Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có các sân bay: Nội Bài (đi quốc tế, nội địa), Gia Lâm (bay dịch vụ kết hợp quân sự), Bạch Mai, Hoà Lạc và Miếu Môn (đều là sân bay quân sự). Trong những năm qua, các sân bay này được đầu tư nâng cấp nhưng chỉ dừng ở mức quy mô nhỏ lẻ. Duy nhất chỉ có sân bay Nội Bài là sân bay quốc tế được đầu tư ở quy mô lớn.
Trước đó, vào cuối năm 2010, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo về quy hoạch cảng hàng không quốc tế Tiên Lãng, Hải Phòng. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải làm rõ phương án hiệu quả nhất của bài toán kinh tế về các giai đoạn phân kỳ đầu tư, mức độ đầu tư cảng hàng không quốc tế Tiên Lãng với mục tiêu thay thế cảng hàng không Cát Bi và dự bị cho cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Cũng theo đồ án quy hoạch của Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, Thủ đô sẽ hình thành hệ thống đường sắt đô thị bao gồm 8 tuyến. Đồng thời, xây dựng 5 cầu cho đường sắt đô thị qua sông Hồng gồm: cầu Long Biên mới (tuyến số 1), cầu Nhật Tân (tuyến số 2), cầu Vĩnh Tuy (tuyến số 4), cầu Thượng Cát (tuyến số 7), cầu Lĩnh Nam (tuyến số 8).
TP cũng quy hoạch 9 tuyến xe buýt nhanh có độ dài từ 14,3 tới 53,2 km.
Ước tính, tổng nhu cầu vốn cho cả 4 loại hình giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt, sân bay) lên tới con số khổng lồ: 1.145.043,9 tỷ đồng, Nguồn vốn thực hiện quy hoạch sẽ được huy động tổng hợp từ các nguồn như: vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vay vốn thương mại...