quỷ”. Nhờ gã mà cuộc đời chị sang một trang khác. Người đàn ông lạ đưa chị về một vùng quê hẻo lánh ở tỉnh Quảng Đông và nên vợ chồng. Mãi sau này, khi biết ít tiếng TQ, chị mới biết, Suhao - chồng chị bây giờ - đã mua lại chị với giá tính ra bằng 5 tấn thóc lúc bấy giờ.
“Nhà nó (Suhao) cũng nghèo lắm, ở tận trong rừng, lại đông anh em. Được cái nó tốt bụng, không hay đánh đập. Nó dạy mình học tiếng, dạy trồng táo, cà chua... Thú thực, tôi chấp nhận làm vợ nó cũng là bất khả kháng, nhưng vì không biết tiếng, không có tiền, nơi ở lại xa đường nên có muốn trốn cũng chẳng biết đi đường nào. Với lại ở lâu tôi thấy thương nó, đã ngoài 40 tuổi rồi nhưng vẫn độc thân vì không đủ tiền cưới vợ. Chúng tôi có hai đứa con trai, đứa lớn năm nay 14 tuổi, đứa thứ hai 11 tuổi. Ở bên TQ họ rất phân biệt, thích con trai nên từ khi tôi sinh con trai cũng được quan tâm hơn”.
Chị cho hay, mặc dù đã có với nhau hai mặt con, nhưng Suhao vẫn sợ chị trốn về nước. Nhưng không hiểu sao, khi sự kiện TQ đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển nước ta, hắn bỗng đổi ý định cho chị tiền, vàng để về thăm quê hương...
Chị bảo chị không muốn trở lại TQ nữa, nhưng nghĩ lại thương 2 đứa con vì chúng rất yêu thương chị. Trước lúc chia tay chị nói với tôi rằng: “Có lẽ tôi vẫn phải trở lại TQ, dù số phận, hoàn cảnh đưa đẩy thế nào đi chăng nữa, nhưng hai đứa con vẫn do tôi đứt ruột đẻ ra, tôi không muốn chúng thiếu thốn tình cảm của mẹ”. Chị đưa mắt nhìn sang người mẹ già phơ phơ tóc trắng, rồi rưng rưng nói: “Mẹ già rồi con không thể đưa mẹ sang bên đó được. Con sẽ ở với mẹ vài tháng khi nào mẹ đỡ nhớ, con mới đi. Sang đó con sẽ cố gắng dành dụm tiền thi thoảng về thăm mẹ!”.
Bà Sen mắt đỏ hoe không nói nên lời. Có lẽ bà là người thấu hiểu nỗi lòng của một người mẹ xa con hơn ai hết.