93% tiền phí thu được từ tuyến đường cao tốc TP.HCM- Trung Lương sẽ được nộp vào ngân sách, cơ quan thu phí được trích lại 7%
Ngày 8/2, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 14/2012/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Theo đó, phí sử dụng đường bộ đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương là khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước.
Trong số đó, cơ quan thu phí được giữ lại 7% số tiền phí sử dụng đường bộ để trang trải cho các hoạt động thu phí, bao gồm: Chi hoạt động thường xuyên tổ chức thu phí ( tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp...). Chi trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thu phí. Mức trích lập 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 tháng lương thực hiện nếu số thu cao hơn năm trước hoặc bằng 2 tháng lương thực hiện nếu số thu thấp hơn hoặc bằng số thu năm trước.
93% số tiền phí thực thu còn lại phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Thông tư của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7/2.
Đường bộ đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương chính thức được đưa vào vận hành từ 3/2/2010 đi qua địa phận 3 tình/thành là TP.HCM, Long An và Tiền Giang. Đây là đường cao tốc dành cho ô tô đầu tiên tại Việt Nam với 8 làn xe ô tô với chiều dài toàn tuyến là 61,9km, vận tốc thiết kế 120km/giờ, tổng kinh phí đầu tư 9.884 tỷ đồng.
Với tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, thời gian từ TP.HCM đi Tiền Giang được rút ngắn chỉ còn khoảng 30 phút, thay vì 90 phút như hiện nay. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thông xe, tuyến đường này đã xuống cấp và hư hỏng mặt đường nghiêm trọng.