Sếp ngân hàng dè dặt thưởng Tết

Mặc dù chưa có quyết định cụ thể về việc thưởng Tết, nhưng theo dự đoán của một số ngân hàng, tiền thưởng tết năm nay sẽ không thay đổi nhiều so với năm ngoái.

Theo một trưởng bộ phận tín dụng (thuộc một phòng giao dịch Ngân hàng TMCP An Bình - ABBANK) tại quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ trên báo Tiền Phong, mặc dù 20 ngày nữa là hết năm nhưng vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cho vay.

Hiện, tôi và một cán bộ nữa vẫn thiếu tới 2 tỷ đồng trong tổng số 30 tỷ đồng phải giải ngân cho khách hàng theo chỉ tiêu được giao”.

Vị này cũng cho biết thêm, năm ngoái, nhận được khoản tiền thưởng Tết bằng 2 tháng lương (khoảng 18 triệu đồng), nhưng năm nay vẫn chưa biết cụ thể tiền thưởng là bao nhiêu.

Cũng theo Phó Giám đốc một chi nhánh Ngân hàng BIDV tại Hà Nội, thời điểm này đã vượt chỉ tiêu so với kế hoạch nhưng vẫn chưa dám nói đến chuyện thưởng Tết .

Cấp trên chưa có công văn xuống nên lãnh đạo chi nhánh chưa dám quyết thưởng.

Dù năm nay, chúng tôi đạt tăng trưởng tốt, số lượng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng ngày một tăng nhưng không kỳ vọng mức thưởng Tết sẽ cao”.

Chi nhánh Ngân hàng BIDV trên có 146 nhân viên, lương trung bình nhân viên giao dịch khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Theo như năm ngoái thì mỗi nhân viên được thưởng 1 tháng lương, còn lãnh đạo được thưởng 15 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này cho hay, năm nay, nếu không có gì thay đổi, sẽ vẫn giữ nguyên mức thưởng Tết như năm ngoái.

Liên qua đến vấn đề thưởng Tết năm 2015 , Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Phạm Minh Huân nhận định: “Mức thưởng Tết năm 2015 do điều kiện khó khăn, nên khả năng sẽ có nhiều Doanh nghiệp có mức thưởng khiêm tốn”.

Thứ trưởng Huân cũng cho biết, hiện Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội đã có văn bản yêu cầu các chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và doanh nghiệp chuẩn bị phương án về lương, thưởng Tết năm 2015 cụ thể và báo cáo về Bộ.

Đặc biệt, các doanh nghiệp có tình hình khó khăn càng cần có phương án hỗ trợ người lao động trong Tết Nguyên đán chu đáo.

Nhận định của Thứ trưởng Huân có nhiều cơ sở khi các số liệu cũng chứng minh cho thấy tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2014, cả nước đã có tới 60.340 doanh nghiệp phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 8.661 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể; 10.147 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 41.532 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Trong khi đó trong tổng số 67.790 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 391,3 nghìn tỷ đồng, giảm 4,5% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.