Tượng đài đích thực
Bình thường người ta nói đến trận chung kết trong mơ giữa hai tay vợt số 1 và số 2 thế giới nhưng trận chung kết giải Madrid Open 2012 lại là một ngoại lệ. Trên website của WTA đã dùng chữ “Dream Final In Madrid” khi Victoria Azarenka, tay vợt số 1 thế giới và Serena Williams, tay vợt số 9 thế giới. WTA đã nhầm?
Hoàn toàn không phải. Có vẻ như tất cả đang chờ đợi liệu Azarenka có chứng tỏ được vị trí số 1 của cô là hoàn mỹ, bằng chiến thắng trước một cựu số 1 khác và là tên tuổi lớn trong làng banh nỉ như Serena Williams. Nhưng thực tế trên sân đấu đã chứng minh: Tay vợt số 1 là ai? Azarenka dường như bay sạch sức mạnh khi đứng trước đàn chị đã quá quen với cái không khí của những trận chung kết và vinh quang dành cho người chiến thắng.
Giao bóng hỏng (6 lỗi kép, gấp đôi của Serena), 19 lỗi tự đánh hỏng (so với 11 của Serena) và chỉ giành được có 6 điểm winner (ít hơn nhiều con số 26 của Serena), Azarenka đã thua toàn diện từ mọi cú quả cho tới tâm lý thi đấu. Đó không phải là bản lĩnh của tay vợt đang là số 1 thế giới.
Serena vẫn là tượng đài khó bị xô đổ.
Và thật trùng hợp, nếu như số 1 như Azarenka chỉ thắng được có 4 game trong trận chung kết Madrid thì kết quả tương tự cũng đến với số 2 Maria Sharapova ở tứ kết. Búp bê người Nga vừa hào sảng như vậy trên mặt sân đất nện ở Stuttgart bỗng lại nhút nhát và sợ sệt trước những cú đánh như vũ bão của Serena Williams. Đánh bại cả hai tay vợt hàng đầu thế giới, Serena không những lên ngôi thuyết phục ở Madrid mà còn trở thành tay vợt có số lần đánh bại số 1 và số 2 trong cùng một giải đấu nhiều nhất trong lịch sử làng banh nỉ.
Vậy nên dù Serena Williams đã mất vị trí số 1 thế giới từ tháng 10/2010 (rơi vào tay Caroline Wozniacki) vì chấn thương ngớ ngẩn (giẫm phải mảnh thủy tinh vỡ) thì cả thế giới quần vợt vẫn coi cô em nhà Williams là số 1 “ảo” để mọi tay vợt hướng tới, dẫu đó là số 1 dựa theo điểm số trên BXH WTA.
Đẳng cấp là mãi mãi
Chứng kiến Serena thi đấu ở Wimbledon 2010 dễ như trở bàn tay, không để thua một set nào trên đường tới ngôi vô địch, huyền thoại Martina Navratilova đã phải thốt lên: “Không cần biết Serena giành được bao nhiêu Grand Slam hay vô địch bao nhiêu giải đấu, chỉ cần nhìn cách cô ấy thi đấu là đủ để biết đấy là một trong năm tay vợt nữ vĩ đại nhất trong lịch sử.” Có phải vì vậy mà chỉ có những tay vợt có tinh thần “thép” và một chiến thuật hợp lý mới có thể đánh bại được Serena, giống như cái cách mà tay vợt người Australia Samantha Stosur đã làm để vượt qua cô em nhà Williams trong trận chung kết US Open 2011?
Không có nhiều tay vợt khắc chế được sức mạnh của Serena.
Đối diện với Serena không hề đơn giản, mà là một thử thách cực lớn với bất kỳ tay vợt nào. Có thể lối chơi của tay vợt người Mỹ bị coi là thiên về sức mạnh nhưng không thể phủ nhận chính “sức mạnh” ấy đã khiến nhiều tay vợt phải run sợ. Mà một khi không thể khắc chế những pha giao bóng mạnh như thể những tay vợt nam của Serena thì gần như đối thủ đã buông xuôi khi phải trả giao bóng. Và nếu không thể giao bóng đủ khó, điểm yếu của cả những tay vợt trong top đầu thế giới, để khiến Serena vất vả thì thất bại là điều hiển nhiên. Azarenka và Sharapova đều mắc phải tất cả những điều kể trên và dễ dàng gục ngã trước Serena.
Không cần tham dự nhiều giải đấu, từ năm 2008 lọt vào 17 trận chung kết ở các giải đấu khác nhau thì có tới 7 là các giải Grand Slam (thua có 2 trận chung kết) và 1 là giải WTA Championships, Serena rõ ràng chỉ tập trung vào những giải đấu lớn để bổ sung vào bảng thành tích ngày một dày lên của mình. Trong thế giới quần vợt nữ như cõi hỗn mang khi ai cũng có thể là nhà vô địch cũng như leo lên vị trí số 1, thì ở tuổi 31 (vào tháng 9 này), Serena Williams vẫn là tượng đài thực sự chưa có một đối thủ xứng tầm.
Thống kê: - Danh hiệu tại Madrid là chức vô địch WTA thứ 41 trong sự nghiệp của Serena, cân bằng với tay vợt người Bỉ Kim Clijsters và chỉ còn kém cô chị Venus có 2 danh hiệu trong số những tay vợt còn thi đấu. - Lên ngôi ở Madrid giúp Serena từ thứ 9 vươn lên thứ 6 thế giới. Từ giờ cho tới tháng 6 không phải bảo vệ điểm số nào, nhiều khả năng Serena sẽ còn thăng tiến hơn nữa sau Roland Garros. - Chiến thắng trước Victoria Azarenka là lần thứ 5 liên tiếp Serena thắng trận khi trận chung kết tổ chức vào ngày Chủ nhật. Đây cũng là trận thắng liên tiếp thứ 13 trong thành tích 22 trận thắng – 2 trận thua từ đầu mùa giải, trong đó tính riêng trên mặt sân đất nện là 13 trận toàn thắng. - Serena vươn lên thứ 3 trên bảng xếp hạng những tay vợt có số trận thắng đối thủ đang xếp thứ 1 trên BXH WTA:
1. Martina Navratilova: 18 trận thắng - Serena là tay vợt đánh bại cả số 1 và số 2 trong cùng một giải đấu nhiều nhất:
1. Serena Williams: 7 |