Rau đậu nhiễm khuẩn, cam quýt vạ lây

Kết quả kiểm tra tại một quầy hàng ở chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng) đã cho kết quả giật mình khi phát hiện mặt hàng đậu côve, rau xà lách bị nhiễm E.coli.

Đặc biệt, rau xà lách bị nhiễm khuẩn E.coli gấp tới hơn 100 lần cho phép đã được tiêu thụ hết.

Nhiễm khuẩn và… ế ẩm!

Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản (Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng) cho biết vừa phát hiện 2 mẫu đậu côve, rau xà lách tại quầy kinh doanh rau quả bà Phạm Thị Gái ở chợ đầu mối Hoà Cường (quận Hải Châu) bị nhiễm E.coli vượt giới hạn cho phép. Cụ thể, tại quầy này, đậu côve bị nhiễm E.coli 2,4 lần cho phép; xà lách nhiễm E.coli tới 110 lần cho phép. Đây là 2 trong số 26 mẫu được Chi cục tiến hành lấy ngẫu nhiên từ hàng rau củ quả nhập về chợ đầu mối.

Ông Lê Quốc Thỉnh, Phó chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết, đa số các mẫu mà Chi cục lấy đều tập trung vào hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, nhằm phát hiện các chất bảo quản thực phẩm nguy hại.

Tuy nhiên, đáng lo ngại khi ông Huỳnh Viết Thành, Trưởng ban quản lý chợ đầu mối Hoà Cường cho biết, lô hàng rau xà lách, đậu côve bị nhiễm khuẩn nặng nề này đã được phân phối tỏa đi các chợ trong thành phố nên việc thu hồi, xử lý tiêu hủy rất khó.

Bên cạnh đó, mặt hàng cam tươi trong nước ở Đà Nẵng cũng đang trong tình trạng ế ẩm vì những thông tin bất lợi về việc cam Trung Quốc chứa chất gây ung thư. Theo ghi nhận, mỗi ngày, tại chợ đầu mối Hòa Cường có khoảng 40 tấn cam được chở từ miền Tây ra phân phối cho địa bàn Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng. Các chủ kinh doanh mặt hàng cam tươi Đà Nẵng cho hay, người tiêu dùng không nhận biết được cam Trung Quốc hay cam trong nước nên khi “tẩy chay” thì họ không mua cả hai thứ.

Trước đây chúng tôi kinh doanh cam trong nước thuận lợi, nhưng từ khi cam Trung Quốc ào về, giá rẻ, chất lượng không đảm bảo, cùng với lo lắng của người dân nên thị trường cam trong nước lao đao” - một chủ quầy kinh doanh cam trong chợ đầu mối này cho biết.

Đa số rau quả ở các chợ đầu mối được nhập về ban đêm, tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Siêu thị uy tín hưởng lợi

Trong khi người tiêu dùng cẩn trọng với hoa quả mua ở các chợ thì ngược lại, lượng hoa quả tiêu thụ trong một số siêu thị có uy tín đã tăng đột biến. Hệ thống siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng cho biết, trong 8 tháng đầu năm, doanh số bán hàng mặt hàng trái cây của Co.op Mart đã tăng 50% so với cùng kỳ. Mặt hàng này ngày càng thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng vì Co.op Mart thực hiện chủ trương không kinh doanh trái cây Trung Quốc. Đại diện Co.op Mart cũng cho hay, tỉ lệ trái cây nội địa bày bán tại Co.opmart duy trì ở mức 90% , còn lại 10% là trái cây nhập khẩu từ Mĩ, New Zealand, Chile, Nam Phi với xuất xứ rõ ràng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Trước tình trạng hoa quả Trung Quốc tràn ngập thị trường, các ngành chức năng ở Đà Nẵng đang tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm và tiêu hủy những sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa tiến hành lấy mẫu một số loại trái cây như nho, mận và lựu nhập khẩu từ Trung Quốc đang bán trên thị trường. Qua kiểm nghiệm phát hiện các mẫu trên có chứa carbendazim và tebuconazole với dư lượng vượt mức cho phép từ 1,5 - 5 lần. Đây là những chất diệt nấm, sử dụng trong bảo quản trái cây mà nếu dùng vượt quá mức cho phép, có thể gây vô sinh và nguy hại cho sức khoẻ.