TS Phương nói:
- Động đất trên vành đai lửa Thái Bình Dương luôn luôn thường trực. Nếu nhìn vào sự tiến triển này, sẽ tiếp diễn các trận động đất mạnh, thậm chí mang tính hủy diệt và không loại trừ khả năng xảy ra nhiều hơn trong tương lai. Tuy nhiên, các quốc gia nằm trọn trên vành đai lửa đó như Nhật Bản, Indonesia, Philippines phải chịu nhiều thiệt hại nhất do động đất, sóng thần.
* Trận động đất ở Sumatra (Indonesia) năm 2004 mạnh 9,2 độ Richter gây sóng thần hủy diệt nhưng ở VN không cảm nhận thấy rung động. Tại sao trận động đất ngày 11/4 /2012 có cường độ nhẹ hơn trận động đất năm 2004 lại ảnh hưởng tới VN và những người ở nhà cao tầng cảm nhận rất rõ, thưa ông?
- Điều này cũng không có gì khó hiểu bởi tình thế sinh ra động đất của hai trận động đất khác nhau. Động đất phát sinh trên miệng các kẽ nứt ở các đứt gãy. Đứt gãy bao giờ cũng có kẽ nứt ở giữa và hai cánh (mảng địa tầng - PV) hai bên. Hai cánh này có thể nằm lệch nhau hoặc song song với nhau, còn gọi cánh treo với cánh nằm.
Ông Nguyễn Hồng Phương.(Ảnh: Xuân Long)
Trận động đất năm 2004 hai cánh có cơ chế trượt chờm, tức một cánh trồi lên và một cánh sụt xuống theo cơ chế gần như thẳng đứng, giống như ném một hòn đá vuông góc xuống mặt ao nên gây sóng thần.
Còn trận động đất ngày 11/4 hai cánh trượt song song với nhau, song song với bề mặt Trái đất, song song theo mặt phẳng nằm ngang nên không gây ra sóng thần. Tuy nhiên cơ chế này làm lan truyền chấn động xa hơn và bằng chứng là ở VN, Thái Lan, Singapore cảm nhận được rung động rõ ràng hơn.
Với những rung lắc mà người ở trên nhà cao tầng cảm nhận thấy thì có thể xếp vào chấn động cấp 3 (theo thang MSK-64 gồm 12 cấp), rất nhẹ nên chỉ làm hơi khó chịu trong người và rơi đồ vật nhẹ, không gây đổ nhà cửa hay nứt tường.
* Thời gian qua có một số trận động đất xảy ra ngoài khơi Bình Thuận, Vũng Tàu. Theo ông, các trận động đất này có liên quan tới hoạt động của vành đai lửa Thái Bình Dương hay không?
- Hệ đứt gãy chạy theo kinh tuyến 109 độ và đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải ở khu vực này được coi là bậc thấp hơn nhiều so với siêu đứt gãy ở Sumatra hay Nhật Bản, Philippines. Người ta đã phân cấp các loại đứt gãy và những đứt gãy gây động đất hủy diệt gây sóng thần như Sumatra hay Tohoku (Nhật Bản) thuộc bậc cao nhất vì đứt gãy rất sâu dài hàng ngàn kilômet.
Chúng ta cứ tưởng tượng khi lớp vỏ rắn của Trái đất bị đập một phát và nứt ra làm nhiều mảnh lớn, mỗi mảnh bao trùm cả một châu lục như mảng châu Úc, mảng Á Âu. Rìa ranh giới của các mảng kiến tạo ấy trùng với ranh giới vành đai lửa. Còn bên trong các mảng đó có các đứt gãy khác như kiểu chân chim to nhỏ khác nhau. VN nằm trong những vết nứt nhỏ nên vẫn có động đất nhưng không có động đất với mức độ hủy diệt 8,7 hay 9 độ Richter.
Vành đai lửa Thái Bình Dương Theo TS Nguyễn Đình Xuyên - nguyên viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, vành đai Thái Bình Dương gồm đứt gãy trên mảng vỏ Trái đất trên Thái Bình Dương từ Alaska (Mỹ) xuống Nhật Bản - New Zealand được coi là vành đai xảy ra động đất lớn nhất, thường gọi là vành đai lửa Thái Bình Dương. Đây là nơi tiếp giáp giữa các mảng lục địa chuyển động trái chiều: đại lục Âu Á chuyển về phía đông, còn mảng Thái Bình Dương còn gọi là mảng vỏ đại dương chuyển động ngược lại. Khi hai mảng gặp nhau thì mảng lục địa Âu Á chờm lên, còn mảng đại dương chúc xuống 500-700m và phát sinh động đất mạnh ở đây như trận động đất gây sóng thần tại Nhật Bản năm 2011. Cũng theo ông Xuyên, những trận động đất mạnh như thế này sẽ kích động những chỗ khác trên các vành đai khác nhau trên toàn hành tinh. Chỗ nào mà ứng suất năng lượng đã tác động đến mức tới hạn thì xảy ra động đất. Chưa đến thời điểm đó mà có sự kích thích thì sẽ xảy ra động đất sớm hơn. Hiện tượng này đã được quan sát và chứng minh dù chưa có thể khẳng định chắc chắn động đất sẽ xảy ra chỗ nào. |