Điện thoại bắt đầu xuất hiện ở Myanmar cách đây khoảng 10 năm. Khi đó, do mạng viễn thông bị chính phủ quân đội kiểm soát ngặt nghèo nên SIM điện thoại là thứ hàng xa xỉ phẩm với dân chúng, giá mỗi chiếc lên tới trên 7.000 USD (khoảng 147 triệu đồng).
Từ khi Myanmar chuyển sang chế độ dân chủ, chính quyền mới thực hiện cải cách, giá viễn thông trở nên rẻ hơn. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của thế giới, giá tại Myanmar vẫn thuộc dạng "cắt cổ".
Trước thềm SEA Games 27, Bộ Bưu chính viễn thông Myanmar đã có chính sách giảm giá, tuy nhiên, giá SIM vẫn rất cao. Để sở hữu một chiếc SIM, người tiêu dùng sẽ phải bỏ ra từ 200 đến 300 USD (từ 4-6 triệu đồng). Đây là cả một gia tài với người dân Myanmar bởi mức thu nhập bình quân của quốc gia này chỉ vào khoảng 1.100 USD/năm (khoảng 23,1 triệu đồng).
Bảng giá cho thuê SIM có giá "trên trời", khiến các phóng viên Việt Nam vừa có mặt ở Myanmar lắc đầu ngao ngán.
Chàng trai 21 tuổi Nghi Nghi tại khách sạn MGM (Yangon) cho biết sở hữu điện thoại là sở hữu đồ trang sức cao cấp.
Ngoài chuyện giá cả đắt đỏ, khách quốc tế tới Myanmar còn phải thực hiện nhiều thủ tục rắc rối mới có thể sở hữu một chiếc SIM điện thoại. Chính vì vậy, hình thức kinh doanh cho thuê SIM nở rộ ở nước chủ nhà SEA Games 27. Tuy nhiên, giá cả cũng không phải là rẻ. Nếu thuê 5 ngày, giá sẽ là 50 USD/SIM (hơn 1 triệu đồng). Nếu thuê dài hạn 1 tháng, giá ưu đãi sẽ là 150 USD (khoảng 3 triệu đồng). Người thuê SIM sẽ phải tự nạp thẻ để dùng, mệnh giá thẻ chỉ có hai loại là 10.000 kyats và 5.000 kyats (1000 kyats tương đương hơn 21.000 VND).
Dịch vụ 3G mới bắt đầu có ở Myanmar. Hiện tại chỉ có SIM loại WCDM là có 3G. Tuy nhiên, giá cực kỳ đắt đỏ. Chưa tính cước đăng ký thì mỗi phút dùng cũng tốn vài chục kyats. Điều đáng nói là dù giá đắt nhưng tốc độ thì rất chậm, để vào một trang web người dùng sẽ phải chờ không dưới 5 phút.
Theo thống kê, Myanmar vẫn là một trong những nước có tỉ lệ kết nối internet thấp nhất thế giới. Tỉ lệ sử dụng internet của đất nước này chỉ vào khoảng 1%.