Sắp bùng nổ sáp nhập ngân hàng: Lợi cả đôi đường?

Năm 2015 sẽ có 6 thương vụ ngân hàng sáp nhập. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ triển khai quyết liệt tái cơ cấu và xử lý nợ xấu trong 6 tháng.

Việc sáp nhập ngân hàng yếu vào ngân hàng mạnh sẽ diễn ra tới đây. Đó sẽ là cuộc sáp nhập để tạo nên sức mạnh hay chỉ gỡ khó?

Ngăn chặn đổ vỡ

Những ngày này, xuất hiện thông tin các cặp đôi Vietcombank với Saigonbank, Vietinbank với Pgbank, BIDV với MHB - (Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long) sắp sáp nhập… Nhiều nguồn tin cho thấy,  các cặp trên đã ít nhiều kín đáo tìm hiểu nhau, thậm chí có ngân hàng đã “dạm hỏi” chuẩn bị “chốt”.


 Sáp nhập có giúp các ngân hàng giải quyết những tồn tại?. Ảnh: Minh Họa.

Đề cập câu chuyện tái cơ cấu cuối tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, giai đoạn 1 vừa qua, mới chỉ xử lý những ngân hàng yếu kém nhất trong hệ thống. Nhưng lúc đó, do môi trường vĩ mô tiền tệ bất ổn nên hạn chế xử lý. Đến nay, môi trường ổn hơn, tiềm lực của NHNN được nâng lên nhiều, cho phép có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

“NHNN sẽ triển khai quyết liệt và đồng bộ việc tái cơ cấu, sáp nhập và xử lý nợ xấu trong 6 tháng đầu năm nay; 6 tháng cuối năm chỉ xử lý nốt những việc còn lại”, Thống đốc Bình nói.

Trước e ngại dồn dập sáp nhập ngân hàng, TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát quốc gia, phân tích, những vấn đề nội tại của hệ thống ngân hàng cần có phương thức xử lý riêng, ví dụ ngân hàng mạnh có thể giúp được ngân hàng yếu kém, ngân hàng lớn có thể trợ giúp ngân hàng nhỏ. Bài học này đã được rút ra từ nhiều kinh nghiệm thành công trong giai đoạn những năm 2000.

Ông Ngoạn nói: “Tôi còn nhớ đầu năm 2000, khi hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện tái cơ cấu, hơn 10 NHTM đã rút khỏi thị trường bằng phương thức M&A và được các tổ chức tín dụng (TCTD) quốc tế đánh giá cao. Không có lý do gì, trong thời điểm thuận lợi với nhiều kinh nghiệm, chúng ta không thực hiện phương thức này khi đã áp dụng thành công trước đây”.

Về các NHTM đã tham gia sáp nhập giai đoạn 1, ông Ngoạn nói: Qua giám sát, chúng tôi nhận thấy, nhóm ngân hàng yếu kém đã có chuyển biến tích cực như chỉ số về huy động vốn, thanh khoản, xử lý nợ, cho vay/huy động vốn… đều tăng cao so với mức trung bình chung của toàn hệ thống.

Các ngân hàng này cũng đã trả được nợ tái cấp vốn cho NHNN trong thời gian trước. Tất nhiên, còn 1-2 ngân hàng khó khăn và cần thêm thời gian để tái cơ cấu. Đây là bước chuyển quan trọng để ngăn chặn ngân hàng đổ vỡ”.


 Có thương vụ sáp nhập sẽ không là cái bắt tay hớn hở (ảnh minh hoạ). Ảnh: Ngọc Châu.

Thống đốc động viên

2015 là năm “chốt” của đề án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 1 từ 2011 đến 2015. Như vậy, dù muốn hay không, NHNN phải cơ bản xử lý xong đợt 2 sáp nhập ngân hàng và phải tạo ra đột phá mới kiên quyết xử lý yếu kém còn tồn tại về định chế. Chính vì vậy, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, xu hướng tới đây sẽ là các NHTM Nhà nước đều phải tham gia vào quá trình tái cơ cấu cùng các NHNN, theo hướng phải nhận về các ngân hàng nhỏ, yếu kém.

“Quan điểm của NHNN là trong giai đoạn 2 sáp nhập ngân hàng, sẽ có những TCTD đủ mạnh thông qua đó để xử lý. Có những TCTD, NHNN sẽ xử lý trực tiếp”, Thống đốc nói.

Ông Bình cũng động viên 3 ngân hàng Vietcombak, Vietinbank, BIDV (tham gia quá trình tái cơ cấu cùng NHNN): “Tôi xin khẳng định, tham gia đợt này, ngân hàng không mất mát gì về tiền bạc hay tài sản. Cái ngân hàng phải bỏ ra là công sức, uy tín, kinh nghiệm, đào tạo. NHNN sẽ có cơ chế chính sách để các ngân hàng tham gia không bị thua thiệt”.

Trước câu hỏi, ngay từ đầu năm đã nhiều thông tin liên quan tái cấu trúc ngân hàng, năm 2015 liệu có bùng nổ sáp nhập, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, tái cơ cấu là quá trình gian nan. “Quan trọng, những năm qua đã có chuẩn bị căn bản. Đây là điều kiện thuận lợi để năm 2015 sẽ có nhiều cuộc sáp nhập ngân hàng. Nếu dùng từ “bùng nổ” của sáp nhập thì cũng hợp lý”, ông Ngoạn nói.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng, chỉ ngân hàng nhỏ muốn gắn toa tàu của họ vào ngân hàng lớn để tồn tại, còn các ngân hàng lớn phải làm theo “chỉ định” vì họ không muốn “ôm” các ngân hàng nhỏ.