Tết Nguyên Đán đến gần, để có tiền giúp đỡ gia đình cũng như phục vụ nhu cầu của bản thân, nhiều bạn sinh viên đã tranh thủ những ngày cuối năm tìm việc làm thêm thời vụ.
Nhưng cũng có nhiều bạn “có gan làm giàu” đã tự mình kinh doanh hàng Tết với suy nghĩ vừa chủ động, tự lập, vừa có thu nhập cao lại vừa tạo được mối quan hệ, tích lũy kinh nghiệm cho ngành nghề của mình sau này.
Và thế là, đủ các mặt hàng “trên trời, dưới đất”, từ hoa, quả, mứt Tết cho đến những bó miến dong, hải sản… đều được các “con buôn” sinh viên chọn làm mặt hàng kinh doanh.
Mơ đang chăm sóc cây thủy tiên
Từ hàng nhập…
Trong số các mặt hàng bán cho dịp Tết thì hoa là lựa chọn đầu tiên của nhiều bạn sinh viên. Bởi hầu hết các bạn đều nghĩ rằng, buôn hoa không cần đầu tư nhiều vốn, không cần cửa hàng to mà vẫn thu được lãi cao, hơn nữa, đây lại là mặt hàng tiêu thụ rất cao trong dịp Tết.
Các sản phẩm hoa được sinh viên kinh doanh cũng rất đa dạng, từ hoa tươi, chậu hoa cảnh nhỏ cho đến hoa giấy, hoa giả tự chế…
Năm ngoái, Lê Thủy (sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội) tranh thủ cùng người yêu “cá kiếm” dịp Tết bằng cách kinh doanh hoa tươi. Thủy tìm đến vườn hoa Mê Linh và Tây Tựu (Hà Nội) để nhập các loại hoa như hoa hồng, hoa cúc, hoa ly, lay ơn… sau đó đem về chợ Thành Công bán.
Thủy chia sẻ, trước khi quyết định buôn hoa đã phải tìm hiểu rất nhiều về cách chọn hoa, bó hoa, giữ cho hoa tươi… Cô bạn cùng người yêu thường xuyên phải dậy từ 2, 3 giờ sáng đến điểm lấy hoa, sau đó chuyển về chợ thật sớm để giữ chỗ. “Ngồi bán hoa như ngồi trên đống lửa, vì sợ trời nắng hoa nở sớm. Chưa kể không bán hết hàng thì chỉ còn cách đổ bỏ” – Thủy chia sẻ.
Bạn Nguyễn Thị Mơ (sinh viên năm cuối trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) lại chọn chậu hoa, cây cảnh làm mặt hàng kinh doanh dịp Tết. Các sản phẩm chủ yếu là củ hoa tulip, hoa tiên ông, thủy tiên và dâu tây.
Mơ cho biết: “Mình cùng một bạn nữa sang tận Từ Sơn, Bắc Ninh lấy hàng về Hà Nội bán. Bạn mình thì đi lấy hàng và ship hàng cho khách, còn mình thì trực online đăng bài và trả lời khách hàng. Những ngày đầu tiên giao bán củ hoa, nhiều người e ngại sợ trồng rồi hoa không nở, chúng mình phải trồng thử và cho đến khi ra hoa mới tự tin giới thiệu và khách hàng mới tin tưởng đặt mua. Dần dần rồi thành thương hiệu, có khách hàng vui vì chậu cây cho hoa đẹp còn giới thiệu thêm người quen đặt mua”.
Theo học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam với nhiều ruộng đồng hoa, khá thuận lợi trong việc tìm kiếm mối để lấy cây hoa, chậu cảnh bạn Trần Văn Hỡi (sinh viên năm 3) cũng bắt đầu thực hiện kế hoạch kinh doanh hoa, chậu cảnh vào dịp gần Tết qua mạng Facebook.
Hỡi chia sẻ: “Ban đầu mình có ý định tìm một số bạn để chung vốn kinh doanh nhưng do ý tưởng không hợp nhau nên mình quyết định tự thực hiện một mình. Công việc tuy vất vả hơn nhưng bù lại mình được chủ động về thời gian, có trách nhiệm với công việc hơn”.
Mỗi chậu ly lùn Hỡi bán với giá 170.000 đồng
“Bán hàng Tết thì mình chỉ tập trung vào cây cảnh, cây hoa theo nhu cầu của khách hàng, mà cũng chỉ bán trong một thời gian ngắn khoảng một tháng trước Tết chủ yếu là là hoa Ly 170.000/ chậu. Còn sau đó mình sẽ bán cây, hoa bốn mùa khi có lượng khách hàng quen” – Hỡi chia sẻ thêm.
Hỡi mới kinh doanh nên thu lãi chưa cao. Bạn cho biết rằng, đây là công việc bản thân yêu thích, làm để tích lũy kinh nghiệm kinh doanh sau này. Cũng hi vọng bắt đầu tìm được những khách hàng, thị trường, quảng cáo để sau này thực hiện ý tưởng lớn hơn đang ấp ủ.
… đến hàng tự chế
Từng thất bại bởi buôn hoa tươi, năm nay bạn Nguyễn Giang (sinh năm 1994, sinh viên trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh) đã chọn hoa pha lê tự chế làm mặt hàng kinh doanh dịp Tết. Giang cho biết, hoa giả không lo bị héo, tàn lại để được lâu, dù có ế cũng không lo lỗ. Hơn nữa, vài năm gần đây, người dân rất chuộng hoa giả nên việc tiêu thụ cũng dễ hơn.
Vốn dĩ khéo léo, Giang đã mua những nguyên liệu như đá pha lê, giấy, bình hoa… rồi tự làm ra những chậu hoa pha lê đẹp mắt và độc đáo. Theo như Giang nói, mỗi cây hoa pha lê Giang làm ra đều có “thế” đặc biệt và mang một ý nghĩa riêng. Đôi khi là cô bạn tự nghĩ ra ý tưởng, đôi khi là khách hàng đặt.
Nguyễn Giang lựa chọn hoa pha lê "tự chế" làm mặt hàng kinh doanh dịp Tết
Giang cần 2 đến 3 ngày để làm xong một chậu hoa pha lê. Tùy vào thế cây, độ to nhỏ, phức tạp mà giá của các cây khác nhau, dao động từ 500 đến 1 triệu. Giang cho biết, giá sản phẩm cao như vậy nhưng nguyên liệu cũng khá đắt nên không thu được lãi cao như mọi người nghĩ.
Không chỉ làm hoa giả, nữ sinh viên trường dược còn làm mứt Tết để bán. Giang học cách làm mứt trên mạng, sau đó mua nguyên liệu về làm thử. Thấy sản phẩm có vẻ ổn, Giang cho đóng gói rồi rao bán với giá 80 đến 120 nghìn đồng/hộp. Sản phẩm của Giang được bạn bè nhiệt tình ủng hộ bởi vừa ngon, rẻ hơn so với giá thị trường lại vừa an toàn.
Không những vậy, nhiều bạn sinh viên còn buôn quần áo, giày dép dịp Tết. Nhưng bởi mặt hàng này cần số vốn lớn nên không phải bạn sinh viên nào cũng có thể buôn.
Cây hoa pha lê này được Giang giao bán với giá 1,5 triệu
Nhưng có một mặt hàng vừa quý, vừa hiếm vừa đắt hàng đó chính là đặc sản vùng miền. Tận dụng lợi thế mỗi vùng có một đặc sản riêng, các bạn sinh viên đã chọn được cho mình mặt hàng kinh doanh độc và quý, không cần phải cạnh tranh với nhiều con buôn khác.
Có những bạn sinh viên ở Hà Nội còn nảy ra ý tưởng kinh doanh độc đáo đó là “bán muối đầu năm”. Nghe có vẻ kỳ lạ và cực khổ, nhưng đây lại là mặt hàng kinh doanh giúp các sinh viên “hốt bạc”. Nhiều bạn vừa đi chơi giao thừa vừa cầm những giỏ quà đựng muối rao bán. Ai cũng muốn mua muối đầu năm lấy may nên mặt hàng này bán rất chạy và thu lãi cao.
Bằng sự sáng tạo và năng động của mình, nhiều bạn sinh viên đã nghĩ ra đủ các mặt hàng kinh doanh dịp Tết. Dù là kinh doanh thời vụ, có thể lãi, có thể lỗ, nhưng các bạn cũng đã có được những trải nghiệm thú vị khi đóng vai những “con buôn” thực thụ.
***
Chuyện sinh viên tranh thủ ngày lễ để đi làm thêm, buôn bán dịp Tết kiếm tiền không phải chuyện hiếm. Trong vài năm trở lại đây, với sự nhanh nhạy của mình, nhiều bạn sinh viên đã tận dụng được đặc sản của quê hương và mang lên thành phố, giới thiệu với người thân bạn bè. Tuy nhiên, chuyện sinh viên chưa từng có kinh nghiệm kinh doanh nên khi trở thành "con buôn" cũng gặp không ít tình huống bi hài. Mời các bạn hãy theo dõi phần tiếp theo "Sinh viên mang "quê" lên thành phố" vào lúc 0h00 ngày 31/1/2015.