Theo thống kê của các bệnh viện, đến nay ở miền Trung đã có hơn 400 người dân bị rắn cắn, trong đó phần lớn là nạn nhân của rắn lục đuôi đỏ. Đặc biệt, có một trường hợp ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã tử vong do bị rắn hổ chúa cắn vào tay cách đây 1 tháng.
Trước tình hình trên, cuối tuần qua, Bộ NN-PTNT đã cử các chuyên gia đến tận nhà các nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn ghi nhận thông tin, thu thập mẫu vật để phân tích nguyên nhân rắn xuất hiện nhiều bất thường.
Tuy nhiên, đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể lý giải được nguyên nhân cụ thể, mới chỉ phỏng đoán có thể đợt mưa lũ lịch sử năm 2013 đã đưa rắn từ các đồi cao về khu vực đồng bằng trú ngụ. Đến mùa mưa năm nay, thời tiết thuận lợi giúp chúng sinh sản nhanh nên tràn xuống các khu dân cư tìm thức ăn.
Về trường hợp bị rắn hổ chúa cắn tử vong, ngày 11/12, lãnh đạo bệnh viện Bắc Trà My (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) cho biết nạn nhân là anh Hồ Văn Cường (31 tuổi, trú xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My).
Trước đó, lúc 4h ngày 11/11, hàng xóm của anh Cường tên Mai Thị Túy thức dậy nấu ăn thì nghe tiếng động lạ dưới gầm giường. Anh Thanh, chồng chị Túy, lấy đèn pin rọi xuống thì phát hiện một con rắn hổ chúa màu đen, to như cổ tay… đang nằm khoanh tròn. Hoảng sợ, anh Thanh gọi điện cho anh Cường sang trợ giúp bắt rắn.
Khoảng 10 phút sau, 2 người đàn ông này cùng khống chế bắt được con rắn hổ chúa dài gần 3 mét. Tuy nhiên, khi bỏ rắn vào bao tải thì bất ngờ nó quay đầu lại cắn vào tay phải của anh Cường. Lập tức, mọi người dùng dây thun buộc chặt phần cổ tay phải rồi đưa đến bệnh viện huyện Bắc Trà My cấp cứu.
Lãnh đạo bệnh viện Bắc Trà My xác nhận khoảng 6h30 cùng ngày có tiếp nhận anh Cường với các triệu chứng tím tái, phù nề toàn thân, suy hô hấp, trụy tim... do bị rắn hổ chúa cắn.
Lập tức, các bác sĩ tiến hành dùng thuốc, truyền dịch và phong tỏa không cho nọc độc phát tán. Mặc dù đã cố gắng cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng, chất độc phát tán nhanh nên bệnh nhân đã tử vong sau đó một ngày.