Từ các chuyên ngành đã được định hình, các trường ĐH tốp trên đã tách chuyên ngành để chuyển thành ngành mới, người tốt nghiệp sẽ dễ tìm việc làm khi “học ngành nào sẽ làm việc đó”. Tại nhiều địa phương, các trường ĐH địa phương cũng dự kiến mở thêm một số ngành mới đáp ứng nhu cầu nhân lực của địa phương.
Nhiều ngành mới hấp dẫn
Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) mở mới ngành an ninh thông tin với 40 chỉ tiêu, tuyển khối A, A1. Đây là ngành trọng điểm, được Nhà nước đặt hàng cho trường đào tạo trong tình hình mất an ninh mạng đang diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa đến việc phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Ngành này gồm ba chuyên ngành: an ninh mạng và bảo vệ hệ thống, bảo mật cho công nghệ phần mềm, quản lý an ninh thông tin. Một số môn học trong chương trình: bảo mật trên Internet, an ninh mạng, mật mã học, kỹ thuật tấn công và phòng thủ trên môi trường mạng, bảo mật trên thiết bị di động và thẻ thông minh, công nghệ tường lửa…
Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) mở thêm ngành kỹ thuật tài chính và quản trị rủi ro với 50 chỉ tiêu, tuyển khối A, A1. Đây là trường ĐH đầu tiên tại Việt Nam đào tạo ngành học này.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển mới ngành marketing, kinh doanh quốc tế (trước đây là chuyên ngành của ngành quản trị kinh doanh), kiểm toán (trước đây là chuyên ngành của ngành kế toán - kiểm toán). Ba ngành này đều tuyển sinh khối A, A1.
Trường ĐH Tài chính-Marketing dự kiến mở thêm hai ngành học mới là ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (khối A, D1) với chuyên ngành quản trị lữ hành, quản trị tổ chức sự kiện; ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (khối A, D1) với chuyên ngành quản trị ẩm thực, quản trị bar.
Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ mở thêm chuyên ngành cử nhân Anh văn pháp lý, tuyển các khối A, A1, D1, D2 (Pháp văn) và khối C (sẽ có quy định về điều kiện tiếng Anh tối thiểu đầu vào) với 100 chỉ tiêu. Sinh viên tốt nghiệp cử nhân Anh văn pháp lý nếu muốn học chuyên sâu về kiến thức pháp luật sẽ được học theo hình thức văn bằng hai hệ chính quy; thời gian đào tạo tối đa là hai năm và được miễn thi đầu vào (những người tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại các trường ĐH khác phải thi tuyển đầu vào và thời gian đào tạo là ba năm). Với thời gian học sáu năm, sinh viên tốt nghiệp hai bằng cử nhân Anh văn pháp lý và cử nhân luật sẽ là những chuyên gia tốt về luật chuyên ngành.
Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông (Cơ sở 2 TP.HCM) tuyển sinh ngành mới là truyền thông đa phương tiện và chuyên ngành an toàn thông tin. Ngành và chuyên ngành mới này đều tuyển khối A và A1.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM dự kiến sẽ tuyển sinh thêm ngành học mới là thương mại điện tử, tuyển khối A, A1 và D1.
Trường ĐH Hoa Sen tuyển mới ngành kỹ thuật phần mềm, tuyển khối A, A1, D1, D3 với 80 chỉ tiêu. Trường cũng đang xin phép mở hai ngành khác là ngành thiết kế nội thất, tuyển khối H với 60 chỉ tiêu và ngành quản lý tài nguyên và môi trường, tuyển khối A, B, D1 với 60 chỉ tiêu.
ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển thêm hai ngành mới là hệ thống thông tin và quan hệ công chúng, mỗi ngành tuyển 50 chỉ tiêu.
Trường địa phương mở ngành cho địa phương
Trường ĐH Y Dược Cần Thơ sẽ tuyển mới ngành bác sĩ y học cổ truyền, tuyển khối B. Trường tuyển thí sinh có hộ khẩu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Trường ĐH Tây Nguyên dự kiến mở mới các ngành công nghệ môi trường, công nghệ sinh học và kinh tế.
Trường ĐH Cần Thơ cũng đang chờ quyết định của Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh thêm sáu ngành mới, dự kiến 400 chỉ tiêu.