Vui vì được ăn Tết hai lần
Không như tưởng tượng của nhiều người khi nghĩ về cái Tết buồn nơi đảo xa, giọng người lính trẻ khi nói về Tết bỗng trở nên sôi nổi. Trung úy Trần Như Hải, Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca cất giọng: “Là lính đảo, năm nào chả được ăn hai cái Tết. Ăn Tết với người thân nơi quê nhà, bạn bè, đồng đội để rồi chia tay ra đảo làm nhiệm vụ, khi ra tới đảo, đến Tết Âm lịch lại được ăn Tết cùng với anh em ngoài đảo. Như thế là hạnh phúc nhất rồi còn gì!”.
Lính đảo cùng với các diễn viên đoàn nghệ thuật quân đội.
Nói vậy nhưng người lính dạn dày sóng gió vẫn chẳng kìm được lòng khi nói đến vợ con. Đã nhiều năm nay anh ăn Tết với đảo xa, mọi việc trong gia đình đều do một tay vợ chăm sóc và quán xuyến. Ba cô con gái đều đến tuổi cắp sách tới trường nhưng vắng bóng người đàn ông trụ cột khiến vợ anh ở nhà phải đóng trọn hai vai. Vừa phải lo toan chu đáo cho bố mẹ hai bên, vừa cần mẫn kiếm tiền nuôi dạy các con. “Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở Đức Thọ - Hà Tĩnh, một vùng quê nghèo nhưng có truyền thống cách mạng. Nơi ấy không chỉ là nơi để quay về, là nơi để dừng chân mà chính là niềm tin, là hy vọng để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, anh Hải bộc bạch.
Hàng năm, vào dịp giáp Tết, không khí của đảo Trường Sa trở nên nhộn nhịp lạ thường. Những người lính ra đảo đợt này khệ nệ vác đủ loại hàng Tết ra cho đồng đội, còn người ngoài đảo thì cố gắng hoàn thành nốt công việc trong năm để chia tay đồng đội, trở về đất liền.
Kể về việc chuẩn bị Tết cho bộ đội Trường Sa, thượng úy Trần Xuân Tảo - Chính trị viên phó Đảo Sơn Ca cho biết: Dù còn nhiều khó khăn song khẩu phần ăn Tết của bộ đội Trường Sa ngày càng được cải thiện hơn. Nếu tính trị giá bằng tiền thì mỗi chiến sĩ được hưởng suất ăn trị giá trên 200.000 đồng, bao gồm 3 cái bánh chưng và cả cà phê, nước ngọt, bánh mứt kẹo, bia lon... Lượng thịt lợn, thịt bò được cung cấp đủ để chế biến những món ăn mang hương vị Tết truyền thống cho các chiến sĩ hải quân.
Dù cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng bộ đội Trường Sa đón Tết vui không kém ở nhà. Chiều 28 - 29 Tết, anh em cùng nhau quét dọn nhà cửa, mổ lợn, mổ gà, gói bánh chưng và "tắm tất niên" đón năm mới. Nhóm khác thì bày biện bàn thờ tổ tiên, bàn thở Tổ quốc. Thiếu trái cây thì anh em hái xoài biển, bàng vuông bày mâm ngũ quả. Không hoa hồng, không lay ơn, thược dược nhưng đã có “hoa đào chiến sĩ” khoe sắc thắm làm cho mùa xuân trên Trường Sa đầy ắp không khí vui tươi. Khi bóng tối bao phủ khắp đảo, nồi bánh chưng được bắc lên bếp lửa hồng reo vui. Chiến sĩ cả đảo quây quần quanh nồi bánh chưng, bao nhiêu tài lẻ, bao nhiêu trò nghịch ngợm tinh quái của lính đảo đều được lôi ra trình diễn, tiếng cười lan ra muôn nơi.
"Sau phút giao thừa thiêng liêng nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước, chỉ huy các đảo đều tổ chức những hoạt động chúc Tết, văn hoá, văn nghệ và nhiều trò chơi thú vị để anh em được đón Tết trên đảo ấm cúng thân tình như đang ở trong gia đình mình vậy", anh Tảo hào hứng kể.
Tranh nhau… đứng gác đêm giao thừa!
Điều hết sức đặc biệt đối với những người lính Trường Sa là khi nhận nhiệm vụ canh gác vào thời khắc thiêng liêng nhất, thời khắc giao hòa của đất trời đúng đêm giao thừa. Khi tôi hỏi về điều này, trung úy Nguyễn Văn Nam, Trung đội trưởng chiến đấu ở đảo Song Tử Tây nói: “Được gác đảo trong đêm giao thừa là một vinh dự lớn, không phải ai cũng có niềm tự hào đó. Giữa lúc giao thừa, mọi người vui chơi, mình thì súng trên vai, đạn đầy 2 hộp ra vị trí canh gác, gió phần phật thổi, căng mắt ra nhìn sóng biển, ưỡn ngực ra hứng gió thấy mình oai hùng, bất khuất thế nào ấy. Cảm giác ấy lâng lâng khó tả lắm!".
Có lẽ chính vì cảm xúc lâng lâng khó tả của người lính biển được canh gác nơi tột cùng xa xôi của Tổ quốc ấy mà cứ đến dịp cuối năm các chiến sĩ trên đảo phải bầu chọn rồi gắp phiếu để cử người gác đêm giao thừa. Muốn được nhận vinh dự đó phải là những chiến sĩ đạt loại A, được đồng đội bỏ phiếu tín nhiệm...
Vườn rau xanh trên đảo Đá Lớn.
Mong ước giản dị của lính đảo
Tâm sự với tôi, những người lính đảo cho biết điều kiện bây giờ không thiếu thốn như trước kia, vật dụng, quà tặng gửi ra đảo cũng không ít nhưng vẫn có nhiều thứ không phù hợp. Lính đảo rất cần cải thiện bữa ăn bằng rau xanh nên phải gửi ra đảo những loại hạt giống có thể chịu được khí hậu và nhiệt độ ngoài đảo. Ngoài ra, băng rôn, khẩu hiệu, áo sơ mi, kéo cắt tóc, băng đĩa nhạc hay báo chí… là những thứ mà lính đảo rất cần trong cuộc sống hàng ngày.
Hiện nay, sóng điện thoại và mạng Internet đã phủ rộng hầu khắp các đảo lớn, đảo chìm, nhà giàn song những lá thư tay từ hậu phương vẫn là nguồn động viên rất lớn đối với các chiến sĩ hải quân nơi đảo xa. "Nếu gửi thư mà không cần dán tem thì tốt quá vì lính đảo chúng em làm gì có tem thư?", một cậu lính đảo rụt rè nói.
Một nguyện vọng lớn của hầu hết các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu là nên sắp xếp những chuyến thăm phân bổ đều khắp các đảo. Bởi có những đảo mỗi năm được đón hàng chục lượt khách tấp nập song một số đảo khác lại lèo tèo vài lượt người đến thăm.