Hình thức nhà kho ký gửi online (Cosignment online shop) vốn rất phổ biến tại nước ngoài. Đây là hình thức bạn dùng bên trung gian rao bán hộ đồ của mình. Tại Mỹ, các shop ký gửi online đang ngày càng “đè bẹp” các cửa hàng cầm đồ, ký gửi kiểu cũ nhờ vào sự linh hoạt và tận dụng được công cụ thông tin đắc lực là mạng internet.
Một số website ký gửi đồ hiệu nổi tiếng ở nước ngoài là Therealreal, Theadup, Tradesy… Mỗi địa chỉ ký gửi online lại có cách kiểm soát, kiểm tra hàng và quy tắc nhận hàng riêng.. . chúng có những quy trình ký gửi khá giống nhau.
Đầu tiên là bạn mang hoặc gửi đồ tới nơi nhận hàng. Các website sẽ tiếp nhận hàng nếu đạt yêu cầu và tiến hành làm sạch, làm mới hàng (nếu cần), trao đổi với chủ nhân của món đồ về giá muốn bán, ký hợp đồng, đăng tải ảnh và mô tả tình trạng sản phẩm.
Với các shop ký gửi hàng bình dân thì công đoạn thẩm định sẽ khá lâu nhưng với những shop online ký gửi hàng hiệu thì việc kiểm tra nguồn gốc và tình trạng hàng là khá phức tạp.
Nhà kho ký gửi online là hình thức đang rất nở rộ tại nhiều nước phát triển. Nhiều website ký gửi mới hoạt động đã thu lợi nhuận khủng bởi chi phí để duy trì nhà kho ký gửi online khá rẻ và tiền đầu tư ban đầu thấp hơn nhiều so với dịch vụ ký gửi kiểu cũ (ký gửi tại cửa hàng). Chỉ tính riêng năm ngoái, Therealreal đạt tới 100 triệu đô la doanh thu trong khi đó sau 3 tháng hoạt động Threadup cũng có lợi nhuận tăng trường gấp 3 lần so với tháng đầu tiên “trình làng”.
Nhà nhà kho ký gửi online, nhiều người thoát khỏi cảnh chết chết chìm trong đống đồ cũ
Hiện tại hình thức nhà kho ký gửi online cũng đang khá phát triển tại Việt Nam. Không cần thuê mặt bằng, chỉ cần một website và tiện nhất là tạo một trang bán hàng trên facebook, là bạn đã có thể xây dựng được một shop ký gửi online. Hinh thức khá đơn giản nên số shop ký gửi như thế này ngày càng mọc lên “như nấm sau mưa”.
Chi phí rẻ do không cần trả tiền thuê mặt bằng, nhân công và cách thức hoạt động đơn giản, ít rủi ro nên nhìn chung, đây là một hình thức kinh doanh dễ thu lời. Nếu xây dựng được trang bán hàng thu hút được đông đảo người xem thì một tháng, chủ shop có thể ung dung bỏ túi cả chục triệu đồng.
Sau khi nhận hàng (thường là tại nhà) thì shop ký gửi sẽ giặt sạch đồ nếu cần thiết, chụp ảnh và viết mô tả sản phẩm sao cho “kêu” nhất. Sau đó họ đăng tải lên trang bán hàng của mình.
Không chỉ có khách lẻ mà nhiều cửa hàng thời trang nhiều hàng tồn kho cũng tìm tới shop online để ký gửi đồ, kiếm thêm tiền, xoay vòng vốn.
Thời gian ký gửi thường từ 40 ngày – 6 tháng. Một số shop thường chỉ cho khách ký gửi đồ ngắn ngày ( 1 tháng – 1,5 tháng). Bên cạnh đó, các shop chuyên ký gửi hàng hiệu lại có thời gian ký gửi lâu hơn vì đồ khó bán, kén khách hơn.
Mỗi mặt hàng ký gửi bán được, shop có thể “ăn” tới 30% giá của nó. Tuy nhiên, đây không phải mức chung mà chỉ ứng với shop ký gửi bình dân.
Với những loại quần áo, túi xách, phụ kiện hàng hiệu cao cấp giá càng cao thì % chiết khấu cho các cửa hàng thường là càng giảm. Tức là chẳng hạn như với đồ có giá 50 triệu, sau khi bán được shop sẽ “ăn” 10%. Nếu bán được hàng trên 100 triệu thì chỉ “ăn” 5%...
Bạn có thể mua được hàng hiệu giá thấp trên các shop ký gửi online
Cách tính giá trên chỉ là cách thông thường nhất. Một số shop ký gửi online dùng cách tính tiền bán hộ “khôn” hơn. Đó là tính giá theo mốc thời gian tồn hàng. Giả sử nếu thời gian ký gửi tối đa 4 tháng. Trong dưới một tháng đầu, đồ ký gửi của bạn “tiêu thụ” được thì bạn chỉ phải trả cho shop 20% tiền bán hộ. Nếu 2 tháng mới bán được, bạn phải trả cho shop 30% và càng lâu thì tiền phải trả càng cao hơn.
Chính bởi quy tắc càng để lâu thì càng bị tính mức chiết khấu cao nên đã nảy sinh ra một “mánh ăn tiền” khá phổ biến. Một số chủ shop ký gửi đã tìm cách “om hàng”. Tức là họ chỉ đăng tải sản phẩm mà… không bán.
Thu Lê, người từng dùng dịch vụ ký gửi hàng online kể lại: “Mình ký gửi 4 cái váy H&M với giá khá rẻ nhưng mãi vẫn thấy không bán được. Hơi nghi ngờ nên mình nhờ một cô bạn giả vờ làm người mua. Khi bạn mình hỏi thì shop ký gửi nói là váy của mình đã có khách đặt và không bán.”
Sau đó, Thu Lê đã đưa bằng chứng và yêu cầu chủ shop ký gửi online giải thích. Sau vụ cãi cọ thì chỉ 2 ngày sau, 4 chiếc váy của Thu Lê đã được bán sạch. Sau khi đưa lại cho khách tiền, chủ shop còn không quên dặn với theo “Bạn đừng nói với ai vì chuyện này chỉ là hiểu lầm thôi nhé!”.
Giao diện của một shop ký gửi online trên facebook
Tuy không phổ biến nhưng cũng có hiện tượng một vài shop ký gửi “om hàng” của khách để làm dịch vụ cho thuê đồ. Những chủ shop này sẽ một tay điều hành 2 cửa hàng ký gửi và cho thuê đồ (thường là đồ hiệu). Sau khi shop ký gửi dài hạn thì họ đem chính hàng của khách cung cấp cho dịch vụ thuê đồ. Cách “tráo tay” này vẫn có thể thu lời mà lại không dễ bị phát hiện.
Nếu nghe qua thì bạn sẽ có cảm giác hình thức kinh doanh kho ký gửi online rất “dễ ăn”. Tuy nhiên thực tế thì hình thức kinh doanh nào cũng có rủi ro, chỉ có điều rủi ro của nhà kho ký gửi online ở mức thấp so với các hình thức khác.
Với nhà kho ký gửi online hàng bình dân rao các sản phẩm có giá dưới 1 triệu đồng thì rất hiếm khi gặp vấn đề xấu. Tuy nhiên, nhược điểm là số lượng hàng tại các nhà kho ký gửi online này thường rất nhiều. Do đó, sản phẩm không được “chăm sóc” kỹ, có hàng chỉ được đăng một lần rồi lại bị trôi theo dòng chảy của các bài giới thiệu sản phẩm khác… Điều này khiến việc mua bán không được hiệu quả.
Rủi ro thường gặp là đối với các shop ký gửi hàng hiệu online. Các shop này khi tiếp nhận đồ phải thẩm định được tình trạng hàng hóa như độ cũ mới…., có đúng hàng chính hãng hay không. Nếu không trung thực chỉ 1 trong 2 điều trên, shop sẽ rất dễ suy giảm uy tín, mất khách nhanh chóng.
Chủ của một shop ký gửi hàng hiệu giấu tên cho biết chị cũng từng rao bán nhầm một chiếc túi Louis Vuitton fake (giả) “siêu cấp”. Chiếc túi được nhái rất đẳng cấp với da, viền, thẻ authentic, hóa đơn mua hàng như thật. Thậm chí phần quai túi còn ngả màu mật ong (một số dòng tui LV có quai cầm bằng da sáng màu thường bị ngả màu khi sử dụng) để có vẻ như đã từng sử dụng. CHủ shop ký gửi đã rao bán chiếc túi với giá 10 triệu (giá gốc của chiếc túi hàng xịn là khoảng 47 triệu) và ngay lập tức có người mua. Tuy nhiên sau đó, khách ra cửa hàng của LV thì xác minh được đó là túi nhái.
“Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, sau lần đó, uy tín của shop bị tổn hại trầm trọng dù mình đã hoàn lại tiền cho khách. Mình làm ăn nhỏ lẻ, không có liên hệ với các hãng nên việc xác minh hàng hóa chỉ dựa vào kinh nghiệm chủ quan là chính. Dó đó, lần sau mình cứ nhắc khách là mang hàng tới hãng kiểm tra, đúng chuẩn thì hẵng mua.” – Chủ shop than thở.