Trao đổi với báo chí ngày 10/2, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết sở dĩ có chủ trương miễn thi tốt nghiệp THPT cho một bộ phận học sinh xuất sắc - ở đây cụ thể là miễn thi cho 20% học sinh - là thực hiện định hướng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, sẽ giảm tốn kém cho xã hội, tạo động lực để học sinh phấn đấu học tập, rèn luyện toàn diện trong quá trình học THPT, nhất là ở lớp 12, phối hợp kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học.
Những học sinh nếu miễn thi sẽ được xếp loại tốt nghiệp dựa theo kết quả học tập, rèn luyện cả năm lớp 12 nhưng vẫn được quyền đăng ký dự thi tốt nghiệp để được xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp như đối với học sinh dự thi.
Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận hiện nay bệnh thành tích chưa được giải quyết triệt để và vấn đề kỷ cương, kỷ luật còn phải được tăng cường, nếu không khống chế tỷ lệ được miễn thi thì sẽ có thể xuất hiện việc các trường nới lỏng khâu kiểm tra, đánh giá để có nhiều học sinh được miễn thi không thực chất. Chính vì vậy Bộ không qui định các tiêu chí để xét cho tất cả học sinh đạt tiêu chí đều được miễn thi mà khống chế chỉ 20% học sinh được miễn thi.
Việc khống chế tỷ lệ sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, góp phần đảm bảo việc kiểm tra đánh giá được nghiêm túc, việc xét miễn thi được thực hiện theo quy trình thống nhất, đảm bảo công khai, minh bạch và chịu sự giám sát từ nhiều phía (học sinh, phụ huynh, giáo viên, xã hội…) với các tiêu chí cụ thể, yêu cầu trách nhiệm cao của giáo viên và nhà trường;
Cùng với quá trình và kết quả chấn chỉnh kỉ cương để việc kiểm tra, đánh giá phản ánh đúng kết quả học tập của học sinh thì tỷ lệ miễn thi có thể được tăng thêm, và tiến đến toàn bộ học sinh đạt chuẩn đều được miễn thi.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết với việc áp dụng phương pháp đánh giá PISA để đánh giá chất lượng giáo dục các tỉnh/thành phố, tới đây Bộ sẽ công bố kết quả và sẽ tiến hành định kỳ. Dựa trên kết quả PISA, sẽ có sự phân biệt tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp cho các địa phương.