Showbiz Việt và nỗi lòng ca sĩ hát lót

Hấp lực từ sân khấu biểu diễn đầy ánh đèn, những tràng vỗ tay của khán giả cùng cơ hội đổi đời khi mang đến danh tiếng, tiền bạc... bao người nuôi mộng cầm mic.

Thời gian qua, cùng với sự phát triển của nhạc trẻ, các cuộc thi nở rộ đã đem lại danh tiếng và thu nhập cao cho khá nhiều gương mặt ca sĩ trẻ. Thành công của Bảo Thy, Wanbi Tuấn Anh, Noo Phước Thịnh, Ngô Kiến Huy, Uyên Linh, Văn Mai Hương... đã trở thành mội cái đích hướng tới đối với không ít những bạn trẻ có trong mình niềm yêu thích đối với nghệ thuật. Tuy nhiên, đối với nghề hát, bên cạnh ma lực đầy hấp dẫn của thứ hào quang danh vọng, thì để đi tới với thành công còn cần phải có rất nhiều những yếu tố mà không phải chỉ cần có khả năng, niềm đam mê hay lòng quyết tâm là có thể với tới.

Thị trường âm nhạc rộng lớn, số ca sĩ trẻ được xem là nổi tiếng cũng khá nhiều nhưng nếu đem so với thực tế số lượngđang làm nghề với vị trí hát lót, hát đệm ở những sân khấu, những sô diễn tỉnh thì xem ra chỉ là... muỗi. Thực tế không có màu hồng và nó nghiệt ngã hơn rất nhiều so với những gì bạn có thể hình dung.

Cũng vào nghề bằng "niềm đam mê với nghệ thuật" và một mong ước đổi đời, các ca sĩ hát lót là người mới, hoặc có người thâm niên tới cả chục năm mà không nổi tiếng. Nếu ca sĩ ngôi sao được khán giả tung hô, hưởng ứng thì trên sân khấu người hát lót chỉ là vật thế thân, thậm chí phải chịu nhiều cay đắng, tủi nhục phía sau hậu trường.

Hình ảnh thành công của Bảo Thy là một cái đích đến đáng mơ ước của khá nhiều bạn trẻ

Cơ hội xuất hiện trên truyền hình hay ở những chương trình biểu diễn lớn của họ hầu như chỉ được đếm trên đầu ngón tay. "Địa bàn hoạt động" của họ là những đoàn ca nhạc diễn tỉnh xa, khu vực miền Tây, miền Trung... Ở những sô diễn này, giá vé rất rẻ, chỉ khoảng dăm ba chục ngàn đồng nên mỗi đêm chỉ cần một "ngôi sao", còn lại đều là những ca sĩ hát lót để lấp cho đầy một chương trình biểu diễn.

Ca sĩ hát lót hiếm khi được khán giả hoan nghênh. Họ không phản đối đã là may mắn lắm rồi. Thế nên, dạng ca sĩ này chỉ hát theo yêu cầu của bầu sô chứ không phải theo yêu cầu của khán giả. Mỗi ca sĩ hát lót khi bước ra sân khấu đều phải trang bị bộ mặt chai lạnh, không cần nghe khán giả phản ứng, cứ hát đúng số lượng bài được chỉ đạo, phụ thuộc vào sự xuất hiện sớm hay muộn của các "sao". Có điều, họ thường ít khi lipsync và hát rất khoẻ, có khi tới 7, 8 bài để "câu giờ".

Thành công của những ca sĩ nổi danh nhờ vào một vài chiêu thức lăng-xê cũng như tiềm lực tài chính của bầu sô đã khiến cho không ít bạn trẻ có quan niệm hoàn toàn sai lầm về nghề hát. Dường như đối với họ, khái niệm về một ca sĩ buộc phải qua một trường lớp đào tạo bài bản đã... xưa rồi. Với họ, ca sĩ hôm nay nếu không nhờ một scandal "dậy sóng" trong dư luận thì chỉ cần có ngoại hình đẹp, được PR chu đáo và một tiềm lực tài chính ổn là có thể đi tới vinh quang.

Thực tế, để trở thành ca sĩ, không phải chỉ đơn giản là biết hát. Theo nghề hát là một con đường thực sự gian truân và đòi hỏi rất nhiều yếu tố mới có thể đi đến thành công, mà trong đó, may mắn chiếm một phần rất lớn. Showbiz Việt từng ghi nhận một vài trường hợp "nổi tiếng chỉ sau một đêm", nhưng con số ấy để thống kê thì hoạ may cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều người vẫn luôn ca thán, chúng ta hiện nay đang bão hoà các ngôi sao. Nhưng không phải vậy. Thứ mà V-pop đang có nhiều là những ca sĩ không được xếp hạng - những ca sĩ hát lót.

Để có cơ hội xuất hiện trên những sân khấu lớn và trở thành một ngôi sao như bây giờ, Lệ Quyên cũng từng trải qua quãng thời gian làm ca sĩ hát lót. Cô hiểu những cay đắng, tủi nhục của giai đoạn này.

Thời buổi vật giá leo thang, chi phí sinh hoạt cho cá nhân ngày càng đắt đỏ nhưng thu nhập của một ca sĩ trẻ mới chân ướt chân ráo bước vào nghề quả thật thảm hại. Cũng ở vị trí hát lót, một ca sĩ trẻ vào nghề cũng được 2 năm chia sẻ: “Ở thành phố thì hai ngày cuối tuần, trung bình tụi em chạy một đêm 2 điểm diễn, để kiếm 400 ngàn. Nếu siêng thì chạy ra ngoại ô kiếm thêm 300 ngàn nữa. Mỗi tháng đều đặn như vậy kiếm được 3 - 4 triệu. Trừ đi các khoản xăng xe, áo quần, son phấn thì còn được gần 2 triệu để trang trải cho cuộc sống hàng ngày”.

Quả thật, từ những chương trình hội chợ xổ số cho tới sân khấu ca nhạc thường trực thì thu nhập của họ cũng chỉ giao động từ vài chục cho đến 200 ngàn. Nếu bầu sô có kết hợp thêm một vài điểm diễn khác gần đó thì "luật bất thành văn" là lương giảm nửa giá. Một hội chợ xổ số trung bình ở tỉnh kéo dài 3 đến 10 ngày, mỗi đêm đều có một “ngôi sao trẻ", lương được xếp vào dạng "tạm được" là 500 - 700 ngàn/đêm. Cứ như vậy sau chuỗi ngày vạ vật thì cũng kiếm được 2 - 3 triệu sau khi đã trừ mọi chi phí đi lại, ăn ở.Thế nhưng được đứng trên sân khấu cũng là quá tốt rồi.

Đã từng là ca sĩ hát lót thì không thể tránh được trường hợp ngồi đợi dài cổ mà vẫn không được lên sân khấu. Như D. N. - một ông bầu lão làng trong các sô diễn tỉnh, thường có thói quen gọi rất nhiều ca sĩ trẻ để dự phòng. Nghĩa là lỡ "sao" có đến trễ thì được lên sân khấu lấp chỗ trống, còn không thì ngậm ngùi ra về với 50 ngàn bồi dưỡng, coi như tiền xăng xe đi lại. Chưa kể, nếu ca sĩ ngôi sao huỷ sô thì coi như phải lãnh đủ các màn giận dữ của khán giả với gạch, ngói, rác...

Ở TP.HCM, diễn ở những tụ điểm sáng đèn hàng đêm như sân khấu Cầu Vồng 126, Trống Đồng... thì đa phần cát-sê được hưởng theo mức "giá nhà nước" từ 100 ngàn đến 150 ngàn cho 3 bài. Vậy nên đừng cười mỉa mai nếu nghe họ nói rằng "hát để phục vụ khán giả là chính". Đó là chưa tính không ít biên tập ở một vài sân khấu lợi dụng các ca sĩ chưa có tên tuổi, bắt họ "đóng phí" để được có chân trong chương trình. Thường là vài triệu - bằng cả tháng thu nhập chạy sô.

Những tụ điểm ca nhạc cao cấp hơn một chút như bar MTV hay Điểm hẹn Sài Gòn thì lương dễ thở hơn một chút, dao động từ 300 - 500 ngàn/đêm. Nhưng chen chân vào cũng không phải dễ, thậm chí. Đụng phải vài bầu sô, biên tập vô lương tâm, ngoài việc phải "đóng tiền để được hát" thì còn chuẩn bị tinh thần đón nhận "lời đề nghị khiếm nhã". Đồng ý thì được hát, hoặc vĩnh viễn không xuất hiện tại nơi này. Bắt chẹt đến vậy nhưng ngay cả tiền lương mỗi đêm, ca sĩ hát lót cũng thường xuyên bị ăn chặn. "Chẳng đáng là bao nhưng 100 ngàn cũng bị cắt mất một nửa gọi là "làm quen" khi hát ở M." - một nữ ca sĩ nay đã chuyển sang công việc bán bảo hiểm than thở.

Được đứng trên sân khấu lớn với sự hưởng ứng của hàng ngàn khán giả bên dưới luôn là ước mơ của nhiều ca sĩ hát lót. Nhưng là một ước mơ... xa tầm với.

Một ca sĩ tuổi tròn trèm 30 tuổi, với hơn 4 năm trong nghề tâm sự: “Tôi phát hành  album vol. 4 rồi mà danh tiếng chẳng thấy, chỉ hao tiền đầu tư. Buồn quá, về lại nghề cũ là nhân viên ngân hàng lương cũng tạm 7 đến 8 triệu một tháng, rồi lấy đó mà nuôi nghề hát. Bộ đồ mặc trên người may gần 1,5 triệu, mà đi hát show chỉ được 200 ngàn một đêm. Trang phục cũng chỉ dám mặc đến lần thứ 4 là cất đi vì sợ khán giả chê cũ”. Thế nhưng họ vẫn nuôi trong mình một mong mỏi "cố gắng biết đâu sẽ có ngày được đổi đời để mà thành ngôi sao như Đàm Vĩnh Hưng" - mong mỏi mà người bên ngoài nhìn vào sẽ chỉ phán cho hai chữ "mù quáng".

Giấc mơ biết bao giờ mới thành hiện thực?

Có trường hợp của một nữ ca sĩ, ngoại hình cũng chỉ xếp ở mức trung bình, chất giọng tạm ổn vì vốn là cô giáo dạy nhạc ở một trường tiểu học. Cô "yêu nghề hát nhưng vì gia đình không có điều kiện" nên ráng đi dạy vài năm, dành dụm để hy vọng ra được một album xem như "giấy phép thông hành". So đi tính lại cũng chỉ được một nửa, cô năn nỉ mẹcầm cố ngôi nhà vay tiền ngân hàng để hỗ trợ nốt phần còn lại. Đến khi cầm được cái trong tay thì cũng năng nổ đi hát nhưng thu nhập cũng chẳng khá hơn là bao. Không có được ngoại hình sáng như nhiều đồng nghiệp, cô thường bị từ chối thẳng thừng hoặc buộc phải chấp nhận giảm lương để có sô. Mỗi tháng, nghĩ đến chi phí sinh hoạt và tiền lãi ngân hàng là lại... chóng mặt. Đến bây giờ cô đã bỏ hẳn luôn nghề dạy hát để miệt mài theo các đoàn đi từ tỉnh này đến tỉnh nọ biểu diễn. Và cô vẫn mong ước rồi sẽ có một ngày được đổi đời...