Suốt hơn 20 năm, ông không ngần ngại bỏ công sức chăm sóc những bệnh nhân neo đơn ở bệnh viện tỉnh Bình Dương; đặc biệt là những ca bệnh nhiễm HIV/AIDS mà xã hội vẫn còn nặng tâm lý kì thị, né tránh. Ông còn rước cả bệnh nhân về nhà để tiện bề chăm sóc với suy nghĩ duy nhất là giúp xã hội thay đổi cách nhìn về “căn bệnh thế kỉ”. Người đàn ông chúng tôi đang muốn nhắc tới tên là Thượng Văn Chiêu (53 tuổi, ngụ tại số nhà 54/3, khu phố Thạnh Hòa B, phường An Thạnh, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Cơ duyên từ ngày vào bệnh viện chăm nuôi mẹ già
“Hiệp sĩ” là tên gọi các bác sĩ ở khoa Nhiễm - Bệnh viện đa khoa Bình Dương và bệnh nhân mắc HIV/AIDS “phong tặng” ông Chiêu. Sinh ra trong gia đình nghèo khó tại thị xã Thuận An, mồ côi cha từ nhỏ, mẹ lại già yếu nên chàng trai Thượng Văn Chiêu ngày xưa phải sớm làm thuê làm mướn mưu sinh. Năm 1992, mẹ anh bị bệnh nặng phải nhập viện điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương. Hàng ngày túc trực chăm sóc mẹ, chứng kiến cảnh những bệnh nhân bất hạnh thiếu bàn tay người thân khiến ông Chiêu động lòng thương cảm. Ban đầu chỉ là những câu hỏi thăm, sau đó ông không ngần ngại giúp đỡ họ từ việc mua cơm, lấy nước, đút cơm đến tắm rửa, giặt giũ quần áo. Ông nói, làm mãi thành quen, hôm nào không tới bệnh viện lại cảm thấy “áy náy có lỗi”.
Năm 1993, ở bệnh viện Bình Dương xuất hiện ca bệnh nhiễm HIV/AIDS đầu tiên. Trước sự bỡ ngỡ của đội ngũ y bác sĩ cũng như người nhà bệnh nhân, nam thanh niên nhiễm căn bệnh thế kỷ càng thêm bất mãn, suy sụp. Suy nghĩ phải làm gì đó để giúp chàng trai không may mắn vượt qua sự mặc cảm? Thế rồi, ông Chiêu mạnh dạn gần gũi, giúp đỡ bệnh nhân này một cách đặc biệt hơn. Lúc đầu ông bị mọi người cho là “khùng” bởi tiếp xúc như vậy có thể rước họa vào thân. Thế nhưng bằng sự chân tình và lòng thương người, ông Chiêu tiếp tục công việc chăm sóc bệnh nhân này mỗi ngày.
Đến nay, câu chuyện ông Chiêu tình nguyện chăm sóc các bệnh nhân “căn bệnh thế kỷ” không còn là chuyện lạ. Kể về trường hợp một bệnh nhân được ông đưa vào bệnh viện cấp cứu rồi chăm sóc đến ngày em qua đời, nữ hộ lý cho biết: “Dù không họ hàng thân thích, cũng chẳng quen biết từ trước nhưng khi nghe kể em bé bị bại liệt, hai chân bị hoại tử vẫn lê lết trên đường bán vé số nuôi thân, anh ấy đã cất công tìm kiếm em khắp các ngả đường rồi đưa vào bệnh viện chăm sóc như con ruột”.
Cũng từ những việc làm cao thượng ấy, ông Chiêu may mắn quen biết với người bạn đời - bà Nguyễn Kim Tuyết (điều dưỡng viên tại khoa nhiễm Bệnh viện đa khoa Bình Dương). Bà Tuyết tâm sự: “Ban đầu thấy ổng khác lạ nhưng tiếp xúc mãi thành quen, dần dần nảy sinh tình yêu”. Năm 1997, hai người kết hôn, cũng từ đó ông Chiêu có thêm “trợ thủ” đắc lực trong việc chăm sóc người bệnh cũng như cảm thông san sẻ những vất vả.
Trông bề ngoài, ông Chiêu có bộ mặt khắc khổ, nước da đen sạm và đầu tóc đã ngả màu. Hơn 20 năm tự nguyện cống hiến sức lực, tâm huyết chăm lo cho bệnh nhân, ông Chiêu già hơn nhiều so với cái tuổi 53. Cầm trên tay những tập tài liệu hướng dẫn cách chăm sóc cho người bệnh HIV/AIDS, ông tự tin chia sẻ những kiến thức liên quan đến căn bệnh thế kỉ, cách phòng tránh như một chuyên gia.
Rước người bệnh về nhà riêng chăm nuôi không công
Bản thân ông tự nguyện giúp đỡ người bệnh chỉ với mục đích duy nhất là ngăn chặn để căn bệnh này không lây lan cộng đồng. Bởi vậy, ngoài thời gian đến bệnh viện, ông Chiêu còn rước cả người bệnh về nhà để tiện bề săn sóc. Hầu hết đó là những bệnh nhân cô đơn bất hạnh, bị người thân ruồng bỏ và bệnh tình đã ở giai đoạn cuối. Ông Chiêu cặm cụi dùng ván ngăn căn nhà mình đang sống rồi tự kê giường và bắt đầu đón người bệnh về nhà chăm sóc từ năm 2002 đến nay. Thời gian đầu ông bị hàng xóm gièm pha, chê bai là “hâm, dở hơi” nhưng dần dần ông đã khiến người khác phải thay đổi cách nghĩ, ông nói: “Bệnh HIV/AIDS không dễ lây lan, không quá đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ. Ngược lại càng xa lánh người ta sẽ càng tạo cơ hội cho bệnh lây lan từ việc thiếu ý thức”.
Tiếng lành đồn xa, mọi người từ khắp nơi đến ông nhờ giúp đỡ. Do nhà nhỏ nên mỗi ông Chiêu chỉ có thể duy trì việc nuôi dưỡng từ 2 - 4 bệnh nhân. Cứ thế, hết lượt bệnh nhân này đến lượt khác thay nhau dưỡng bệnh tại nhà “hiệp sĩ”. Mỗi bệnh nhân gắn bó với ông Chiêu ít nhất cũng vài năm rồi mới “ra đi”. Không những thế, nhiều người bệnh neo đơn còn được ông Chiêu xoay xở tiền bạc mua tặng luôn quan tài.
Cảm động như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Tình (hơn 30 tuổi) được ông Chiêu chăm sóc từ bệnh viện rồi sau đó chuyển về nhà riêng nuôi dưỡng. Khi “sức cùng lực kiệt”, anh Tình bày tỏ nguyện vọng về đoàn tụ với gia đình ở Thừa Thiên - Huế. Thương người bệnh, ông Chiêu lại mượn tiền vợ, bán xe máy mới gom đủ 11 triệu để thuê xe đưa người xấu số về quê. Hay như trường hợp chị Hạnh (quê Quảng Bình, vào miền Nam làm công nhân) cũng bị nhiễm HIV/ AIDS. Thương cảm trước số phận của cô gái trẻ, ông Chiêu lấy hết số tiền dành dụm bao lâu rồi cất công vượt quãng đường xa xôi ra tận Quảng Bình tìm gia đình. Thế nhưng sau khi nghe về bệnh tình của con gái ở Bình Dương, gia đình đã từ chối nhận con về nuôi. “Đến gia đình còn cư xử như thế thì hỏi xã hội sẽ đối xử thế nào. Bởi vậy, con đường trở về của bệnh nhân HIV/AIDS còn lắm chông gai”, ông Chiêu rầu giọng trải lòng.
Hơn 20 năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, đã có lúc ông Chiêu muốn bỏ dở công việc đang làm để chăm lo vợ con. Thế nhưng, ông kể lại, ý nghĩ ấy vừa chợt loé lên, tâm can ông Chiêu lại dằn vặt. Những lúc ấy, câu động viên :“Mình làm phước cho mọi người cũng là để tích đức cho con sau này” của người vợ đã tiếp thêm động lực cho ông. Nhờ vậy suốt bao năm nay, người đàn ông ngoài tuổi 50 ấy vẫn miệt mài chạy xe đến các bệnh viện chăm sóc bệnh nhân.
Ông Chiêu thú nhận, sở dĩ có thể duy trì công tác từ thiện nhờ được bạn bè “cùng tâm hướng” giúp đỡ: “Mỗi người góp chút ít lại thành nhiều. Có người quyên góp tiền nhưng cũng có người tặng hiện vật, mua cơm đến cho”, ông Chiêu chia sẻ.
(Tên những nhân vật nhiễm HIV/AIDS đã được thay đổi)
Để tiến tới việc ngăn chặn và khống chế HIV/AIDS, một trong những nội dung quan trọng được thảo luận là “Dự thảo Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”. Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, Chiến lược đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%; Tăng tỷ lệ hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong độ tuổi 15 – 49 lên 90% vào năm 2020; Giảm số ca nhiễm mới HIV do lây truyền HIV qua đường tình dục và nghiện chích ma túy; 90% người nhiễm HIV/AIDS được điều trị ARV vào năm 2020; Hướng tới xóa bỏ tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV/AIDS vào năm 2020. |