Mỗi khi nghe đứa con trai 6 tuổi nói “ba ở tù, rứa là ba không ngoan”, anh Trần Duy Cư (SN 1969, ngụ thôn Thủy Thanh Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) lại trào dâng nỗi ân hận. Thời tuổi trẻ tươi sáng bị chính anh nông nổi đánh mất. Những tháng ngày phiêu bạt, ăn chơi trác táng khiến anh nhiều lần vào tù ra khám. Người mẹ già khóc hết nước mắt vì anh. Rồi người thân quay lưng, xem anh như một nghiệp chướng của dòng họ.
Sau những năm tháng dài ngồi trong nhà giam, anh mang nỗi mặc cảm, tự ti khi trở về cuộc sống. Ý nghĩ tương lai đời mình đã hoàn toàn khép lại cứ ám ảnh anh trong từng giấc ngủ. Nhưng rồi anh nhận ra, cuộc đời này vẫn bao dung với những ai biết quay đầu. Anh nhận ra mình vẫn còn cơ hội, nó phụ thuộc hoàn toàn vào nghị lực vươn lên của chính mỗi người.
“Nghiệp chướng của dòng họ”
Người đàn ông dáng vẻ gầy ốm, gương mặt xương xẩu, bước đi xiêu vẹo vì một chân bị bó bột. Dù đau, đi lại khó khăn nhưng anh di chuyển liên tục trong căn bếp nhỏ. Anh kể mình vừa gặp tai nạn giao thông trong một lần đi mua hàng. Công việc bận rộn của người đầu bếp khiến anh bận bịu chân tay suốt, chẳng được nghỉ ngơi. “Khách đến quán tui, họ biết tui không nấu, họ mô có chịu ăn”, người đàn ông nói xen lẫn vẻ tự hào.
Sinh ra trong gia đình đông anh em khiến Cư phải sớm ra đời mưu sinh. Những tháng ngày bươn chải kiếm sống khiến chàng thanh niên tiêm nhiễm không ít thói xấu. Năm 20 tuổi, anh Cư tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau mấy năm trong quân đội, ngày đón con trai trở về, nhìn vẻ chững chạc dày dặn của Cư, người mẹ mừng đến rơi nước mắt. Bà cứ nghĩ, đã đến lúc con trai tạo dựng tương lai sự nghiệp, cưới vợ sinh con để bà có cháu ẵm bồng. Vậy mà…
Ai ngờ Cư lao vào ăn chơi, rồi nghiện cờ bạc. Những cuộc vui thâu đêm suốt sáng của chàng thanh niên trẻ khiến người mẹ già bao lần khóc hết nước mắt. Những năm tháng tôi rèn trong quân ngũ chẳng khiến Cư bớt lêu lổng. Nhiều lần khát bạc, Cư dạt nhà, vào tận những sới bạc trong Đà Nẵng để thỏa máu đỏ đen. Chơi lắm cũng có lúc hết tiền. Cư bắt đầu “nhòm ngó” đến tài sản người khác. Hàng loạt vụ trộm cắp đã được Cư thực hiện trót lọt.
Vào tháng 7/1995, Cư đột nhập vào một nhà giàu khét tiếng tại Huế, bẻ khóa két sắt, lấy trộm hàng chục cây vàng. Vụ việc bại lộ. Cư bị bắt, truy tố về tội “trộm cắp tài sản”. Trong thời gian bị tạm giam chờ ngày vụ án xét xử, Cư đục tường trốn trại, nhưng sau đó lại bị bắt. Với hai tội danh “trộm cắp tài sản” và “trốn khỏi nơi giam giữ”, Cư bị tuyên phạt 10 năm tù.
“Có những sai lầm đôi khi có thể sửa chữa được. Nhưng những lầm lỗi của tui thì không. Thời trai trẻ bị tui đánh mất, không thể tìm kiếm lại được. Nhưng điều làm tui ân hận nhất, chính là không được nhìn mặt cha lần cuối. Không được về chịu tang cha để làm trọn chữ hiếu khi cha lìa đời”, giọng người đàn ông trầm ngâm khi nhắc lại chuyện cũ. Mẹ anh Cư kể, năm đó, khi con trai thụ án ở trại giam, nhà lại nghèo, đường xa, đi lại tốn kém, nên lâu lâu bà mới khăn gói vào thăm con một lần. “Hồi đầu những năm 1990, cuộc sống cực khổ lắm. Ở nhà còn khổ huống chi trong tù. Lần đó tui lặn lội vào trại thăm con. Về nhà kể lại cho chồng nghe. Nào ngờ ông lên tăng xông, đột quỵ. Ngày hôm sau thì mất. Ông sợ thằng Cư không sống sót trở về. Ai ngờ, ông lại ra đi trước cả con trai”, bà nói bằng giọng rầu rầu.
Những năm tháng con trai chấp hành án, gia đình bà dường như bị mọi người “tẩy chay”. Hàng xóm làng giềng ai cũng “né”, chẳng ai muốn đặt chân đến nhà bà. Ngay cả người thân trong dòng họ cũng “lơ”, xem Cư như là “nghiệp chướng”, kẻ đã làm nhơ nhuốc dòng tộc.
Mỗi lần đón mẹ vào thăm, chàng trai lại rớt nước mắt. Cứ nghĩ lỗi lầm của bản thân không chỉ khiến đời mình vấy bẩn, mà còn làm cả gia đình lao đao. Mẹ già phải mòn mỏi bới xách, khóc con đến cạn nước mắt. Những ngày chấp hành án trong trại giam đã khiến Cư suy nghĩ nhiều. Anh kể, trong thời gian thụ án, anh luôn được các cán bộ trại giam quan tâm, động viên, chỉ dạy điều hay lẽ phải. Nhờ vậy anh dần nhận ra những sai lầm mà trước đó do tuổi trẻ nông nổi không nhận ra. Sự nỗ lực cố gắng lao động, cải tạo của anh cuối cùng được đền bù bằng việc được giảm án trước thời hạn. Năm 2004, anh được đặc xá, trở về địa phương, làm lại cuộc đời.
Vượt qua lỗi lầm
“Hồi mới ra tù, người ta kỳ thị lắm. Nhiều khi thấy mình, họ còn đi tránh. Đôi lúc không vượt qua được nỗi mặc cảm, tui lại muốn lao vào men rượu để quên đi mọi thứ. Nhưng rồi nghĩ, mình đã sai, không lẽ bây giờ vẫn theo vết xe cũ. Tui lại gồng mình lên, cố gắng vượt qua”, anh Cư chia sẻ.
Sau ngày ra tù, anh trải qua rất nhiều nghề, từ bán vé số cho đến làm thuê làm mướn kiếm sống. Nhưng thấy thu nhập chẳng được bao nhiêu, anh bỏ hết, quyết tìm đường kinh doanh. Thông qua mô hình “cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương”, anh Cư đã được địa phương hỗ trợ vốn 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Sau gần 10 năm miệt mài lao động, giờ đây anh đã tạo dựng được cơ ngơi khiến nhiều người thán phục. Ngoài việc kinh doanh nhà hàng, anh còn mở trang trại, đào ao thả cá để phục vụ kinh doanh. Ngoài lợi nhuận thu về mỗi năm hàng trăm triệu đồng, anh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Nhà hàng của anh nằm trên một gò đất bên sông. Phía trước là con sông uốn lượn chảy qua. Phía sau được bao bọc bởi những cánh đồng xanh mướt. Ngày trước, gò đất này có một gia đình dựng nhà sinh sống. Nhưng đến mùa lũ, nước tràn qua lại cuốn mất. Không chịu nổi cảnh mỗi năm phải dựng nhà mới, gia đình kia cuốn gói bỏ đi. Khu đất nhỏ bị bỏ hoang từ ngày đó, lau sậy mọc um tùm. Ý tưởng xây dựng một nhà hàng trên gò đất hoang ấy, rồi đào ao thả cá, trồng sen, tạo nên khu du lịch sinh thái với phong cảnh hữu tình khiến anh Cư hồ hởi bắt tay vào thực hiện. Sau khi được chính quyền cho phép sử dụng khu đất, anh ngày đêm gò lưng đổ đất, đắp bờ. Suốt gần ba tháng trời, ngày cũng như đêm, anh chở đất đến gò hoang, đắp cao. Nhiều người khi đi ngang qua cứ nhìn anh tủm tỉm cười. Họ nghĩ anh bị khùng. Sau nhiều cố gắng, cái quán nhỏ cũng được dựng nên. “Lúc đầu cũng lao đao lắm. Mỗi năm nước lụt tràn qua, quán lại hư hại, phải tốn tiền tu bổ. Buôn bán được bao nhiêu đồng lời, tui lại đắp vào quán, sửa sang, xây dựng. Chừ hắn mới được như ri”, anh nói.
Bây giờ, cái quán ăn nhỏ ngày nào đã khang trang rất nhiều. Những giàn hoa giấy phía trước cổng nở hoa quanh năm, yểu điệu soi bóng xuống dòng sông. Mùa hè, những đóa sen hồng quanh quán thi nhau khoe sắc, tỏa hương. Mùa đông, nước quanh hồ lấp sấp, du khách vừa ngồi nhâm nhi các đặc sản của quán, vừa thư thái ngắm những đàn cá tung tăng bơi lội quanh hồ. Người chủ quán hồ hởi khoe, anh là đầu bếp chính của quán. Nghề này được anh học trong những năm tháng sống trong trại giam.
Trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, chàng thanh niên nông nổi ngày nào giờ đã trầm tĩnh hơn rất nhiều. Anh bảo, có lẽ vì những sai lầm của tuổi trẻ, nên đường tình duyên của mình cũng lận đận theo. Phải qua đến 4 lần “đò”, anh mới tìm được hạnh phúc. Người cha của hai đứa trẻ tâm sự trong ân hận: “Mỗi lần con tui nghe người khác chọc, “ba mi hồi trước đi tù”, nó lại xịu mặt xuống. Nhìn gương mặt buồn thiu của con trai, tui càng ân hận về những sai lầm trong quá khứ. Tui tâm niệm, mình phải cố gắng thật nhiều, để trở thành niềm tự hào của các con. Và những sai lầm thời quá khứ không còn là nỗi ám ảnh trong tâm hồn của những đứa con”.