LTS: “Sát thủ xác chết không đầu” là cụm từ mà nhiều người dùng để gọi Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1984, hộ khẩu thường trú tại tổ 7, phường Lãm Hà, Kiến An, Hải Phòng).
Trước đó, ngày 17/5/2010, tại tầng thượng, chung cư G4, khu đô thị Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), người ta phát hiện một xác chết. Rùng rợn hơn khi đầu và 10 ngón tay nạn nhân đã không còn. Hung thủ bị bắt sau 1 ngày điều tra, đó là Nguyễn Đức Nghĩa và nạn nhân là Nguyễn Phương Linh (SN 1984, người yêu cũ của Nghĩa). Trước tòa, Nghĩa khai đã giết, cắt rời phần đầu, chặt hết 10 đầu ngón tay nạn nhân rồi cho vào túi nilon ném xuống một khúc sông Cấm ở Quảng Ninh. Mục đích giết người của Nghĩa là để cướp tài sản. Tòa đã tuyên án tử hình với Nguyễn Đức Nghĩa. Hiện Nghĩa đang bị giam giữ nghiêm ngặt chờ ngày thi hành án tử bằng tiêm thuốc độc.
Nhiều năm trôi qua nhưng vụ việc này vẫn được nhắc đến vì mức độ man rợ của Nghĩa. Hành vi của sát thủ này đã phải trả giá, thế nhưng, những người thân đã gượng sống ra sao sau tội ác tày trời của Nghĩa?
Chân dung Nguyễn Đức Nghĩa qua lời kể của luật sư
Là luật sư được chỉ định bào chữa cho Nguyễn Đức Nghĩa, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn luật sư TP. Hà Nội) đã có rất nhiều kỉ niệm với Nghĩa. Mặc dù vụ án ấy đã xảy ra cách đây hơn 3 năm và Nghĩa phải nhận mức án cao nhất dành cho hành vi của mình nhưng phía sau bản án mà Nghĩa phải chịu đó là nước mắt của cả hai gia đình, gia đình bị hại và gia đình Nghĩa. Bản thân cha của Nghĩa cũng mất do tai nạn giao thông chỉ một thời gian ngắn sau khi Nghĩa gây án.
Kể lại những kỉ niệm ấy, luật sư Nguyễn Anh Thơm thở dài và tiếc cho một sinh viên ưu tú sinh ra tại đất Cảng Hải Phòng với tương lai rộng mở trước mắt. Chỉ trong phút bồng bột, chàng sinh viên ấy đã cướp đi sinh mạng người yêu cũ của mình bằng thủ đoạn tàn độc. Từng đi qua rất nhiều vụ án, từng bào chữa cho không ít đối tượng “bặm trợn” cũng với hành vi giết người dã man, nhưng lần đầu gặp bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa, luật sư Thơm thực sự bất ngờ bởi vẻ ngoài thư sinh, nho nhã toát lên từ con người này.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội). (Ảnh: Thu Trang)
Ban đầu khi tiếp nhận vụ án này, luật sư Thơm kể rằng, những ồn ào của dư luận chưa thực sự mạnh mẽ và bản thân luật sư cũng không nghĩ sau đó, vụ án lại gây được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng và trở thành vụ án “điểm”.
“Qua cách nói chuyện, Nghĩa luôn thể hiện mình là con người có học thức, có văn hóa. Lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, lịch sự. Đặc biệt, Nghĩa có giọng nói rất truyền cảm thu hút người đối diện. Ngay từ lần đầu tiếp xúc với Nghĩa, tôi đã đặt ra câu hỏi: Tại sao người ngồi trước mặt tôi với cặp kính dầy và gương mặt sáng sủa, điển trai ấy lại có thể có hành động giết người dã man như thế?”, luật sư Thơm nhớ lại.
Tòa nhà nơi Nguyễn Đức Nghĩa gây ra vụ án mạng kinh hoàng.
Vị luật sư này kể tiếp: “Khi nói chuyện về gia đình, về tình yêu, Nghĩa đã khóc. Bản thân Nghĩa lúc ấy cũng xác định, khi bị bắt thì cơ hội thoát án tử hình là rất thấp và Nghĩa sẵn sàng chấp nhận sự trừng trị của pháp luật. Bản năng con người không ai muốn chết và Nghĩa cũng thế, Nghĩa nuôi hi vọng sẽ có một điều thần kì nào đó đến với mình để có cơ hội làm lại cuộc đời, để đền đáp lại công ơn sinh thành của cha mẹ. Nhưng không thể...”.
Những giọt nước mắt ân hận của Nghĩa còn rơi nhiều lần sau đó khi Nghĩa ngồi trao đổi với luật sư về vụ án, về cuộc sống. Bản thân Nghĩa khi đó cũng không lí giải được hành vi giết người của mình. Sai lầm nối tiếp sai lầm để rồi để lại hai gia đình với những mái đầu bạc ngày ngày ngóng tin con trong niềm xót xa vô vọng.
Tình cha con sâu nặng
Khi nhắc tới người cha quá cố của Nguyễn Đức Nghĩa là ông Nguyễn Đức Hùng, giọng luật sư Nguyễn Anh Thơm chùng xuống.
Người cha với nét nhân hậu hiện rõ trên gương mặt đã trải qua nhiều sương gió cuộc đời nên rất mạnh mẽ. Ông là người sống có lòng tự trọng, khái tính, thẳng thắn, bộc trực với giọng nói truyền cảm. Ẩn sâu trong đó là người cha hết mực yêu thương con. Đó là những ấn tượng của luật sư Thơm về ông Hùng ngay trong lần đầu gặp gỡ.
Qua lời kể của ông Hùng, luật sư Thơm phần nào hiểu thêm về Nguyễn Đức Nghĩa. Nghĩa là một đứa con hiếu thảo, là niềm hi vọng của cả gia đình. Rời mảnh đất Kiến An, Hải Phòng lên Hà Nội học đại học, Nghĩa thường xuyên gọi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ. Đặc biệt, Nghĩa không bao giờ đòi hỏi bố mẹ tiền bạc.
“Ông Hùng xây dựng cho mình niềm tin rất lớn rằng con ông là người tốt, có nhiều tình tiết để giảm nhẹ tội. Chính vì vậy, khi nghe tòa tuyên án tử hình đối với Nghĩa, ông đã suy sụp hoàn toàn”, luật sư Thơm chia sẻ.
Ngôi nhà Nguyễn Đức Nghĩa tại Hải Phòng giờ cũng đóng cửa im ắng.
Khó khăn lớn nhất với luật sư Nguyễn Anh Thơm trong vụ án này chính là vượt qua áp lực của chính bản thân mình. Bởi lẽ, nhiều người đặt ra câu hỏi với luật sư: Tại sao một vụ án man rợ như thế mà ông vẫn hết lòng, hết sức? Còn với luật sư Thơm, ông luôn nghĩ, đó là trách nhiệm của một người hành động để bảo vệ cán cân công lý.
Luật sư Thơm nói: "Trong những ngày tôi nhận bào chữa cho Nguyễn Đức Nghĩa tại tòa, nhiều người, cả người Việt Nam và người nước ngoài đã gửi thư tới văn phòng luật sư của tôi. Lúc ấy có hai xu hướng: Một là phải tử hình Nghĩa; Hai là có người đưa ra những lí lẽ để cứu Nghĩa. Tuy nhiên đó chỉ là dư luận”.
Vị luật sư này cũng không sao quên được gương mặt có phần chạnh lòng cùng ánh mắt đầy hi vọng của ông Hùng khi nghe luật sư làm “công tác tư tưởng” về bản án mà Nguyễn Đức Nghĩa sẽ phải đón nhận sau những tội ác mình gây ra.
“Ông Hùng đã rất buồn khi đón nhận tin dữ đến với đứa con trai duy nhất của mình. Nhưng ông luôn hi vọng sẽ có những tình tiết giảm nhẹ hình phạt để con ông có cơ hội làm lại cuộc đời. Dù là mãi mãi ở trong tù nhưng ông cũng không muốn chứng kiến cảnh “đầu bạc tiễn đầu xanh”. Ông nói, mình có thể làm bất kì điều gì để cứu con. Rồi ông lặng lẽ ra về. Những ngày sau, ông Hùng cũng hay gọi điện cho tôi để hỏi thăm tình hình sức khỏe của Nghĩa. Và, ông cũng không ngừng nuôi hi vọng vào điều thần kì sẽ xảy đến với Nghĩa”, luật sư Thơm kể.
Ngày nghe tin ông Hùng qua đời (30/10/2010) trong vụ tai nạn giao thông trên đường từ Hưng Yên về, luật sư Thơm hết sức bàng hoàng. Ban đầu, ông nghĩ đó chỉ là tin đồn ác ý. Nhưng khi biết đó là sự thật, trong lòng luật sư Thơm thấy nặng trĩu. Thoáng trong suy nghĩ của ông lúc đó là những ấn tượng về tình cảm cha con sâu nặng.
Rồi, ông nghĩ về bà Chuân, mẹ của Nghĩa. Trong mắt luật sư Thơm, bà Chuân là người phụ nữ hiền lành, chất phác. Nét mặt suy sụp, đau khổ của bà đã phần nào nói lên tình thương cháy bỏng của người mẹ với con trai. Lần nào nói chuyện với luật sư Thơm, bà cũng mong luật sư cố gắng hết sức để giúp Nghĩa được sống, để có cơ hội sửa lỗi lầm của mình. Hơn ai hết, luật sư Thơm hiểu nỗi bất hạnh của người phụ nữ khi nỗi đau với tin con phạm tội giết người chưa nguôi lại gánh thêm nỗi đau mất chồng...
Luật sư Thơm nhớ lại: “Tôi cũng đã từng qua gặp gia đình nạn nhân Nguyễn Phương Linh để thắp hương cho người xấu số và chuyển lời xin lỗi của Nghĩa tới gia đình. Bố của Linh cũng rất tôn trọng và chia sẻ với công việc của luật sư”.
Sau khi ông Hùng qua đời, số tiền 40 triệu mà vợ chồng ông đi vay mượn nhưng chưa kịp bồi thường cho gia đình bị hại đã được luật sư Thơm cầm vào phòng thi hành án nộp giúp theo đúng tâm nguyện của ông. Thế nhưng, theo lời kể của luật sư Thơm, hiện tại gia đình nạn nhân vẫn chưa nhận số tiền đó.
Đứng trên góc độ người bảo vệ công lý, luật sư Thơm thương cảm cho cả hai gia đình, đặc biệt là hai người bố. Một ông bố hết sức đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho con gái đã mất, một ông bố đấu tranh cho sự sống của con trai. Nhưng cả hai bên đều là những người rất thương con và họ vô tội. Ở hai mái đầu bạc ấy có nhiều điểm chung và luôn dành cho nhau sự tôn trọng. Bởi lẽ, họ đều có những năm tháng từng trải nên thấu hiểu nỗi lòng của nhau.
Trong vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, bài học lớn nhất mà luật sư Nguyễn Anh Thơm rút ra được đó là bài học về tình cảm gia đình, tình máu mủ ruột già…