Hay nói cách khác là chiêu cạnh tranh giữa các nhà mạng để phát triển thuê bao mới và giành giật khách hàng của nhau – cũng không còn hữu dụng.
Có thể vì lợi ích giá cước rẻ, người dùng sẽ tạm mua sim cỏ để tiết kiệm tiền, nhưng sau khi dùng hết số tài khoản có sẵn, chiếc sim sẽ lập tức bị vứt bỏ, và nhà mạng cũng không giữ chân được khách hàng.
Thay vào đó, các nhà mạng đã phải chuyển sang cạnh tranh bằng các hình thức khuyến mại khi nạp tiền thẻ cào, cũng như khuyến cáo khách hàng phải đăng ký thông tin thuê bao chính xác và đầy đủ. Điều này vô cùng quan trọng với các nhà mạng bởi nếu tỉ lệ khách hàng không đăng ký thông tin hoặc thông tin sai quá lớn, nhà mạng sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất trắng hàng triệu thuê bao khi Thông tư 04/2012 về Quản lý thuê bao di động trả trước (vừa được Bộ TT&TT ban hành) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2012.
Theo quy định của thông tư 04, do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và được áp dụng bắt đầu từ ngày 1/6, khách hàng viễn thông không được dùng chứng minh thư, hộ chiếu để đăng ký thông tin cá nhân hộ người khác. Đồng thời, thông tư này cũng cấm kích hoạt dịch vụ di động trả trước khi chính chủ chưa đăng ký thông tin theo quy định.
Từ 1/6, thông tư về quản lý thuê bao di động trả trước của Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu có hiệu lực. Hình minh họa.
Nếu chủ thuê bao có sim đã kích hoạt, chuyển quyền sử dụng cho người khác thì người nhận phải đăng ký lại thông tin thuê bao chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận chuyển quyền.
Từ 1/6, thông tư về quản lý thuê bao di động trả trước của Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu có hiệu lực. Quy định đưa ra nhằm quản lý tình trạng tin nhắn rác, lừa đảo đang hoành hành.
Theo dự báo của cơ quan chức năng, khi thông tư lần này có hiệu lực và được triển khai triệt để, số lượng thuê bao trả trước của các nhà mạng sẽ sụt giảm khá mạnh và đưa thị trường trở về trạng thái thực. Đồng thời, việc siết chặt quản lý thuê bao trả trước sẽ góp phần tiết kiệm kho tài nguyên số, giúp nhà mạng thu hồi lại các sim ảo đang bị chiếm dụng bởi đại lý và giới buôn chuyên “găm” sim, “thổi giá”.
Trước đó, Bộ đã nhiều lần ban hành các quy định, thông tư về quản lý thuê bao di động. Cụ thể, tất cả khách hàng phải đăng ký thông tin cá nhân khi mua và kích hoạt sim, nhà mạng thu hồi số di động có thông tin ảo hoặc khống hay một thuê bao không được sở hữu quá 18 sim di động...
Tuy nhiên, trong thời gian qua, các đại lý vẫn tìm cách "lách" để khách hàng không cần khai báo thông tin cũng có thể mua bán sim một cách dễ dàng. Cùng đó, do sức ép của “cuộc chiến” phát triển thị trường, tăng thuê bao, các nhà mạng liên tục đưa ra những chương trình khuyến mãi rầm rộ, dẫn đến thực trạng một người sở hữu đến cả chục số sim rác.
Hệ quả là hàng loạt tiêu cực đã nảy sinh từ thuê báo rác như: tin nhắn rác, tin quảng cáo, khuyến mãi lừa đảo, dung tục, mê tín dị đoan, cờ bạc, thậm chí là đe dọa, khủng bố... Bên cạnh đó là nạn hoành hành của các đối tượng trộm cước viễn thông - nhất là trộm cước viễn thông quốc tế (chuyển cuộc gọi từ nước ngoài thành cuộc gọi trong nước), trong đó đa số đối tượng trộm cước đều sử dụng sim “vô chủ” để thực hiện…
Trước đây, vì giá cước cao và các chính sách khuyến mãi phát triển thuê bao của nhà mạng, người dùng di động tại Việt Nam đã phải thích nghi bằng cách “thay sim như thay áo”. Tuy nhiên, khi việc phát triển thuê bao mới đã trở nên bão hòa, cơ quan chức năng siết chặt việc quản lý thông tin chủ thuê bao di động trả trước, các nhà mạng cũng không còn nhìn thấy nhiều lợi ích từ việc khuyến mại sim rác.
Thay vào đó, việc chăm sóc khách hàng, cung cấp dịch vụ tốt để giữ chân thuê bao đang trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà mạng. Việc duy trì số thuê bao ổn định cũng là nhu cầu chính đáng mà người dùng di động đang cần được đáp ứng. Vì thế, có thể thấy trào lưu sử dụng sim cỏ, sim rác đã đến lúc thoái trào.