Rắn vào tận phòng ngủ cắn tay trẻ ở Sài Gòn

Nạn nhân 13 tháng tuổi ở Bình Chánh, TP HCM lập tức được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1.

 Mẹ của bé cho biết, khoảng 21h, bé đang ngủ trên giường trong lúc trời mưa to thì bỗng khóc thét. "Tôi chạy vào xem thì thấy một con rắn lục cắn bé ở bàn tay phải, chảy máu đầm đìa".

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, căn cứ vào xác rắn bị người nhà bệnh nhi đập chết, các bác sĩ xác nhận đây là rắn lục xanh đuôi đỏ, một loại rắn độc. Bé có biểu hiện rối loạn đông máu nặng, sưng bầm chảy máu vết thương rắn cắn, lan rộng xung quanh lên trên cánh tay nên được truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức sức cấp cứu tích cực và chống độc, tình trạng của bé vẫn không cải thiện sau 6 giờ truyền huyết thanh kháng nọc rắn. "Vết thương sưng bầm tiếp tục lan lên đến vai phải, xét nghiệm máu thấy bị rối loạn đông máu nặng nên chúng tôi truyền tiếp liều huyết thanh kháng nọc rắn lục tre đặc hiệu liều 2".

Kết quả sau hơn một ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bé mới dần ổn định, bớt sưng, bớt đau, hết chảy máu. Đây là trường hợp thứ 2 trong tháng bị rắn bò vào nhà cắn. Trường hợp đầu tiên là một bé trai nhà ở quận 12, đang nằm ngủ thì bị rắn cắn ở chân.

"Qua những trường hợp này chúng tôi lưu ý phụ huynh sống ở vùng quê, ở ngoại ô TP HCM hoặc xung quanh nhà có cây cối thì nên phát hoang nhằm tránh để rắn bò vào nhà trú ẩn, tránh mưa rồi cắn người. Một lưu ý khác, nên mắc mùng kín khi ngủ để vừa tránh muỗi đốt vừa tránh rắn cắn và những côn trùng khác tấn công", ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, hiện khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 đã được trang bị các huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu đối với rắn hổ đất, rắn lục, rắn chàm quạp, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân bị rắn cắn biến chứng nặng.