Hiển nhiên thị trường dịch vụ cũng cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Trong cuộc chiến sinh tồn ấy, giới dịch vụ trại hòm đẻ ra vô số “quái chiêu” giành giật, kiếm tiền người chết.
Ông T., một chủ trại hòm lâu năm và danh tiếng ở Q.Tân Bình bắt đầu câu chuyện với tôi bằng vẻ sầu não. Mấy chục năm trong kinh doanh trại hòm, ông chưa bao giờ thấy cái nghề này bị người đời khinh bạc như hiện tại.
Diều hâu ăn xác
“Cũng phải thôi. Bây giờ người ta giành giật xác chết với nhau hàng ngày, đạo đức tâm huyết nghề nghiệp đâu còn giá trị gì nữa”-ông buồn rầu. Theo ông, dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng số lượng trại hòm ở Sài Gòn không dưới 500. Thế nhưng, những trại hòm tử tế chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Ngày trước, khi có người nằm xuống, người ta nghĩ ngay đến những trại hòm danh tiếng và uy tín lâu năm ở Sài Gòn như Công Thọ, Tân Lập, Tân Thành Lợi, Vạn Phước.... Bây giờ khó lắm. Người chết ở đâu là có “cò” xuất hiện ở đó. Chết ngoài đường thì có xe ôm, chết bệnh viện thì có đội quân ở nhà xác, chết ở nhà thì có thầy tụng, thậm chí cán bộ khu phố giới thiệu dịch vụ mai táng. Tất cả đều có “phần trăm” do trại hòm chi. Tất nhiên phần tiền trung gian này được cộng vào chi phí mà thân nhân người chết phải bỏ ra.
Người ta gọi đội quân cò xác ở các bệnh viện là “diều hâu”. Mỗi bệnh viện có hàng chục diều hâu. Trước đây đội quân này tập trung ở nhà xác. Bây giờ diều hâu đứng canh ngay cửa phòng cấp cứu để “bắt mùi” những ca có nguy cơ tử vong cao và “làm việc” với gia đình người bệnh. Khi những hứa hẹn dịch vụ, giá cả không thuyết phục được gia đình bệnh nhân, họ quay sang hù dọa. Chiêu thức phổ biến của diều hâu là dọa nếu không được trại hòm lo, sẽ phải mổ tử thi. Khi nạn nhân “sập bẫy” là lúc những mức giá chóng mặt lập tức được đưa ra. “Họ làm riết rồi vạ lây cho các trại hòm uy tín”-ông T. kể. Trước đây, bệnh viện liên hệ trực tiếp với trại hòm khi có yêu cầu của gia đình người chết. Trại hòm kiêm luôn việc mai táng cho những người tứ cố vô thân, không nơi nương tựa. Nay diều hâu lộng hành, các trại hòm tử tế gần như rút hết khỏi bệnh viện, người bất hạnh không biết nương nhờ ai để có đám ma cho đàng hoàng.
Dạng nữa là các trại hòm không đàng hoàng hay dùng là rải “cá lòng tong” trên đường gây áp lực với cả người gây tai nạn lẫn gia đình nạn nhân để được tổ chức đám ma. Một khi kiếm tiền dễ ợt, cò vươn lên thành chủ trại hòm. Cò nhỏ thì làm “đại lý” cho trại hòm để ăn chênh lệch, in cac-vi-dít, treo bảng nhưng không hề có chiếc quan tài nào. Rồi thì trại hòm dùng quan tài gỗ tạp, gỗ ép để lừa gia chủ bằng giá cắt cổ... “Ai cũng đổ xô kiếm tiền bằng dịch vụ mai táng mà quên mất đây là cái nghề đạo đức”- ông T. buồn kể, đã không ít người trả giá, nhưng ma lực đồng tiền chẳng kẻ nào biết sợ. Nhiều kẻ làm ăn không chân chính nhẹ thì gia đình ly tán, con cái tù tội. Có người giàu có lên nhanh chóng nhưng cuối đời mất sạch, chết đi không có lấy chiếc quan tài tử tế để mà chôn.
“Năm năm trở lại đây, trại hòm mọc thêm không đếm xuể, thương hiệu trại hòm lớn bị nhái vô tội vạ”-ông chủ Chiêu của trại hòm Vạn Phước nói với tôi. Chỉ riêng Vạn Phước đã bị nhái ở khắp nơi, đi đâu cũng gặp Vạn Phước, Tân Vạn Phước. Thực chất Vạn Phước của ông chỉ có một trụ sở, thương hiệu có hàng chục năm nay. Cha của ông trước đây làm đội trưởng đội mai táng, năm 1993 thì mở trại hòm Vạn Phước rồi truyền lại cho ông phát triển cho đến ngày nay thành doanh nghiệp chuyên dịch vụ mai táng. Mỗi năm ít nhất Vạn Phước tổ chức tang lễ cho 200 người chết, có ngày hai ba đám là chuyện thường tình. “Bây giờ khách giảm hẳn vì quá nhiều trại hòm. Nhưng không sao cả, miễn sao mình làm ăn tử tế, lo cho người chết chu đáo là thấy thanh thản rồi”-ông tâm sự. Thường thì giá cả ma chay không đắt chỉ từ 10-20 triệu đồng trọn gói. Đắt hay không nằm ở quan tài.
Chuẩn bị quan tài cho người chết
Quan tài, thượng vàng hạ cám
Trong vai một người giàu có, đi tìm mua quan tài cho người nhà, chúng tôi ghé vào trại hòm T.L trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận. Bà chủ “hãng hòm” dúi vào tay cuốn ca-ta-lô đủ thứ quan tài từ Việt Nam đến Đài Loan, Anh, Mỹ, Malaysia, giá cả thì đủ thứ trên trời dưới đất. Riêng các quan tài nhập ngoại niêm yết bằng USD, rẻ cũng 2.000 USD, đắt thì cao gấp vài lần. “Toàn hàng nhập trực tiếp, bảo đảm chất lượng”-bà lởi xởi. Tôi bày tỏ muốn tìm mua một cỗ quan tài đặc biệt cho người thân. Nhưng “bắt trúng đài”, bà nói chỉ bán những cái hòm có một không hai chủ yếu làm từ gỗ pơ mu, giáng hương, gụ, xà cừ. Giá mỗi chiếc hòm dao động từ 170 đến 250 triệu đồng tùy từng loại gỗ và hình chạm khắc trên đó. Chỉ vào chiếc hòm làm bằng gỗ giáng hương, bà cho biết loại hòm này giới có tiền rất ưa chuộng, giá là 170 triệu đồng nhưng nếu muốn chạm trổ thêm hình rồng thì giá sẽ được tăng thêm vài triệu cho đến vài chục triệu. Một chiếc hòm cầu kỳ thường có 2 nắp, phía dưới nắp gỗ là một nắp thủy tinh trong suốt cho mọi người khi viếng có thể nhìn mặt người thân mình. “Nếu muốn tạo ấn tượng với người đi viếng nên mua hoa hồng đen rải xung quanh người mất, rất đẹp và sang trọng. Muốn hoa hồng nhập ngoại thì báo chị”-bà chào hàng.
T., ông chủ trại hòm H.T ở Q.8 niềm nở giới thiệu hãng hòm của mình thường được các đại gia lắm tiền lui tới và yêu cầu những cỗ quan tài lạ, độc nên phải thiết kế riêng cho các vị ấy. Nếu bày ra sẽ có nhiều người thấy đẹp mà muốn đặt giống như vậy hoặc ăn cắp kiểu dáng kinh doanh. Trại hòm của ông T. có rất nhiều mẫu quan tài dành cho đại gia và được chia làm hai dạng: Một là làm theo mẫu của cửa hàng có sẵn; Hai là khách hàng cung cấp mẫu, chất liệu gỗ, cơ sở của ông sẽ thuê thợ làm đúng theo yêu cầu của khách hàng. Các đại gia thường ưa chuộng hòm làm bằng gỗ vàng tâm, pơ mu và giáng hương, vì đây là những loại gỗ chống được mối mọt, có thớ gỗ đẹp và mùi thơm. Chỉ tầm 25-30 triệu đồng là đã có thể mua được một quan tài bền và đẹp nhưng những người có tiền tìm đến trại hòm của ông đều không chuộng loại này. Thường thì họ chọn gỗ pơ mu, giáng hương và kích thước quan tài phải to, 4 thành quan tài dày 8 cm trở lên, nắp dày 11 cm, đáy từ 6-8 cm, quan tài phải được đục đẽo tinh xảo. Kiểu dáng ưa chuộng của các đại gia là rồng, cọp, đại bàng, đính vàng 24k, 18k hoặc đá quý. Giá cả cũng theo đó mà thay đổi, thấp nhất là 1,5 tỷ đồng, cao thì lên đến cả chục tỷ đồng.
“Quan tài bây giờ là mốt chơi, cũng là một cách phô trương thanh thế”-ông chủ không ngại chia sẻ. Đã từng có chuyện đại gia đất Sài Gòn đặt một chiếc quan tài cho thân phụ làm trong vòng nửa năm. Tất cả nguyên vật liệu đều phải đặt hàng từ nước ngoài, giá sơ sơ có... 6 tỷ đồng. Lật cuốn sổ ghi chép của mình, ông T. cho chúng tôi xem danh sách các đại gia, địa chỉ giao hàng và những mẫu quan tài họ yêu cầu. Đưa cho chúng tôi xem hình cỗ quan tài của một đại gia vừa mất cách đây ít tháng, ông T. khoe: “Để gia đình ông ấy ưng ý, chúng tôi phải đánh gỗ từ Tây Nguyên về, mất mấy tháng mới rã được 6 tấm gỗ ưng ý, rồi phải xuống tận Thủ Dầu Một, Bình Dương để thuê thợ khắc gỗ có tiếng về chạm rồng, dát vàng 24k trên thân rồng và khắc chữ Tâm đính đá quý lên quan tài”. Số tiền mà vị đại gia ấy bỏ ra để người khác phải “lác mắt” khi đưa tiễn mình là 3,5 tỷ đồng.
Gặp lại ông chủ Chiêu của trại hòm Vạn Phước ở một đám ma tại Q.Bình Thạnh, ông khẽ cười khi tôi đem chuyện thú chơi quan tài ra kể lại. Nhiều năm hành nghiệp mai táng, ông không lạ những chuyện ấy. Trại hòm của ông cũng có nhiều chủng loại quan tài nhưng quan tài bạc tỷ thì ông không màng đến. “Nhiều người làm quan tài bạc tỷ, như cái lâu đài thật sự để làm gì, rồi cũng thành cát bụi cả. Cái quan trọng là tâm thế đi vào kiếp sau, là thứ để lại cho người sống mà thôi”-ông nói chân thành. Đám ma bữa ấy của một cụ ông. Quan tài vừa để lên xe rồng, hai bà vợ và cả chục con lao vào giành nhau quyền ôm di ảnh, ngồi gần quan tài. Đôi bên đánh nhau to, nhân viên trại hòm Vạn Phước vất vả lắm mới can ngăn được. Nhiều người nói với tôi cõ lẽ ông này chết đột ngột, chưa để di chúc nên các bà vợ còn lấn cấn tài sản. Có nhiều đám nghiêm trọng hơn, một ông mà nhiều bà, khi sống không ai biết, khi chết vợ con đâu kéo đến giành nhau để tang, giành giật như vỡ chợ. Dân mai táng chỉ còn biết nhìn ngao ngán. Chợt thấy lời ông chủ Chiêu quả thật quá đúng. Ai rồi cũng trở thành cát bụi, vấn đề là để lại gì trong tâm tưởng người sống mà thôi.