Việc các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện một số cơ sở ở phía Nam chuyên kinh doanh, buôn bán thuốc kích thích tăng trọng cho lợn, đã khiến rất nhiều người tiêu dùng quay lưng lại với thịt lợn.
Sợ lợn “bẩn”
Chợ Đông Dư, ở xã Đông Dư (huyện Gia Lâm, Hà Nội) có hơn 10 bàn bán thịt lợn với mức tiêu thụ từ 500-600kg móc hàm/ngày. Nhưng mấy ngày gần đây, cả chợ chỉ còn 3 bàn bán thịt lợn.
Nhiều đàn lợn đã quá lứa, nhưng chưa thể xuất chuồng vì thông tin lợn “bẩn”.
Chị Hà - một người bán thịt nói: “Ế lắm em ạ, bình thường thịt vai, mông, thăn bán rất chạy, còn giờ dù đã hạ giá xuống còn 90.000-100.000 đồng/kg (trước đó là 100.000-120.000 đồng/kg), nhưng vẫn rất ít người mua”. Lý do, theo các tiểu thương ở đây là do người dân nghe nói có thịt tăng trọng, nên sợ không dám ăn nữa.
Theo quan sát của chúng tôi, trong cả buổi sáng 14.3, cứ 10 người vào chợ, thì chỉ có 1 - 2 người vào mua thịt lợn, với số lượng chỉ vài lạng/người. Chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Hạ, xã Đông Dư nói: “Bình thường, nhà tôi vẫn ăn thịt, nhưng khi nghe nói có thịt tăng trọng, cả nhà chuyển sang ăn cá hết, vì sợ ăn phải thịt bẩn bị ung thư”.
Tại chợ thị trấn Văn Giang (Hưng Yên), sức mua thịt lợn đã giảm so với trước đây từ 20-25%. Còn tại khu vực chợ Cầu Giấy (Hà Nội), thịt lợn mông sấn, mông đùi mức giá chỉ giảm tương đối nhẹ do nhu cầu tiêu thụ ở đây vẫn ở mức cao.
Người chăn nuôi lao đao
Trong khi các cơ quan chuyên môn đang “loay hoay” với chuyện xét nghiệm chất tăng trọng, thì hàng nghìn hộ dân nuôi lợn đã phải chịu hậu quả nặng nề. Ông Lăng Văn Tẩm, ở xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế (Bắc Giang) cho biết: “Nhà tôi nuôi 10 con lợn chủ yếu bằng cám gạo và rau. Hiện mỗi con đã hơn 60kg, đến kỳ xuất chuồng rồi, nhưng gọi 4 lái buôn vào họ xem lợn rồi lắc đầu không mua, vì sợ lợn ăn thuốc tăng trọng gì đó”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá lợn tại khu vực này đã giảm nhanh chóng, từ 62.000 đồng, nay xuống chỉ còn 56.000 đồng/kg lợn hơi, nhưng tiêu thụ vẫn chậm.
Tại khu vực giáp Hà Nội như Văn Giang, Văn Lâm (Hưng Yên), nhiều người chăn nuôi lợn cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Bà Đàm Thị Bách, ở xã Xuân Quan (Văn Giang) bức xúc nói: “Chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng sớm tìm ra những kẻ làm ăn gian dối để giúp những người chăn nuôi lương thiện như chúng tôi không bị liên lụy như thế này”.
Hiện gia đình bà Bách có 200 con lợn, trong đó có vài chục con có thể xuất chuồng, bây giờ bán rất khó khăn. Anh Nguyễn Văn Tứ ở xã Đông Dư (Gia Lâm), hiện đang nuôi 20 con lợn bằng bỗng rượu (hèm) gay gắt nói: “Nuôi lợn chỉ có 3 - 4 tháng đã xuất chuồng, mà lại siêu nạc nữa thì đúng là làm ăn gian dối quá. Chính những đối tượng như thế đã làm hại chúng tôi”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng mới phát hiện được chất cấm dùng trong chăn nuôi lợn ở một số tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, thông tin này đã khiến giá thịt lợn ở nhiều nơi trong cả nước giảm từ 10-15%. Nhiều người tiêu dùng đang quay lưng lại với thịt lợn”.