Sẽ xem lại thông tư về dạy thêm học thêm

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại hội nghị tập huấn nâng cao năng lực quản lý các trưởng phòng GD-ĐT.

Hội nghị diễn ra tại TP.HCM ngày 10 và 11/12 với sự tham dự của 232 trưởng, phó phòng GD-ĐT thuộc 17 tỉnh thành phía Nam.

Bà Võ Ngọc Thu - trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, TP.HCM - nêu ý kiến: “Bộ GD-ĐT nên có hướng mở và cái nhìn thoáng hơn trong việc dạy thêm. Đi học thêm là một nhu cầu có thật của phụ huynh, học sinh. Bậc THCS, THPT được dạy thêm nhưng bậc tiểu học lại không được dạy”.

Ông Nguyễn Vinh Hiển trả lời: Bộ không cấm giáo viên tiểu học dạy thêm. Ngay lúc đó, một đại biểu khác đã đứng lên đọc nội dung thông tư 17 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm - học thêm với nội dung như ý bà Thu phát biểu.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT hứa: “Chúng tôi sẽ xem lại nội dung này. Tuy nhiên, chủ trương là không cấm giáo viên tiểu học dạy thêm, chỉ không cho phép dạy thêm đối với học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày mà thôi”.

“Học sinh càng học càng mất tự tin. Bậc tiểu học học sinh còn giơ tay phát biểu, đến THCS ít phát biểu hơn, đến THPT thì rất ít. Khi thành giáo viên càng ít, thậm chí không phát biểu nữa, đi họp thì nhiều người ngồi phía sau, có anh đã nói vui: Đi họp thì phát biểu sau/Đừng phát biểu trước nó đau dạ dày. Tức là giáo dục của mình làm cho học sinh càng học càng có kiến thức, kỹ năng nhưng năng lực không phát triển” - ông Hiển khẳng định.

Ông nói: “Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ phát triển hài hòa đức trí thể mỹ, đồng thời phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Chương trình tương ứng với hai giai đoạn.

Một là giai đoạn cơ bản tương ứng với tiểu học và THCS: học sinh được trang bị kiến thức nền tảng, tạo điều kiện phân luồng sau THCS.

Giai đoạn 2: giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tức là dạy phù hợp với đặc điểm riêng của từng em. Nó tạo điều kiện cho giáo dục sau THPT có chất lượng hơn. Bậc THPT sẽ thiết kế một số môn bắt buộc, một số môn tự chọn, còn lại là những chuyên đề tự chọn. Có người đặt câu hỏi: trước đây giáo dục nền tảng 12 năm, nay còn 9 năm thì nền tảng như thế nào? Thì phải tiết kiệm thời gian, tăng cường dạy học tích hợp”.

Về dạy học tích hợp, thứ trưởng Bộ GD-ĐT định nghĩa: “Tích hợp liên môn là mục tiêu mình dạy cho học sinh có kiến thức tổng hợp và biết vận dụng kiến thức đó một cách linh hoạt. Các đồng chí bảo lấy chuyên đề ở đâu ra, xin thưa cứ lấy từ thực tế.

Tôi lấy ví dụ sau khi giặt quần áo xong thì có nên đổ nước xà phòng vào bồn toilet không? Đó là một tình huống, muốn giải quyết nó đâu thể dựa vào một lĩnh vực. Thế thì dạy liên môn có gì khó không? Giáo viên than khó là vì chương trình, nội dung sách giáo khoa chưa tạo điều kiện cho giáo viên dạy tích hợp, công tác quản lý chỉ đạo đang “bó” giáo viên; có phân phối chương trình: bài này dạy 1 tiết, bài thứ hai cũng dạy 1 tiết nữa.

Chương trình mới sẽ cho nhà trường được chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục với nội dung, phương pháp, thiết bị... Trước khi thực hiện, trường đưa cho phòng GD-ĐT góp ý. Nhưng nếu phòng không đồng ý với kế hoạch đó thì sao?

Tôi đề nghị những thứ thuộc về chuyên môn là phải nghe nhà trường. Trong nhà trường thì phải nghe giáo viên, miễn là làm đúng biên chế năm học, cuối năm hoàn thành nhiệm vụ là được. Chỉ có quy định, quy chế thì giáo viên phải nghe hiệu trưởng, hiệu trưởng phải nghe phòng.

Chúng ta ở đây đều là những người giỏi cả, vì giỏi mới được làm cán bộ quản lý nhưng lâu rồi không đứng lớp, không trăn trở với đối tượng cụ thể nên không thể bằng giáo viên được. Để nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục là tạo điều kiện cho nhà trường đổi mới”.

Sẽ sửa thông tư về đánh giá học sinh tiểu học

“Nói về giáo dục đạo đức chúng ta dạy rất tốt. Dạy về Luật giao thông: đèn xanh được đi, đèn đỏ đứng lại, tất cả học sinh đều biết. Dạy về tương thân tương ái: học sinh nói được hết, làm bài kiểm tra rất tốt. Nhưng ra đời thấy tai ương thì tránh, thấy đèn đỏ vẫn đi. Tức là giáo dục không hình thành niềm tin, giá trị sống cho học sinh. Vì chúng ta chỉ dạy lý thuyết chứ không cho học sinh được trải nghiệm từ những tình huống thực tế. Chương trình mới sẽ phát triển năng lực học sinh thông qua trải nghiệm - trải nghiệm khám phá để hình thành năng lực sáng tạo của học sinh”.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã nêu những băn khoăn về quy định dạy thêm - học thêm, về chế độ - chính sách đối với chuyên viên ngành GD-ĐT (mất hết phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp, thiệt thòi so với giáo viên), về thông tư 30 (đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét)...

Thứ trưởng Hiển giải thích: “Hiện nay mình đang kiểm tra, đánh giá theo kiểu đo lường kết quả học tập, đo kiến thức chứ không phải đo năng lực học sinh.

Nhiều người không hiểu việc kết hợp giữa đánh giá thường xuyên với đánh giá kết quả, không phải cứ lấy điểm kiểm tra thường xuyên cộng với kiểm tra cuối kỳ rồi đánh giá.

Mà phải hiểu là việc kết hợp ấy nhằm giúp học sinh học tốt hơn. Điểm kiểm tra cuối kỳ của học sinh sẽ giúp giáo viên biết những điều mình làm trước đó có đúng không, có giúp nâng cao chất lượng dạy học hay không. Đánh giá là vì sự học của học sinh chứ không phải để phân loại học sinh”.

Thứ trưởng đưa ra một ví dụ vui: “Hai anh lấy vợ, một anh lấy vợ vì tình yêu, vì sự sâu sắc, nghĩa tình, sống với nhau ngày càng thắm thiết. Một anh lấy vì con nhà giàu.

Tôi xin hỏi: Động lực gì để cho tình yêu tiếp tục phát triển? Việc đánh giá cũng vậy: đánh giá có ý nghĩa tạo động lực bên trong. Việc cho điểm để học sinh thích học giống như con khỉ diễn xiếc tốt thì cho nó cái kẹo để nó làm tốt hơn. Chuyện đó cũng cần nhưng nó không phải bản chất, không phải cái quyết định và cũng không phải cái chúng ta đang theo đuổi”.

Về việc đánh giá bằng nhận xét, ông Hiển cho biết cũng đã nghe phản ảnh của giáo viên về những khó khăn trong việc làm sổ sách.

Ông khẳng định sẽ bàn bạc để sửa đổi thông tư 30, nhất là chuyện rườm rà của việc dùng sổ tay đánh giá học sinh: “Tôi chỉ đạo là không bắt buộc giáo viên phải dùng sổ này. Nếu giáo viên có dùng thì hiệu trưởng đừng có kiểm tra sổ của giáo viên, để cho giáo viên muốn ghi sao thì ghi”.