Sẽ nặng tay hơn với vi phạm chứng khoán

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, sắp tới các chế tài xử phạt theo hướng nặng hơn và có tính răn đe hơn. Nếu mức độ vi phạm lớn, có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự…

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52/2012/TT-BTC hướng dẫn về việc công bố thông tin trên TTCK thay thế cho thông tư 09/2010/TT-BTC. Theo ông, đâu là cơ sở để cơ quan quản lý có những thay đổi trên?

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Thông tư 09/2010/TT-BTC về công bố thông tin trên TTCK, những bất cập trong việc công bố thông tin của các công ty đại chúng đòi hỏi cần thiết phải có điều chỉnh kịp thời để giúp thị trường minh bạch hơn, do đó việc ban hành Thông tư số 52/2012/TT-BTC thay thế là cần thiết.

Nội dung căn bản nhất trong sửa đổi lần này là  thay đổi cách tiếp cận về  nghĩa vụ CBTT không dựa trên nhóm đối tượng niêm yết hay không niêm yết mà dựa trên quy mô vốn và tính đại chúng của công ty.

Ngoài ra, trong lần sửa đổi này cũng bổ sung thêm đối tượng CBTT là Trung tâm Lưu ký chứng khoán; tăng nghĩa vụ CBTT của công ty chứng khoán;  điều chỉnh các quy định liên quan đến các giao dịch cổ đông lớn hoặc các cổ đông nội bộ, thường những thông tin này trước đây làm NĐT mất phương hướng khi các thông tin được công bố nhưng không thực hiện.

Những điểm mới của Thông tư 52 cụ thể là gì, thưa ông?

Thay đổi căn bản nhất tại Thông tư 52 là cách tiếp cận về nghĩa vụ CBTT không còn dựa trên nhóm đối tượng niêm yết hay không niêm yết mà dựa trên quy mô vốn và tính đại chúng của công ty.

Ông Nguyễn Sơn

Công ty đại chúng có quy mô vốn từ 120 tỷ đồng và có 300 cổ đông trở lên có nghĩa vụ CBTT như đối với công ty niêm yết. Như vậy, nhóm công ty đại chúng quy mô lớn này phải CBTT về BCTC quý, BCTC năm được kiểm toán, BCTC bán niên được soát xét bởi công ty kiểm toán được chấp thuận. Vào đầu năm mới, dựa trên số liệu của Trung tâm Lưu ký báo cáo, UBCK sẽ công bố danh sách các công ty đại chúng quy mô lớn.

Thứ hai, rút ngắn thời hạn CBTT về BCTC của công ty đại chúng và công ty niêm yết để NĐT tiếp cận thông tin nhanh hơn, tránh việc rò rỉ thông tin trước khi công bố chính thức.

Theo đó, thay vì thời hạn CBTT tối đa là 100 ngày kể từ khi kết thúc năm tài chính đối với BCTC năm, quy định mới chỉ là 90 ngày. Ngoài ra, việc CBTT phải được thực hiện trong vòng 10 ngày kể từ khi tổ chức kiểm toán độc lập ký báo cáo kiểm toán. Đối với BCTC quý phải CBTT trong vòng 20 ngày, kể từ lúc kết thúc quý (trước đây là 25 ngày).

Thứ ba, bổ sung thêm đối tượng CBTT là Trung tâm Lưu ký. Theo đó, Trung tâm Lưu ký sẽ phải CBTT liên quan đến việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận thành viên lưu ký; hủy đăng ký chứng khoán; thông tin liên quan đến việc cấp mã số giao dịch cho NĐT nước ngoài; thông tin về thực hiện quyền của NĐT; và thông tin liên quan đến giao dịch chuyển nhượng thực hiện trên Trung tâm Lưu ký.

Thứ tư, để tránh việc cổ đông lớn và cổ đông nội bộ CBTT vừa mua vừa bán chứng khoán trong vòng 2 tháng, gây mất phương hướng đối với NĐT, Thông tư 52 quy định, khi trở thành cổ đông lớn/hoặc không còn là cổ đông lớn/ hoặc khi giao dịch làm thay đổi 1% cổ phần trở lên thì trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ khi hoàn tất giao dịch, phải báo cáo và CBTT, chứ không bắt buộc cổ đông lớn phải CBTT trước khi thực hiện 3 ngày như trước kia.

Đối với cổ đông nội bộ, phải báo cáo và CBTT ít nhất là 3 ngày trước khi thực hiện giao dịch và chỉ được đăng ký một chiều (mua hoặc bán) trong thời gian tối đa 30 ngày (trước đây là 2 tháng), sau khi giao dịch phải báo cáo trong vòng 3 ngày và chỉ được đăng ký giao dịch tiếp theo sau khi đã báo cáo giao dịch trước đó.

Thứ năm, đối với CTCK, ngoài việc phải tuân thủ các nghĩa vụ CBTT như các công ty đại chúng thì quy định mới còn yêu cầu phải công bố báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng tháng 6 và tháng 12 hàng năm được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Thông tư 09 có quy định trong trường hợp bất khả kháng, DN có thể được hoãn CBTT nhưng không nêu cụ thể các trường hợp được coi là bất khả kháng, dẫn đến tình trạng nhiều DN lợi dụng quy định này đưa ra nhiều lý do để trì hoãn việc CBTT ra thị trường. Thông tư mới có quy định rõ điều này không, thưa ông?

Quy định mới lần này chỉ rõ: Chỉ những lý do xuất phát từ thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh hoặc một số lý do phải được UBCK chấp thuận bằng văn bản mới được gia hạn, hoãn CBTT và phải CBTT về các lý do này trên phương tiện thông tin đại chúng.

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp niêm yết vi phạm quy chế CBTT nhưng chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe? Vậy hướng xử lý đổi với các trường hợp vi phạm theo thông tư mới sẽ ra sao?

Trên cơ sở các quy định mới ban hành, cơ quan quản lý sẽ bổ sung các chế tài xử phạt  vào Nghị định sửa đổi Nghị định 85/CP về xử phạt vi phạm hành chính, hiện đã được Bộ Tài chính hoàn tất và trình Chính phủ ban hành. Trong đó, các chế tài xử phạt theo hướng nặng hơn và có tính răn đe hơn. Nếu mức độ vi phạm lớn, có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự….

Ngoài ra, UBCK sẽ có công văn yêu cầu các Sở GDCK tăng cường giám sát, xử lý vi phạm về CBTT. Trên cơ sở xem xét tính chất, mức độ vi phạm của tổ chức niêm yết, Uỷ ban sẽ có biện pháp xử lý kịp thời như cảnh báo, đưa chứng khoán vào diện bị kiểm soát, tạm ngừng giao dịch hoặc hủy niêm yết.