Không cấm dạy thêm
- Thưa ông, có thông tin tuần này Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy định về dạy thêm học thêm (DTHT). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về một số quy định đưa ra trong dự thảo như: quy định về đánh thuế, không thể cấm DTHT,... Bộ đã tiếp thu ý kiến đến đâu?
Thứ nhất, Bộ GD-ĐT đang tiếp tục hoàn thiện quy định về DTHT trên cơ sở tiếp thu ý kiến của giáo giới và dư luận nên chưa thể nói ban hành trong tuần được. Tinh thần của văn bản khi ban hành sẽ không cấm, chỉ ngăn chặn tiêu cực trong tổ chức DTHT.
Thứ hai, tôi đồng tình với các ý kiến cho rằng, bản chất của việc DTHT là tốt nếu như xuất phát từ nhu cầu thật sự của học sinh, của cha mẹ học sinh. Do đó, những quy định trước đây và dự thảo quy định lần này không nhằm mục đích cấm DTHT mà nhằm đề phòng, ngăn chặn các tiêu cực có thể xuất hiện trong DTHT. Việc học thêm xuất phát từ nhu cầu chính đáng của học sinh và nguyện vọng của cha mẹ học sinh để mở rộng kiến thức của học sinh vẫn được chấp nhận.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Ảnh Lê Anh Dũng)
Về quy định nộp thuế thu nhập, đây không phải nhiệm vụ của ngành giáo dục. Trong dự thảo Bộ chỉ đặt vấn đề này để cán bộ, giáo viên trong ngành phải lưu ý thực hiện nghĩa vụ của công dân phải nộp thuế theo quy định khi phát sinh thu nhập chịu thuế. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ sẽ xem xét, quyết định khi ban hành chính thức.
- Thực tế, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định về DTHT nhưng việc DTHT vẫn diễn ra tràn lan ở tất cả các cấp học. Ông có ý kiến gì về thực tế này?
DTHT là một hiện tượng xã hội không phải của riêng Việt Nam mà của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Như tôi đã nói ở trên thì bản chất của việc DTHT là tốt nếu như nó xuất phát từ nhu cầu thực sự của học sinh, của cha mẹ học sinh muốn nâng cao kết quả học tập của con em mình. Việc DTHT tràn lan theo nghĩa DTHT mang tính tiêu cực như lạm dụng DTHT để vụ lợi, DTHT quá nhiều làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng tự học của học sinh,… trong thực tế chủ yếu diễn ra ở những nơi có điều kiện kinh tế khá phát triển, nhất là ở những thành phố. Ở rất nhiều tỉnh nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhà trường và giáo viên dạy thêm không thu tiền của học sinh, có nơi còn hỗ trợ học sinh về sách bút và các điều kiện khác để các em học tập tốt hơn.
Nói một cách công bằng thì có rất nhiều thầy cô giáo trên cả nước vẫn âm thầm kèm cặp dạy dỗ học sinh một cách tận tình không chỉ bó hẹp trong khoảng thời gian lên lớp, không vụ lợi.
Điều đáng phê phán trong hoạt động dạy thêm là có một bộ phận giáo viên xuất phát từ động cơ vụ lợi, bằng nhiều cách khác nhau bắt ép học sinh học thêm gây bức xúc đối với xã hội. Hiện tượng này làm tăng gánh nặng kinh tế cho một số gia đình gây lãng phí về thời gian, tiền bạc và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Nghiêm trọng hơn là làm giảm lòng tin của người dân đối với ngành giáo dục.
Chúng tôi sẽ xem xét để tiếp thu góp ý cho rằng qui định sắp tới của Bộ chỉ nên điều chỉnh hoạt động DTHT có thu tiền của người học, không điều chỉnh các hình thức DTHT không thu tiền.
Dạy thêm ngoài nhà trường phải có giấy phép
- Ở góc độ quản lí, ông có cho rằng có sự bất cập trong hoạch định chính sách nên quy định không gắn với thực tế, khó giám sát (thực tế năm 2007 đã ban hành quy định về DTHT). Từ đó buông lỏng quản lí để DTHT phát triển tràn lan?
Sau khi Bộ GDĐT ban hành quy định DTHT, tất cả các tỉnh, thành phố đã ban hành quy định về DTHT để quản lý hoạt động dạy thêm trên địa bàn. Nhiều địa phương đã tích cực đi đầu trong việc triển khai, kiểm tra, đôn đốc các nhà trường, các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc quy định, đồng thời xử lý kịp thời, thích đáng các trường hợp vi phạm.
Bộ cũng đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra về thực hiện quy định. Căn cứ kết quả thanh tra, Bộ đã trực tiếp yêu cầu các địa phương, đơn vị xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Tuy nhiên, một số nơi để DTHT phát triển tràn lan do buông lỏng quản lý là có. Việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định DTHT ở những nơi này chưa được chú trọng, chưa được triển khai quyết liệt. Ở một số trường học, nhà trường chưa tập trung vào việc đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao trình độ năng lực của giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế việc phải DTHT.
- Vậy dự thảo sắp ban hành có khắc phục tình trạng DTHT tràn lan kéo dài nhiều năm nay không, thưa ông?
Dự thảo lần này quy định về dạy thêm học thêm, bao gồm: Đối tượng và phạm vị áp dụng; Nguyên tắc dạy thêm học thêm; Quy định tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm; Thu và quản lý tiền học thêm; Tiêu chuẩn đối với người dạy thêm và người tổ chức hoạt động dạy thêm; Thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm; Trách nhiệm quản lý dạy thêm học thêm; Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm… Đây là những quy định nhằm đảm bảo chất lượng, đảm bảo quyền lợi người học thêm, khắc phục hiện tượng dạy thêm trái quy định.
Đối với DTHT trong nhà trường, học sinh phải tự viết đơn xin học thêm gửi nhà trường. Cha mẹ học sinh phải trực tiếp ký, ghi nội dung cam kết với nhà trường. Nhà trường phải phân loại học sinh theo học lực và tổ chức dạy thêm theo nhóm trình độ học sinh, không tổ chức lớp DTHT theo các lớp học chính khóa. Giáo viên muốn dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm, nhà trường xét duyệt danh sách, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu dạy thêm phù hợp với trình độ học sinh.
Với DTHT ngoài nhà trường, tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoạt động DTHT phải ký cam kết với ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt điểm DTHT về thực hiện đúng các quy định. Đồng thời, phải thông báo công khai trước khi thực hiện dạy thêm, cụ thể là giấy phép DTHT, danh sách người dạy thêm, chương trình, nội dung dạy thêm, học thêm, mức thu tiền học thêm...
Trong quy định trước đây (năm 2007) còn nhiều nội dung được giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố qui định, phần nào gây khó khăn cho các địa phương. Rút kinh nghiệm qua thực tiễn, dự thảo mới có thêm những quy định thống nhất trong cả nước, đồng thời cũng quy định cụ thể hơn về trách nhiệm quản lý DTHT của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh, huyện đến xã; các cấp quản lý giáo dục từ sở, phòng GD-ĐT đến các cơ sở giáo dục; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động DTHT và của người dạy thêm.
Tuy nhiên, để những quy định về DTHT có tác dụng thiết thực, rất cần sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, sự chung tay góp sức của cha mẹ học sinh và đội ngũ thầy, cô giáo....
Sau khi quy định mới về DTHT được ban hành, Bộ sẽ phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo các sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, các trường phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra và xử lý vi phạm; đặc biệt sẽ xử lý vi phạm đối với cả người đứng đầu cơ quan theo quy định về chế độ trách nhiệm.
- Cảm ơn ông!