Số phận bi đát của hai phụ nữ điên dại

Kết quả là cô mang thai, một năm sau thì sinh ra một bé gái. Từ đó, tấn bi kịch được nối dài!

Một đêm năm 1981, căn nhà mái lá liêu xiêu ở thôn Bình Khang, xã Bình Thuận (Đại Từ- Thái Nguyên) bỗng xảy ra chuyện. Trong căn nhà ấy, có một bà cụ già và một phụ nữ xấp xỉ ngưỡng tuổi 30. Ở làng, có một gã chuyên sống bằng nghề trộm cắp vặt, đêm hôm đó, gã đột nhập vào nhà và “lấy cắp” cái quý giá nhất của người phụ nữ trẻ. Có điều, người phụ nữ ấy từ khi mới sinh ra đã mắc bệnh tâm thần. Kết quả là cô mang thai, một năm sau thì sinh ra một bé gái. Từ đó, tấn bi kịch được nối dài!

Nếu không có đêm ấy

Trời nắng chang chang, giữa cánh đồng làng Bình Khang người phụ nữ đội cái nón mê lụp xụp vẫn cặm cụi cắt lúa. Và, tôi phải thuyết phục mãi bà mới chịu bò lên khỏi ruộng để về nhà. Bà là Trần Thị Vẹn, sinh năm 1953, nhân vật chính mà chúng tôi đề cập đến trong bài viết này.

Thú thực, bà Vẹn chỉ nhớ đúng cái tên của mình, tuyệt nhiên không nhớ họ. Ngày tháng năm sinh đối với bà cũng là một bài toán đố. Bà không nhớ gì ngoài cái tên Vẹn ngắn gọn như thế thôi. Ai hỏi gì thì hỏi, nói gì thì nói, đúng bà gật đầu, sai bà cũng chấp nhận. Muốn biết rõ về bà chúng tôi phải nhờ đến ông Nguyễn Ngọc Tâm, cháu gọi bà Vẹn là dì và người chị gái của bà Vẹn, năm nay 76 tuổi, bà Trần Thị Cam.

Bà Vẹn là con gái út của gia đình sinh đến 7 người con. Cái đói nghèo, bệnh tật lấy đi 2 người chị gái của bà Vẹn khi còn rất trẻ. Rồi thì bom đạn chiến tranh lại cướp đi sinh mạng 2 người anh trai của bà. Thế là, từ 7 anh chị em chỉ còn lại 3 người con gái. Khi trưởng thành 2 người chị gái đi lấy chồng. Còn bà Vẹn không được cái phúc phần ấy nên thui thủi trong ngôi nhà tồi tàn với mẹ đẻ cho đến khi mẹ bà cũng ra đi nốt.

Bà Trần Thị Vẹn

Nếu không có đêm ấy, tức là cái đêm năm 1981 thì mọi chuyện cũng chỉ có vậy, bi kịch của cuộc đời bà Vẹn cũng chỉ dừng ở điểm ấy. Bà sống với mẹ đẻ trong ngôi nhà gỗ lợp mái lá tồi tàn, xiêu vẹo. Nhà không có đồ đạc gì nên cũng chẳng cần đến cửa. Nửa đêm, gã trộm lẻn vào dễ như đi chơi. Lục lọi mãi không kiếm được gì gã bèn bế thốc người phụ nữ hơn gã đến gần chục tuổi ra bờ ao giờ trò đồi bại. Bà Vẹn biết, nhưng thây kệ.

Tôi nghe bà Trần Thị Cam kể, thì có thể không chỉ có cái đêm hôm ấy mà còn có những đêm sau nữa. Hễ nghe tiếng bước chân quen thuộc là bà Vẹn lại thức dậy, ra bờ ao. Bao nhiêu đêm không ai biết nhưng có một điều rõ nhất là bà Vẹn đã mang thai. Khi cái thai lớn, mọi người xúm lại tra hỏi thì bà Vẹn chỉ cười khúc khích rồi khai ra tên người tình ấy của bà. Biết được sự tình, đối phương cũng có ý định cưới bà về làm vợ, dù bà điên điên, dại dại nhưng dù gì cũng đã có thai. Nhưng chính mẹ của bà lại không đồng ý. Bà bảo, đành rằng con gái bà điên dại nhưng cũng không thể lấy kẻ sống bằng nghề ăn cắp. Thực vậy, chỉ ít lâu sau “người tình” của bà đi “tác nghiệp” ở Tuyên Quang, bị bắt, bị đánh. Khi tha về nhà được mấy bữa thì chết.

Tủ gỗ chứa quần áo

Kết quả của những đêm bên bờ ao là bà sinh ra một cô con gái. Đau đớn thay càng lớn cô gái càng giống bà, cũng điên dại và cũng chẳng biết được chuyện gì. Tên cô gái đó là Trần Thị Sen, tính đến nay cũng đã 30 tuổi.

Bi kịch của người điên

Sen lớn, vì điên nên không cần đi học. Một sở thích khác người là Sen chỉ thích mặc quần áo rách, rồi đi lang thang khắp làng. Ai bảo gì Sen làm đấy, cho bao nhiêu tiền lấy bấy nhiêu. Năm nay, Sen qua tuổi 30 lại cũng sống thui thủi với người mẹ già điên dại trong ngôi nhà không thể tồi tàn hơn.

Ông Tâm, cháu bà Vẹn đã 50 tuổi, mọi chuyện lớn nhỏ liên quan đến hai mẹ con bà Vẹn ông đứng ra lo hết. Chỉ duy có chuyện hằng tháng lên xã lấy tiền hỗ trợ hơn trăm ngàn đồng thì bà Vẹn nhất quyết không cho ai đi lấy thay. Mà bà Vẹn thì tuyệt nhiên không biết đồng tiền xanh đỏ mệnh giá bao nhiêu. Bởi bà không biết chữ, cũng không thuộc con số. Ông Tâm kể, cái đợt thay đổi tiền giấy sang tờ polime bà Vẹn cứ nằng nặc bảo đấy không phải là tiền. Cũng như bây giờ, con gái bà ra đường lượm một xấp tiền âm phủ họ rắc trong những đám tang ma để ra quán hàng mua…kẹo mút.

Năm nay Sen 30 tuổi. Trông thì cũng đẫy đà, trắng trẻo. Sen không thích mặc quần áo lành, rách mới chịu. Thậm chí, có đêm tồng ngồng mỗi cái quần lót ra đường. Nhiều lần, thấy xấu hổ thay với làng xóm ông Tâm lấy quần áo mới của con gái cho Sen mặc thì Sen quẳng ngay xuống cống nước.

Hơn 30 năm trước, cũng vì điên dại mà bà Vẹn hằng đêm lén lút ra bờ ao với kẻ trộm. Thế rồi sinh ra Sen lại càng điên dại hơn. 30 năm sau, Sen suốt ngày tồng ngồng đi ra đường, có bận đến sáng hôm sau mới chịu về. Ông Tâm sợ rằng bi kịch sẽ lại tái diễn. “Chỉ cần cho nó cái kẹo mút, bảo nó làm gì chẳng được”, ông Tâm nói. Sợ bi kịch ấy diễn ra, ông Tâm đã nghĩ ra cách là cho Sen đến bệnh viện để…triệt sản. Như thế thì Sen có ra bờ ao, bụi chuối với bất kì kẻ đốn mạt nào mua Sen bằng chiếc kẹo mút cũng chẳng sao, cũng không bao giờ có phiên bản tiếp theo của Sen. Tôi ngỏ ý muốn gặp Sen, ông Tâm cho người đi lùng sục khắp làng cũng không thấy Sen đâu. Ông Tâm vò đầu: “Chắc phải đêm nó mới về”. Bà Vẹn ngồi cạnh cười khềnh khệch nói ú ớ: “Cứ cho nó đi chơi”.

Ông Nguyễn Ngọc Tâm

Đợi Sen mãi không được, bà Vẹn dẫn tôi xuống thăm nhà. Ngôi nhà nhỏ 2 gian nằm sát nách nhà của ông Tâm. Hai gian nhà mỗi gian khoảng 4 mét vuông, thấp lè tè. Cái cửa gỗ được khóa bằng cái khóa lớn, bên ngoài lại chẹn mấy hòn đã cuội. Bà Vẹn vừa mở cửa mùi xú uế đã xộc thẳng vào mũi. Tôi thực lòng không thể tưởng tượng được đó là cái nhà hay cái chuồng trâu. Nền nhà bằng đất ẩm thấp, một phần tư không gian bị lấp đầy bởi củi rác. Cái tủ gỗ đựng quần áo trông thật thảm hại. Vô số những mảnh vải rách được cuộn tròn nhét vào cái tủ gỗ đã mục nát. Chiếc giường xiêu vẹo, không chăn, không chiếu, không màn mùng chỉ độc mỗi cái sạp. Kinh hãi hơn là cái gầm giường với hổ lốn đủ thứ trên đời. Nào củi, rơm rác, cái bát sứt, cái nồi méo, đôi dép rách và tiếng chuột bọ cắn nhau kêu chin chít.

Hai mẹ con bà ăn chung một cái bát sứt sẹo. Ăn xong, vứt chỏng chơ giữa nhà, không rửa để bữa sau ăn tiếp. Đũa không có, tôi hỏi thì bà Vẹn bảo đem nhóm bếp hết rồi. Mỗi ngày cũng chỉ ăn có một đến hai bữa nên bà Vẹn chẳng quan tâm đến chuyện bát đũa làm gì.

Tôi hỏi bà Vẹn đêm ngủ có bị muỗi đốt không? Nghe chừng tỉnh táo bà ú ớ: “Quạt suốt đêm, không thấy muỗi”. Nói tới quạt, trong nhà bà ngoài củi rác không thấy quạt máy đâu dù miền Bắc mấy ngày gần đây nóng như chảo rang. Hỏi ông Tâm, ông bảo: “Cả nhà tôi cũng chỉ có mỗi cái quạt. Bà Vẹn quạt tay thôi, mà quạt bằng cái nón mê rách ấy chứ”. Đêm nóng bà Vẹn phe phẩy nón mê còn Sen thì trần truồng đi đâu không biết.

Ngoài trời nắng như sắt nung khi tôi rời nhà bà Vẹn. Đi qua con ngõ nhỏ thấy cô gái đứng trần phơi nắng. Nghĩ là Sen, tôi toan dừng lại, nhưng chợt thôi. Bởi, những điều tôi thấy đã đủ buốt xót lắm rồi.

Box: Trước lúc đến tôi thực khó tưởng tượng ra cuộc sống của hai mẹ con bà Vẹn. Ông Tâm kể, có lần hai mẹ con bà dắt díu nhau đi kiếm ăn tận Tuyên Quang. May mắn ông tìm được khi mẹ con bà đói sắp chết dọc đường. Mấy mươi năm qua, hai người phụ nữ điên dại ấy vô thức chui ra, chui vào cái nhà như cái chuồng trâu ấy, đói khổ và vạ vật. Gia đình cũng có đến hai liệt sĩ nhưng cũng chẳng giúp được gì cho cuộc sống mẹ con bà. Chẳng phải chính quyền đã quá vô tâm sao?