Ở các quốc gia trên thế giới, thông tin về EURO tràn ngập trên báo chí, hình ảnh của anh em sinh đôi Slavek và Slavko xuất hiện với tần suất khá lớn trên truyền hình. Bên cạnh với công tác truyền thông, Ba Lan và Ukraina cũng đẩy nhanh tiến độ của các công trình xây dựng vào loại tầm cỡ để phục vụ tốt nhất nhu cầu của các CĐV sẽ tới đây cổ vũ đội bóng mà họ yêu mến thi đấu. An ninh được trang bị tận răng ở sân bay với đội hình tiếp đón là những nữ cảnh sát xinh đẹp….
Chiến lược quảng bá cho EURO 2012 của Ba Lan và Ukraina có những sai lầm (Ảnh Getty)
Những nỗ lực của BTC phần nào đã tạo được hiệu ứng khi thế giới biết nhiều hơn về con người, xã hội và những thắng cảnh đẹp của hai quốc gia từng “khép kín” trong “Bức màn sắt”. Thế nhưng khi thế giới đang hồ hởi chờ đón sự kiện 4 năm mới có một lần sẽ diễn ra trong 8 ngày nữa thì ngay tại hai nước chủ nhà, giải đấu lại đang bị một bộ phận lớn người dân nơi đây tẩy chay và khinh miệt.
Những thiếu sót trong chiến lược truyền thông của hai nước đã xuất hiện khi họ quá quan tâm đến việc hút khách du lịch mà quên rằng cần phải làm cho chính người dân nước nhà tập thích nghi với một sự kiện thể thao lớn, vốn hiếm khi xuất hiện ở đây. Theo đánh giá của một số chuyên gia, Ba Lan bị cho là thiếu kinh nghiệm thích ứng với những sự kiện lớn. Người dân nơi đây quá thận trọng với việc hàng ngàn du khách sẽ xuất hiện ở nơi họ sinh sống và phá vỡ đi nét an bình thường nhật.
Nỗi lo át cả đam mê bóng đá
Thậm chí ngay với cả những người hâm mộ bóng đá, giờ họ cũng coi EURO là một sự kiện bình thường bởi đam mê túc cầu của họ đã bị những lo lắng khác trấn át. Đó chính là sự bất bình về sự đầu tư quá mức của Chính phủ vào giải đấu này. Ở một đất nước mà thu nhập bình quân chỉ khoảng 960 bảng Anh/tháng như Ba Lan và hệ thống cấp nước sạch vẫn còn là mơ ước của nhiều người thì chuyện Chính phủ đầu tư hàng tấn tiền vào các sân vận động bị coi là sự lãng phí nhất là khi người dân đang rất hoài nghi về khả năng giải đấu sẽ mang lại lợi nhuận có thể bù đắp nổi số tiền đã bỏ ra để rót vào công tác xây dựng.
Một vấn nạn nữa đang đe dọa tới xã hội Ukraina chính là nạn mại dâm. Theo thống kê sơ bộ của cảnh sát sẽ có khoảng 12.000 gái bán hoa hoạt động tại Ukraine trong thời gian diễn ra EURO với 30% trong số đó đã nhiễm HIV. Con số nói trên đã khiến cho EURO từ một ngày hội trở thành gánh nặng xã hội cho chính quốc gia đăng cai tổ chức.
Theo Trung tâm nghiên cứu cộng đồng Ba Lan, cuộc điều tra gần đây cho thấy chỉ có 48% dân số được hỏi hài lòng với giải bóng đá sắp diễn ra trên đất nước mình. Chỉ còn 8 ngày nữa là EURO sẽ khởi tranh thế nhưng làn sóng phản đối diễn ra ngày càng mạnh mẽ của FEMEN, của các nhà hoạt động vì bình đẳng giới và của ngay chính dân thường đang khiến giải đấu này trở nên mờ nhạt ngay chính nơi nó được tổ chức.