Không chỉ giúp cảnh báo sóng thần, hệ thống cáp quang này còn truyền tải những thay đổi bất thường trong nhiệt độ đại dương, từ đó đưa ra các thông số phục vụ nghiên cứu biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nhóm khoa học gia, kĩ sư và các quan chức viễn thông Mỹ hiện đang phác thảo dự án lắp đặt hệ thống cáp ngầm gắn các bộ cảm biến, phát hiện nhanh chóng những di chuyển địa lí dưới lòng biển và thảm họa tiềm năng.
John Orcutt – Giáo sư địa vật lí tại Viện Hải dương học Scripps tại La Jolla, California cho biết: “Hơn 70% diện tích trái đất là nước, do đó việc lắp đặt hệ thống cáp quang ngầm dưới biển sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về thế giới rộng lớn này".
Theo thiết kế, tốc độ truyền dữ liệu tối đa của cáp quang là 40 gigabit/giây. Các chuyên gia sẽ cho lắp đặt đường cáp dài 12.950 km nối thành phố Sydney tới Auckland, sau đó sẽ nối Thái Bình Dương với thành phố Los Angeles. Tuy nhiên với nguồn kinh phí hiện tại, các nhà khoa học sẽ cho lắp đặt các bộ cảm biến trên đoạn cáp dài 75 km.
Ngoài ra, các máy địa chấn kế, áp suất kế và bộ cảm biến nhiệt cũng sẽ được cài trên đường cáp, cho phép các nhà nghiên cứu đo cường độ và hướng di chuyển của các đợt sóng thần ngang qua đại dương một cách nhanh nhất và chính xác nhất, nhằm cảnh báo tới các cơ quan quản lí thiên tai và nhanh chóng di tản dân cư sinh sống trên cung đường cơn sóng thần đi qua.